Tháng Chạp, cúng Âm linh

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 31/01/2022 09:27

(QNO) - Ở các vùng nông thôn, làng nào cũng có một miếu âm linh, có nơi còn gọi là âm linh nghĩa tự. Đến tháng Chạp, thường là khoảng 10 ngày giáp tết, dẫn đầu bởi các bô lão - ngày nay là ông hội trưởng người cao tuổi ở các thôn dẫn đầu, từ sáng sớm cùng nhau đi tu sửa các phần mộ vô chủ rồi sau đó tề tựu ở miếu làm lễ cúng hết sức chu đáo. Đây được coi là một tục hệ từ nhiều thế kỷ nay ở xứ Đàng Trong.

 
Lễ cúng âm linh của người dân Phong Lệ, xã Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng

Miếu âm linh của mỗi làng thường xây dựng ở một nơi cao ráo phía đầu làng, gần với nghĩa trang của địa phương. Ở Điện Bàn, vị trí này thường xây tại các gò đất mà trước đây là một di tích Chàm đã đổ nát. Đó là nơi thờ cúng những linh hồn không nơi nương tựa, người chết do tên bay đạn lạc, do thiên tai thủy ách hoặc do dịch họa, bị cọp beo tấn công dọc đường, lỡ bước trên đường tha phương cầu thực, mồ mả không ai chăm sóc khói hương. Trong lịch sử văn chương nước ta, hai áng văn bất tử như “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du và “Văn chiêu hồn" của Nguyễn Đình Chiểu nghe thật thống thiết, đã mô tả đầy đủ tình cảnh của các nạn nhân như vậy trong quá khứ ở mỗi địa phương, mà làng là đơn vị tiêu biểu.

Từ nhỏ dân làng tôi thường đọc cho nhau câu: “Lo chi mả lạng mồ hoang/ Hai mươi tháng Chạp có làng dẫy đưa”. Sau này lớn lên về lại làng, tôi biết thêm cả 6 thôn trong xã đều có miếu âm linh riêng và đều cúng trong ngày 20 tháng Chạp. Ở xã bên, nguyên xã hiệu là Phong Niên lập từ thế kỷ 17 có một Chùa Âm linh chung cho các thôn và cúng vào ngày 25 tháng Chạp. Theo các vị cao niên, thì chùa này lập ra sau đại dịch Lệ Khí triều vua Tự Đức, nhà Nguyễn bằng tranh tre, sau chiến tranh được tu bổ tường gạch, lợp ngói khang trang và có người trông coi.

Dẫy mả và cúng âm linh là một nghi lễ nhân văn trong dân chúng nông thôn Quảng Nam. Ngay tại các làng cũ trong thành phố Đà Nẵng tuy là đất nhượng địa từ thời Pháp thuộc, hay mới đô thị hóa sau này, đến nay nhiều khu phố vẫn duy trì thờ cúng tại các miếu âm linh tương tự ở Quảng Nam. Nơi tôi cư trú ở phường Hòa Thuận Đông hay tại các phường thuộc quận Cẩm Lệ vẫn còn duy trì lễ cúng này rất chu đáo. Đây là một nghi lễ tôn nghiêm, rất nhân văn nên được duy trì và khuyến khích.

Một lão ông ở làng tôi nói: “Từ xa xưa việc xiêu lạc mồ mả, hoặc chết đường chết chợ, chết sông nước là không thể tránh khỏi. Ngay trong các cuộc chiến tranh vừa qua, nhiều gia đình cũng chưa tìm được người thân, nên làng nào cũng duy trì lễ cúng âm linh là rất tình nghĩa, rất hay, nên duy trì!”

Ngày 20 tháng Chạp vừa qua, tôi cũng về làng dự lễ cúng tại miếu âm linh của làng. Nhiều người lớn tuổi cư ngụ tại Đà Nẵng, Tam Kỳ cũng về thật sớm để tham dự. Tưởng nhớ người thất tán ngày xưa đồng thời ngồi lại với nhau sau lễ cúng, tôi nghe thấy những câu chuyện người làng nói cùng nhau thật ý nghĩa. Có nhiều người trước đây ít quan tâm đến ngày này, nay được động viên, giải thích đã hiểu ra và cùng đến dự. Một đứa cháu họ của anh tôi, tuy trẻ hơn nhưng lại sốt sắng, vì “Sinh thời cha cháu không vắng mặt bao giờ, nên cháu nay thay thế!”. Thật là ý nghĩa!

Chiêng cổ, trống ba hồi khởi lên, hai người lớn tuổi “có giọng” thay nhau đọc văn tế. Một vị có uy tín trong làng là chủ lễ. Hai vị trẻ hơn đánh chiêng, trống ở hai bên tả hữu. Vài bạn trẻ lo việc chiết tửu, thắp hương. Nghi thức tuy “xưa bày nay bắt chước” nhưng thật nghiêm túc, cảm động.

Tôi và các bạn đứng bên ngoài lắng nghe: “Chấp sự giã, các tư kỳ sự…” là lễ bắt đầu. Sau các nghi thức ba lần rót rượu, nhất bái, nhị bái, tam bái… thì đến bài văn cúng: “Ô hô, nhớ âm linh xưa, kẻ dưới trần sinh nơi tạo hóa, kẻ sĩ kẻ nông kẻ thương kẻ quỳnh kẻ độc… cũng có kẻ thi tửu cầm kỳ, cũng có kẻ thị thành thôn dã… Tưởng những kẻ quân thuờng đầu thượng, lúc bắc cầu khi mở núi gian truân… Thương những người ưu ái tính trung xông mũi đạn chịu đầu tên lỡ hội…Thương những người chiến sĩ oai phong, lòng tiết liệt bền cùng sắt đá…”. Người đọc văn giọng càng tốt nghe càng hay, càng cảm động. Tôi thấy có vài người dừng lại phía bên đường, lắng nghe…

Đoạn cuối trước khi chủ lễ bái tất là “Lòng thành cung hiến lễ sinh, xin gọi chút ở đề nghĩa trả. Ba tuần rượu xin dâng trước án, xin tôn linh chứng chút giáng lâm. Đồng lai âm hạ chứng minh phò trì bổn xứ xưng vinh, bảo an phước lộc song toàn, trong thôm xóm đặng câu an lạc… Ngưỡng lại âm linh phò trì chi gia huệ dã… Phục duy cẩn cáo…”

Cúng âm linh là một “lễ trọng” cuối năm ở mỗi làng là nếp văn hóa truyền thống rất nhân văn. Mỗi làng có khoảng độ 800 đến một ngàn dân. Tôi năm nào cũng về dự, nhưng mỗi lễ chỉ khoàng 30 người có mặt, còn khá ít người trai tráng. Đó là điều đáng tiếc. Tôi nghĩ nếu hôm ấy, đài truyền thanh mỗi thôn thông báo sớm để kêu gọi mọi người hưởng ứng  và trong các bài văn cúng, những “Chấp sự giã, các tư kỳ sự…” cũ kỹ và khó hiểu đối với lớp trẻ sớm được quốc ngữ hóa, có lẽ sẽ thu hút sự quan tâm nhiều hơn ở mỗi cộng đồng!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG