Săn cọp trên Thiên Ấn sơn

LONG NGUYỄN 31/01/2022 06:53

(Xuân Nhâm Dần) - Chuyện ông Hoàng Phò - con trai Tổng đốc Hoàng Diệu giết cọp dữ đem lại bình yên cho làng mạc dưới chân núi Thiên Ấn có lẽ ít người biết. Điều lạ, lúc săn hạ cọp dữ, ông Hoàng Phò đang là một y sĩ…

Chùa cổ trên núi Thiên Ấn. (ảnh: Internet)
Chùa cổ trên núi Thiên Ấn. (ảnh: Internet)

Thiên Ấn sơn nằm ở tả ngạn hạ lưu sông Trà Khúc. Có nhiều truyền thuyết liên quan đến ngôi cổ tự được xây dựng cách đây 327 năm (1694) trên Thiên Ấn sơn, trong đó có chuyện ông Hoàng Phò săn hổ.

Tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương loại ưu năm 1917, ông Hoàng Phò được bố trí làm việc tại nhà thương Huế một thời gian, rồi được điều chuyển vào Quảng Ngãi. Lúc này - đầu thập niên 1920, Thiên Ấn sơn còn hoang vu.

Trên đỉnh núi, cây mọc thành rừng thâm u, là nơi trú ngụ của cọp. Con cọp này ban đêm thường xuống ngôi làng nhỏ ở chân núi ăn thịt trâu, bò, heo và người khiến dân làng hoang mang, lo sợ.

Chính quyền sở tại đã bố trí nhiều toán thợ săn cọp, đặt bẫy bắt “ông hùm” nhưng không thành công; ngược lại có không ít thợ săn mất mạng vì nó. Người ta đồn đại rằng, con cọp đã thành tinh, khó thể bắt, hoặc giết chết nó được.

Khi đến nhậm chức, nghe chuyện, ông Hoàng Phò bèn tìm gặp Rémy - chỉ huy đồn Pháp bàn bạc kế hoạch lên núi Thiên Ấn tìm giết cọp dữ trừ hại cho dân. Rémy thuộc tuýp người có “máu hiệp sĩ” nên đồng ý cùng ông Hoàng Phò đi săn cọp.

Một đêm trăng hạ tuần, Rémy mang theo toán lính cùng ông Hoàng Phò lên núi Thiên Ấn. Trong cuộc đi săn này, ông Hoàng Phò được Rémy giao cho một khẩu súng.

Trăng lưỡi liềm sáng lờ nhờ làm cho con đường quanh co hai bên cỏ tranh mọc kín dẫn lên Thiên Ấn sơn càng thêm phần rùng rợn, mặc dù mỗi thợ săn đều được trang bị đèn pin đeo trên trán.

Và khi đội săn lần dò trong khoảnh rừng ở đỉnh núi, gần ngôi cổ tự thì phát hiện mắt cọp “bắt đèn” lia nhanh qua một phiến đá lớn. Những người lính đi theo hoảng sợ run như cầy sấy, vì thấy con cọp này to lớn dị thường, trong đêm tối 2 mắt nó phát ra những tia sáng xanh rùng rợn.

Dường như con cọp linh tính được nguy hiểm nên nó gầm lên nhảy ra khỏi phiến đá. Toán lính chưa kịp trở tay, nhả đạn thì con cọp uốn mình lại và phóng tới chỗ Rémy đang loay hoay tìm chỗ nấp. Rémy liền nổ súng, nhưng tay Tây đồn đã bị cọp vồ ngã, cắn nát bắp chân.

Giữa lúc đám lính luống cuống không dám bắn cọp vì sợ trúng Rémy thì ông Hoàng Phò giương súng nhằm cọp bắn một phát. Có lẽ bị trúng đạn, con cọp gầm lên bỏ Rémy và phóng về phía đối thủ đã bắn nó.

Ông Hoàng Phò chuyển nhanh người né tránh cú chụp của chúa sơn lâm, song vẫn bị nó hất ngã, khẩu súng văng khỏi tay. Rất may khẩu súng văng xuống đất gần đó nên Hoàng Phò kịp nhoài người nhanh tay chụp lấy và liên tiếp nhả đạn vào đầu cọp.

Con cọp bị bắn hạ, toán lính chia nhau kẻ khiêng xác cọp, người cáng Tây đồn Rémy xuống núi. Ngay sau đó, Rémy được đưa vào nhà thương Quảng Ngãi chữa trị và tiếng đồn Y sĩ Hoàng Phò giết cọp trừ hại cho dân nhanh chóng lan truyền khắp vùng hạ lưu sông Trà Khúc…

Nhắc lại chuyện ông Hoàng Phò “đả hổ”, khi về làng Xuân Đài, tôi đã được các bô lão họ Hoàng kể rằng, câu chuyện xảy ra vào đầu thập niên 1920 và đã được báo chí thời đó đăng tải, bài báo hơn nửa trang có in hình ảnh ông Hoàng Phò ngồi trên mình chúa sơn lâm sau khi đã bắn hạ nó.

Người làng Xuân Đài đã cất giữ bài báo như báu vật. Nhưng rồi chiến tranh triền miên, bom đạn cày nát vùng Gò Nổi nên bài báo thất lạc. Tuy nhiên trong gia phả họ Hoàng và cả trong ký ức của các bậc cao niên làng Xuân Đài vẫn còn câu chuyện này lưu truyền cho con cháu…

LONG NGUYỄN