Hoài niệm lô tô

PHƯƠNG GIANG 23/01/2022 06:50

Tiếng tết, trong ký ức của tôi không phải là tiếng pháo giòn vang đầu ngõ, cũng chẳng rộn ràng những hội hè, mà là tiếng nhạc từ đoàn hát lô tô.

Hô hát lô tô trong dịp tết đến xuân về. Ảnh: THÀNH CÔNG
Hô hát lô tô trong dịp tết đến xuân về. Ảnh: THÀNH CÔNG

Tiếng loa đầu tiên vang lên từ phía rạp lô tô suốt một quãng đời thơ bé vẫn gọi tên niềm nhớ mênh mông, về tết, về nơi nông trường chè ngút ngát xanh phía thung lũng Trung Mang (Đông Giang), lấp lánh cả miền hoài niệm.

Những cái tết nơi miền núi thiếu nhiều thứ, thành thử một điểm lô tô trở thành chỗ tới lui của nhiều người, già trẻ, gái trai. Mải miết với những nương chè suốt một năm quần quật, khi tháng Chạp vừa chớm, cây chè đã được vạt ngọn để chờ ra Giêng nảy lộc non, lại thấy đoàn lô tô sửa soạn, bày biện lại dàn nhạc, thử loa, ráp lời.

Câu hát lô tô chỉ còn vọng lại từ miền nhớ, vắng xa.

Những người ở xa, như cánh cò theo cuộc mưu sinh để rồi tết mới được về làng cũ, cũng lại hớn hở tìm đến chỗ người ta xúm đen xúm đỏ quanh gánh lô tô như một thói quen, một “lệ tết” của riêng mình.

Họ đến đó, tìm niềm vui, tìm bạn bè, tìm cả chút vận may của mình trước năm mới, chộn rộn trước sân khấu nhỏ xíu kê bằng mấy tấm ván cũ đã xỉn màu, mua một tờ vé, ngồi chờ người hô hát “giỡn cười” với những lời ca, con số.

“Con số gì ra cờ ra con mấy con mấy gì ra…”, lời hát cất lên quen lắm, cùng những chiêu trò hóm hỉnh của người ca, để những vị khách phía dưới ôm tờ số thấp thỏm đợi chờ, rồi reo vui với những con số lô tô vừa được “xổ”…

“Bà con cô bác, lẳng lặng mà nghe, tôi rao con cờ ra, cờ ra con mấy, con mấy gì đây. Em nhẹ tay quay, cờ ra mà anh bắt, bà con cô bác, lẳng lặng mà nghe con gì nó ra đây”…

Hình như lâu lắm rồi chẳng còn được nghe câu ca cũ, dù tết cứ đến rồi đi nhanh đến độ giật mình. Dội lên trong tôi là tiếng hát thô mộc của dàn ca lô tô, với nhạc cụ chỉ là cây guitar điện và dàn trống của ông Tấn, một chủ tiệm tạp hóa ở quê, xập xình một góc chợ nhỏ xíu ở ngã ba, địa điểm mặc định của trò chơi tết gần như là duy nhất ở cả một miền thung lũng chè mênh mông góc núi.

Thanh âm của tết, của quê, của niềm vui bé mọn lấp lánh trong mắt cười lũ trẻ mỗi dịp tết về cầm tờ vé trên tay hồi hộp chờ con số cuối cùng từ người hô hát. Mà mấy ông già hô hát cũng lắm chiêu, biết thừa khán giả đang chờ con “cờ kinh”, mà cứ đi vòng vòng rồi rao như nhứ, đến cuối giờ mới chịu công bố con số mà bao người đang phấp phỏng đợi chờ.

Tôi nhớ, phần thưởng của gánh lô tô thời đó không bao giờ là tiền mặt, mà thường là mấy món đồ như phích nước, cái nồi, thậm chí một chiếc… lốp xe đạp. Ai may mắn trúng được một món quà, cũng đều trân trọng nâng niu như thứ lộc xuân, gửi kèm ước vọng nhiều may mắn trong một năm mới khi tết vừa chạm ngõ.

Tháng Chạp đang đi nốt những vòng quay cuối cùng. Trong cái lạnh se đã chớm vài buổi nắng. Mai nhà hàng xóm đã trổ lộc vàng. Mải miết theo cuộc mưu sinh dưới phố, nghe má gọi, nói năm nay mưa dai quá, mấy vạt rau trước nhà dập hết, sợ không kịp tết.

Nhiều năm nay rồi, khi nông trường chè chuyển qua cổ phần hóa, những đồi chè mấy chục năm tuổi chỉ còn sót lại vài khoảnh, xơ xác, người ta cũng không phát ngọn chè chờ ra Giêng lên lộc mới như thuở xưa, những hình ảnh thân thuộc nơi quê xứ lặng lẽ mất dần.

Không ai trong đoàn lô tô thời thơ ấu của tôi còn ở lại nơi góc núi. Có người về lại quê xứ nơi đồng bằng, cũng có người đã hóa thành mây trắng treo trên đỉnh núi Chúa phía xa thung lũng. Câu hát lô tô chỉ còn vọng lại từ miền nhớ, vắng xa.

Tết năm nào đó, có đứa nhỏ là tôi, nắm tờ vé lô tô trong tay ngồi bệt dưới nền chợ đầy bụi đỏ, nghe từng giọt lô tô với cả niềm hy vọng…

PHƯƠNG GIANG