Quảng bá Đài thờ A10 ở Mỹ Sơn
Mỹ Sơn tiếp tục có thêm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Việc lập kế hoạch cũng như các phương án bảo tồn, phát huy, quảng bá bảo vật đã và đang được đặt ra.
Đài thờ liền khối lớn nhất
Đài thờ A10 nằm trong đền A10 thuộc nhóm A của Khu đền tháp Mỹ Sơn được nhìn nhận là một hiện vật gốc, độc bản vừa được công nhận là bảo vật quốc gia của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đài thờ Mỹ Sơn A10 là hiện vật có hình thức độc đáo. Bản thuyết minh hiện vật do Sở VH-TT&DL thực hiện để hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia khẳng định đây là đài thờ hoàn chỉnh có Linga - Yoni liền khối lớn nhất trong điêu khắc Chămpa cho đến nay.
Theo đó, đây là đài thờ có phong cách trang trí tiêu biểu mô phỏng kiến trúc thuộc phong cách Đồng Dương. Và là đài thờ nguyên vẹn hiếm hoi còn nguyên vị trong không gian của đền A10 có niên đại khá sớm, thế kỷ 9 - 10.
Đài thờ Mỹ Sơn A10 bảo tồn được kỹ thuật xây dựng đá; là nơi duy nhất tìm thấy chất liệu chì trong mộng đuôi cá. Kỹ thuật mộng đuôi cá bằng chất liệu chì thể hiện ở Đài thờ A10 là một trong tư liệu hiếm hoi còn lại tại Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trong kỹ thuật xây dựng đá của kiến trúc Chămpa nói chung.
Ông John Anderson, quốc tịch Mỹ - hiện sống tại Buôn Ma Thuột cho biết, ông dành hơn 1 tuần ở tại Mỹ Sơn và Hội An để khám phá vùng đất này. Khi đến Mỹ Sơn, biết Đài thờ A10 là bảo vật quốc gia vừa được công nhận, John Anderson cho rằng, Mỹ Sơn cần đẩy mạnh hơn việc quảng bá di sản, đặc biệt với những bảo vật mà nơi này đang sở hữu. “Vì đây sẽ là điểm nhấn để kích thích người ta tìm đến Mỹ Sơn chiêm ngưỡng bảo vật và tham quan di tích” - ông John Anderson nói.
Với hình dạng là một đài thờ vuông được ghép từ 17 khối sa thạch xếp thành 5 lớp chồng lên nhau, Đài thờ có kích thước cao 226cm, dài 2,58m, rộng 2,58m. Yoni có kích thước dài 2,25m, rộng 1,69m, dày 31cm. Linga có đường kính 55cm, cao 57cm.
Bốn mặt của đài thờ có bố cục chung giống nhau gồm phần đế đài thờ, thân và Linga - Yoni. Vòi Yoni quay về hướng Bắc, thân đài thờ được trang trí giật cấp, thu vào ở giữa, trên dưới tương đối đối xứng...
Đài thờ A10 được khai quật từ năm 2020 với việc tiến hành phát lộ và trùng tu đền A10. Theo Phòng Bảo tồn - Bảo tàng của Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp đã phát quang, dọn dẹp, nghiên cứu và khai quật Khu đền tháp Mỹ Sơn trong các năm 1903 - 1904.
Đài thờ và hố thiêng của đền A10 đã bị xáo trộn và lật đổ trước khi tiến hành khai quật. Sau đó, vào những năm 1938 đến 1942, các nhà nghiên cứu tiếp tục khai quật và trùng tu đền A10.
Sau 1975, đền A10 tiếp tục được khai quật và phát lộ, nhưng đài thờ A10 vẫn không được phát lộ, lắp ghép theo đúng như hình dạng vốn có của nó. Cho đến năm 2020, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã tiến hành phát lộ, khai quật và trùng tu đền A10. Các thành phần của Đài thờ A10 nằm sâu dưới lớp hố thiêng được đưa lên khỏi mặt đất. Đài thờ Mỹ Sơn A10 được trả lại hình dạng vốn có và vị trí ban đầu của nó.
Lập kế hoạch bảo quản
Đền A10 là một trong những khu đền quan trọng nhất trong quần thể nhóm tháp A tại Mỹ Sơn. Ngôi đền này được xây dựng vào thế kỷ 9 dưới triều vua Indravarman II, vị vua xây dựng Phật viện Đồng Dương nổi tiếng vào năm 875. Đền A10 cũng là một trong hai ngôi đền (cùng với đền B4) tiêu biểu mang phong cách Đồng Dương tại thung lũng Mỹ Sơn.
Ông Nguyễn Công Khiết - Phó Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, việc phát hiện đài thờ cùng bộ Linga - Yoni liền khối là sự thành công trong hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ.
Trước đó, chính phủ 2 nước đã ký kết chương trình hợp tác bảo tồn Khu đền tháp Mỹ Sơn kéo dài 5 năm. Chính phủ Ấn Độ đã tài trợ khoảng khoảng 2,5 triệu USD để trùng tu 3 nhóm tháp K, H và A.
Trong 2 năm 2018 - 2019, các chuyên gia Ấn Độ đã hỗ trợ trùng tu hoàn thiện 2 nhóm tháp K, H. Năm 2020, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam cùng với 100 công nhân lành nghề đã tổ chức trùng tu đền A10, A11, A8.
Ngoài ra, hoàn thành tường bao của nhóm tháp A nhằm phục dựng một phần dáng dấp xưa của nhóm đền tháp cổ. Ông Nguyễn Công Khiết cho biết, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã hoàn thành việc lập phương án thiết kế mái che cho đài thờ phù hợp với không gian đền A10 và nhóm đền tháp A.
Hiện tại, một vài vị trí ở phần đế và thân của Yoni có vết vỡ nhỏ. Linga có vết rạn nứt chạy dọc từ chân lên đỉnh Linga. Dù chất lượng đá xây đài thờ còn khá tốt nhưng nếu không có cách bảo quản hợp lý, hạn chế tác động của mưa nắng và con người thì sẽ dễ khiến hiện trạng bảo vật xuống cấp.
Ông Nguyễn Công Khiết cho biết, bảo tượng làm bằng đá nên tính bền vững trong môi trường tự nhiên vẫn khá cao. Tuy nhiên, những điều kiện lưu giữ, bảo quản nghiêm ngặt giống như các bảo vật quốc gia khác đang lưu giữ tại bảo tàng như về không gian, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp… sẽ không bằng. Do vậy, ngoài việc lập phương án có mái che phù hợp, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn thường xuyên cắt cử người bảo vệ, quản lý bảo vật, không để du khách tự ý đụng vào bảo vật.
Việc quản lý đối với bảo vật quốc gia sau khi được công nhận khó khăn gấp bội khi nguồn thu từ du lịch của di sản bị hao hụt khá lớn. Tính toán phương án quản lý, phát huy giá trị phù hợp, hiệu quả, tương xứng giá trị của bảo vật quốc gia là điều được đặt ra.
Tránh những xâm hại từ con người cũng như hạn chế tác động của thiên nhiên, giữ nguyên hiện trạng gốc của bảo vật là điều cần sự phối hợp từ phía những người làm văn hóa cho đến chính quyền địa phương...