Vạn sự như ý
Nói quen miệng, thì “tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên xin phép lạm bàn đôi chút về sự hy vọng, vậy đó! Chẳng phải sao, khi gửi đến những người thân lời chúc tốt đẹp vốn là thông lệ của tình yêu thương chân thực?
Lời chúc xuân hầu hết là chúc vui - bình - an - phát lộc - phát tài… Tâm trạng của người nhận, tất nhiên cảm động, biết ơn… về tình cảm của thân bằng quyến thuộc, của bằng hữu.
Đa số những lời chúc có cụm từ: Vạn sự như ý. Đấy là điều ai cũng mong, nhưng ở đời, có mấy ai được quá nhiều may mắn như vậy? Bởi vì, trong mười việc mà có được vài ba, thì đã vui quá rồi!
Nhưng mà ai cũng muốn “vạn sự”? Vạn sự, thì nói theo cách của nhà Phật, chỉ có thể “tùy duyên” thôi, phải không? Mà, nếu đã tùy duyên, thì có cần chi phải mong muốn nữa? Lý sự vậy, thì đúng rồi, mà cũng không đúng! Vì sao?
Về mặt tập quán, thì không sai, vì lời chúc biểu thị cho sự hy vọng trong lúc xuân hãy còn… tươi. Nhưng sai, vì đó là điều “không thể”. Và, tùy duyên cũng không phải bỏ mặc theo kiểu “bèo dạt mây trôi” mà gốc rễ của cái sự “tùy” nằm ở việc nhận thức bản thể của vạn hữu vốn là Không. Như lời nhà thiền đã nói từ mấy ngàn năm trước, như Áo Nghĩa thư đã ghi rõ; mà giờ đây, khoa học hiện đại đang tìm đến câu trả lời.
Nói lan man, sao chẳng thấy đúng - sai gì cả? Bởi vì, mọi việc vốn như vậy, nếu truy tận ngọn nguồn. Đúng hay sai, đều chỉ là tương đối thôi.
Ai cũng nghĩ, những nhân vật lớn là những người điều hành thế giới này. Nhưng các bác sĩ thần kinh học và các nhà vật lý lượng tử đã cùng làm thí nghiệm và kết luận rằng, từ trong phần sâu thẳm của bộ não con người, mọi quyết định đã có trước khi ý thức can thiệp.
Cũng có nghĩa là, những việc diễn ra hôm nay là kết quả của những gì con người đã làm từ trong quá khứ. Nhiều kiến giải của khoa học hiện đại chứng minh điều này, ví như thuyết tương đối của nhà khoa học thế kỷ XX là A. Einstein.
Ví dụ: Con người có tuổi thọ trung bình là 70 năm, nhưng nếu bay đến một hành tinh cách Trái đất vài trăm năm ánh sáng thì lúc quay lại vẫn chưa hết một đời người. Ấy là thời gian tương đối. Mà trong thế giới tương đối, tư duy lô-gích dẫn đến sai lạc, vì lô-gích là cảm tính. Nhưng, bởi vì ai cũng không thoát khỏi được cảm tính, cho nên vẫn cần đến những… lời chúc tốt đẹp. Vì sao vậy? Đơn giản, là vì ta đang sống trong thế giới tương đối. Cuộc đời không thực, nhưng lại yêu mến đời sống, tôn trọng mọi sinh vật, chẳng phải là tốt hơn gây chiến tranh...
Mà, lời chúc không chỉ được dùng chỉ trong dịp tết; vẫn chúc nhau trong cả năm đấy chứ: Chúc phát tài phát lộc, chúc mọi việc hanh thông, chúc sức khỏe, chúc thượng lộ bình an… Xa hơn, trong thần thoại Hy Lạp, lời chúc là niềm hy vọng của nhân loại, sau khi những rủi ro bất hạnh bay khỏi chiếc bình của nàng Pandora…
Thế cho nên, hết nói xuôi rồi nói ngược, lời chúc “vạn sự như ý” vẫn có “giá trị sử dụng”. Vậy thì, hãy chúc mừng nhau, giữa thời khắc xuân hãy còn tươi.