Đánh thức văn hóa bản địa Bắc Trà My

XUÂN HIỀN 31/12/2021 07:15

Tiếp nhận góp ý từ các già làng, nghệ nhân và những phương cách được khơi gợi bài bản từ các nhà nghiên cứu văn hóa, huyện Bắc Trà My đang từng bước làm bừng thức vốn liếng văn hóa bản địa...

Bắc Trà My đã khôi phục các đội cồng chiêng trên địa bàn một số xã. Ảnh: TẤN SỸ
Bắc Trà My đã khôi phục các đội cồng chiêng trên địa bàn một số xã. Ảnh: TẤN SỸ

Đa dạng về giá trị văn hóa

Một cuộc gặp gỡ của những nghệ nhân, già làng trưởng bản cùng các nhà nghiên cứu khoa học được chính quyền tổ chức hồi đầu tháng 12.2021, ngõ hầu định danh lại những giá trị văn hóa độc đáo của các tộc người trên địa bàn Bắc Trà My.

Cuộc hội thảo “Bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa huyện Bắc Trà My” ghi nhận rất nhiều ý kiến về thực trạng lẫn phương cách để phát huy bản sắc của vùng đất này.

Bề dày bản sắc của vùng đất được nhìn nhận qua sự đa dạng của văn hóa truyền thống thông qua các nghi lễ, lễ hội. Chưa kể, nghệ thuật xây dựng, tạo hình các công trình kiến trúc tâm linh, nghệ thuật trình diễn nhạc cụ, trình diễn trống, chiêng, hát dân ca, văn hóa ẩm thực, ngôn ngữ, sắc phục của người Ca Dong, Xê Đăng, Co... cũng chính là những giá trị đặc sắc.

“Tính đa dạng và độc đáo thể hiện ở những bộ trang phục - trang sức; kho tàng văn học dân gian, làn điệu dân ca; những nghi lễ truyền thống như múa cồng chiêng, múa cà đáo, đấu chiêng đôi, nghi lễ phục dựng cây nêu và bộ gu, lễ cầu mưa, lễ cúng lúa mới, cúng máng nước, cúng rừng… Gắn với đó là giá trị ẩm thực truyền thống của đồng bào như cơm lam, heo đen, cơm gạo đỏ, cá niên, ếch đá, rau dớn, rau lủi, rau ranh, ốc đá, măng rừng, rượu cần...

Đây là bản sắc, là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Bắc Trà My. Nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp đã và đang trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo sự phát triển bền vững xã hội và bảo vệ an ninh chính trị tại địa phương” - ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói.

Ông Dương Lai - xã Trà Kót cho biết khá buồn khi nhìn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình đang mai một dần. Ảnh: X.H
Ông Dương Lai - xã Trà Kót cho biết khá buồn khi nhìn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình đang mai một dần. Ảnh: X.H

Mai một 

Dù được xác định là vùng đất giàu bản sắc nhưng nhiều năm qua, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của Bắc Trà My bị bỏ ngỏ. Nghệ nhân ưu tú Dương Lai (xã Trà Kót) cho biết, là một người Co, ông khá buồn trước sự mai một bản sắc của cộng đồng mình.

Từ câu chuyện trang phục truyền thống ít được sử dụng, tiếng nói đồng bào không được thế hệ trẻ tiếp cận, thậm chí dù được xem là tiếng mẹ đẻ nhưng hiện tại rất nhiều đồng bào không biết nói.

Văn hóa cồng chiêng của đồng bào đã dần được nhìn nhận thông qua việc thành lập các đội, nhóm cồng chiêng ở các thôn. Tuy nhiên việc thiếu không gian sinh hoạt là nhà làng truyền thống khiến việc sử dụng cồng chiêng cũng không thường xuyên.

Nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng cho rằng, sự hưởng thụ văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Bắc Trà My còn rất hạn chế. Việc tiếp thu các giá trị văn hóa chỉ thông qua một kênh chủ yếu là truyền hình. “Do đời sống văn hóa hạn chế, nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, những hiện tượng hiếm gặp trong cư dân đồng bào trước đây, thì nay đã xuất hiện.

Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, ở miền núi Quảng Nam có 17,14% số xã có người nghiện ma túy, 0,04% người nghiện ma túy; số người nhiễm HIV càng cao. Chưa kể, đồng bào dân tộc thiểu số thờ ơ với chính bản sắc văn hóa, cả giá trị phi vật thể cũng không còn được duy trì thường xuyên.

Nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như điệu hát, điệu múa ở địa phương đã bị mai một khá nhiều và trong thời gian dài nên bây giờ việc khôi phục sẽ rất khó khăn. Như điệu múa ca vố, hát ting ting của đồng bào Ca Dong, múa cheo của đồng bào Co, nghề dệt thổ cẩm cũng không còn phổ biến...

Hiện các giá trị phi vật thể này chỉ được biết tới qua các hội thảo, chương trình làng nghề, đề án du lịch, còn riêng với việc người dân tự tổ chức sinh hoạt thì rất ít” - ông Tôn Thất Hướng chia sẻ.

Theo Đề án bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Trà My, địa phương này nhìn nhận, sợi dây kết nối văn hóa truyền thống của các dân tộc có nguy cơ dần bị mai một khi tiếng nói của người bản địa không còn được sử dụng. Chưa kể, nhà sàn, nhà làng của người Ca Dong, Co, Mường, Mơ Nông... đều có những nét đặc trưng nhưng hiện tại hiếm thấy trong đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My.

Một số nhà sinh hoạt văn hóa thôn được xây dựng theo mô hình nhà làng truyền thống nhưng với số lượng rất ít. Địa phương này thống kê tại 30 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thì có 3 thôn chưa có nhà làng truyền thống và 11 nhà sinh hoạt cộng đồng đã xuống cấp, hầu như không thể sử dụng được. Nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng không đảm bảo diện tích và cơ sở vật chất sinh hoạt do ảnh hưởng của việc sáp nhập thôn, tổ...

Neo giữ

Ông Cao Chư - nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, một việc hết sức khẩn cấp lúc này là phục dựng không gian nhà làng người Co theo đúng nguyên bản trên quê hương Bắc Trà My.

“Bây giờ hoặc không bao giờ. Bởi tôi ước đoán rằng số người biết dựng ngôi nhà cổ truyền Co còn rất ít, đều đã lớn tuổi, chỉ 5 năm nữa dù có bao nhiêu tiền đi nữa cũng không ai biết làm việc này. Và như thế, di sản của người Co sẽ mất vĩnh viễn, kéo theo nó là sự mất mát nhiều di sản văn hóa khác gắn chặt với nhà làng.

Tất nhiên khi dựng không gian nhà làng như vậy không phải chỉ để ngắm chơi. Cần có những người vận hành, những người ấy có nhiệm vụ trông coi, canh tác và có quyền lợi thu hoạch. Lại cũng cần có đội cồng chiêng, múa cà đáo, khi có du khách đến thì sẵn sàng phục vụ và thù lao của đội lấy từ khách du lịch.

Ở không gian nhà sàn cũng có thể sẵn sàng phục vụ các món đặc sản của người Co, như củ mì, cơm lúa rẫy, mè đen, rau ranh ốc đá… bên cạnh các sản vật quý như mật ong, vỏ quế. Như vậy, vừa có thể bảo tồn văn hóa vừa phát triển du lịch” - ông Cao Chư nói.

Tại Đề án bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My, địa phương này xác định việc triển khai công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ưu tiên tập trung vào các nhóm dân tộc có số dân đông, còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa tốt đẹp cũng như xuất phát từ mong muốn của người dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc mình.

Nhiều nhà nghiên cứu cùng thống nhất quan điểm, đi đôi với việc điều tra, nghiên cứu một cách cơ bản, có hệ thống mọi giá trị văn hóa các dân tộc thì cũng cần xác định giá trị nào thích ứng với điều kiện mới để có giải pháp khôi phục và phát huy giá trị văn hóa phù hợp.

“Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền của các dân tộc thiểu số là phải phát triển trong điều kiện mới, bởi vì đó là sản phẩm của xã hội ở mỗi giai đoạn lịch sử.

Việc bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số ở Bắc Trà My nhất thiết phải được đặt trong môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Phải trả nó về cộng đồng, về với đồng bào để họ giữ gìn và phát triển trong môi trường gốc.

Bên cạnh đó, cần tận dụng thế mạnh của kỹ thuật truyền thông hiện đại để chuyển tải các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số ở Bắc Trà My có sức hấp dẫn, lan tỏa mạnh mẽ hơn” - ông Tôn Thất Hướng nói thêm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu huyện Bắc Trà My thời gian tới cần phải khảo sát, đánh giá, gắn các mô hình phát triển du lịch cộng đồng với việc bảo tồn văn hóa. Đồng thời cho rằng, địa phương cần phải xác định vấn đề bảo tồn có tính chất khẩn cấp, tiến hành kiểm kê, đánh giá lại những giá trị văn hóa còn hiện hữu hoặc đang có nguy cơ mai một; coi trọng việc giữ gìn bản sắc để phát triển kinh tế...

XUÂN HIỀN