Khẳng định vị thế văn hóa

QUÁN THƯ 24/12/2021 07:11

Các hoạt động kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam được tổ chức nhằm phát huy giá trị truyền thống, khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của vùng đất và con người xứ Quảng trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước.

Quảng Nam đã xác lập vị thế của văn hóa trong quãng thời gian qua. Ảnh: P.V
Quảng Nam đã xác lập vị thế của văn hóa trong quãng thời gian qua. Ảnh: P.V

Chia sẻ cùng phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết:

Kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021) là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không những của tỉnh Quảng Nam mà còn đối với Quảng Nam Thừa Tuyên Đạo xưa, gồm các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay.

Qua đó, giới thiệu và tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp, khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của vùng đất và con người Quảng Nam Thừa Tuyên Đạo trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Quảng Nam hiện có 2 di sản văn hóa thế giới, 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia và 374 di tích cấp tỉnh; có 13 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. “Nghệ thuật Bài chòi dân gian Trung Bộ Việt Nam” được UNESCO tôn vinh và ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2018.

Lễ kỷ niệm cũng là dịp thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ cha ông đã có công khai phá, xây dựng, bảo vệ và phát triển vùng đất Quảng Nam Thừa Tuyên Đạo; giáo dục giá trị lịch sử, tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa, cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Đặc biệt tạo không khí đoàn kết, phấn khởi, quyết tâm xây dựng Quảng Nam cùng với các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định phát triển nhanh, bền vững và thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ngoài ra, đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1.1.1997 - 1.1.2022).

- Với ý nghĩa quan trọng đó, công tác chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm được tiến hành như thế nào, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thưa ông?

- Ông Nguyễn Thanh Hồng: Công tác tổ chức sự kiện đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ để đảm bảo sự kiện được tổ chức thành công.

Đến nay, Sở VH-TT&DL - cơ quan thường trực Ban Tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh cơ bản đã hoàn thành nội dung tham mưu chuẩn bị để tổ chức lễ kỷ niệm và hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển”.

Trong đó xây dựng cụ thể phương án đón tiếp đại biểu, kịch bản chương trình nghệ thuật với chủ đề “Âm vang Quảng Nam” trình UBND tỉnh phê duyệt. Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan được triển khai thực hiện chu đáo, gắn với chào năm mới 2022.

 

Sở Y tế đã xây dựng các phương án đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong khuôn khổ sự kiện. Điện lực Quảng Nam xây dựng phương án đảm bảo nguồn điện phục vụ các hoạt động kỷ niệm…

Tất cả đã sẵn sàng để tổ chức Lễ kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam và Hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển” vào ngày 28.12.2021.

- Ông kỳ vọng gì về sự tiếp nối của những giá trị văn hóa đặc sắc xứ Quảng trong tương lai, với một hành trình dày dặn của vùng đất?

- Ông Nguyễn Thanh Hồng: Đến nay, quy mô nền kinh tế Quảng Nam đứng thứ hai trong Vùng trọng điểm miền Trung, với các động lực phát triển kinh tế quan trọng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đặt quyết tâm đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 trên cơ sở huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Với quan điểm “văn hóa là chìa khóa để phát triển bền vững”, Quảng Nam luôn đề cao mối quan hệ bền chặt giữa văn hóa - xã hội, văn hóa - kinh tế… Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết về phát triển sự nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa Quảng Nam hướng đến gìn giữ, lan tỏa giá trị, bản sắc văn hóa với việc không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa cũng như thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền và giai tầng trong xã hội.

Thực hiện tốt mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, gắn văn hóa với phát triển du lịch, dịch vụ, phát huy các giá trị đặc trưng của văn hóa Quảng Nam.

 

- Trong hội nhập để phát triển, có lẽ văn hóa là lĩnh vực phải “cân, đo, đong, đếm”, soi chiếu cẩn thận hàng đầu. Vai trò của ngành văn hóa tỉnh trong tiến trình này, thưa ông?

- Ông Nguyễn Thanh Hồng: Nhiệm vụ được ngành văn hóa nêu ra trong thời gian tới là tập trung công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn Quảng Nam, gắn kết với việc phát huy hiệu quả các lễ hội truyền thống và hiện đại. Tiếp tục thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, các giá trị văn hóa trong tín ngưỡng dân gian.

Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm, chất lượng cao. Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, giới thiệu vùng đất, con người Quảng Nam, góp phần thu hút khách du lịch đến với Quảng Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế về văn hóa nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Quảng Nam nói riêng ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa - nghệ thuật truyền thống và hiện đại; tạo điều kiện để các đoàn nghệ thuật của tỉnh tham gia biểu diễn ở nước ngoài và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nước ngoài đến thăm, giao lưu và biểu diễn nghệ thuật tại Quảng Nam; phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.

QUÁN THƯ