Tìm hướng đi cho hát bộ trong thị trường du lịch

HÀ THỦY NGUYÊN 07/12/2021 06:38

Thời gian qua, các bộ môn nghệ thuật dân gian cũng như văn hóa bản địa đã dần dần được phục hồi, được các địa phương có thế mạnh về du lịch như Hội An, Duy Xuyên tạo thành những sản phẩm phục vụ du lịch gây ấn tượng, rất được du khách yêu chuộng. 

Các nhân vật nam trong trích đoạn tuồng cổ được công diễn tại Duy Xuyên.
Các nhân vật nam trong trích đoạn tuồng cổ được công diễn tại Duy Xuyên.

Đến nay, duy chỉ hát bộ vẫn loay hoay với sự tồn tại của mình, và dường như chưa tìm được hướng đi để trở thành một sản phẩm du lịch đúng nghĩa. Đi tìm nguyên nhân, qua đó có thể tìm giải pháp để hát bộ có một vị trí trong thị trường du lịch là điều cần thiết.

Những điểm yếu của hát bộ trong thời hiện đại

Với mong muốn bảo tồn bộ môn nghệ thuật hát bộ quý giá của tiền nhân để lại, đã có nhiều đề án, nhiều chương trình mang tầm cỡ quốc gia được khởi động. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay việc bảo tồn và phát triển bộ môn này vẫn còn nhiều thách thức.

Để tìm được giải pháp giúp hát bộ có được một vị trí trong nền công nghiệp du lịch, việc đầu tiên phải nhận diện những nhược điểm của hát bộ trong thời hiện đại.

Công chúng thưởng ngoạn ngày xưa, hầu hết là những người đã nắm được những yếu chỉ nghệ thuật của hát bộ, từ bộ diễn, khuôn mặt cho đến tính cách nhân vật. Họ đã từng xem đi xem lại nhiều lần các vở tuồng.

Nhờ vậy, họ thuộc tích thuộc tuồng rất nhiều, điều này giúp họ có thể hiểu được nội dung các vở diễn. Qua đó, có thể cảm nhận được những giá trị nghệ thuật mà hát bộ mang lại.

Ngược lại, công chúng ngày nay hầu như xa lạ với nghệ thuật hát bộ. Họ không có những “đường dẫn - liên kết” cần thiết như xem các vở diễn, phổ biến trong giáo dục, truyền thông, quảng bá để có thể tìm hiểu, tiếp xúc và thưởng lãm bộ môn nghệ thuật này.

Hát bộ có một điểm mạnh cần được khai thác. Dưới góc nhìn của nghệ thuật đương đại, bộ môn này bao gồm các hình thức nghệ thuật hiện đại trên thế giới, như nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt, body Art… Nếu vận dụng được những đặc điểm này vào các hình thức quảng bá ra bên ngoài, cũng giúp hát bộ tiệm cận được với lớp khán giả trẻ, nhất là du khách nước ngoài.

Từ đó sinh ra thờ ơ, hệ lụy là những vở diễn không còn khán giả, dẫn đến nghệ sĩ không có thu nhập, tinh thần nghề nghiệp của các thế hệ cũ phai dần. Chính điều này làm cho những thế hệ tiếp nối không có động lực để theo nghề.

Ở các địa phương Quảng Nam chỉ còn thấy những diễn viên, những người vướng nghiệp, yêu nghề thuộc lứa tuổi 8x trở về trước. Lớp tuổi 9x đổ về sau hầu như khó tìm thấy ngay cả trong khán giả, thì tìm đâu ra diễn viên theo nghề nối nghiệp.

Một nhược điểm khác của hát bộ là phần xuất thanh âm của diễn viên. Do đặc thù quy ước cổ điển của môn này, các diễn viên dùng kỹ thuật hát méo giọng để diễn tả nội dung vở tuồng.

Khán giả, cho dù là người địa phương cũng khó mà nghe được rõ ràng những câu hát của diễn viên, huống chi là du khách nước ngoài. Không nghe được thì không thể hiểu, không hiểu được thì khó cảm nhận, dẫn đến không thích thú, đơn giản vậy thôi.

Ngoài ra, hát bộ là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp bao gồm hát, múa và hóa trang khuôn mặt nhân vật. Việc kẻ mặt của diễn viên cũng thể hiện được tên tuổi, tính cách nhân vật, tạo ấn tượng lôi cuốn giúp khán giả dễ nhận biết, dễ hiểu nội dung vở diễn.

Về sau này, việc diễn các vở tuồng tân (tuồng có nội dung đương đại) gần như loại bỏ chuyện kẻ mặt nhân vật, các bộ diễn cũng bị giản lượt, làm giảm, mất đi những đặc thù nguyên thủy của bộ môn này.

Mặt khác, xu hướng tuồng tân về sau này dường như bị kéo gần về phía kịch nói hơn, đã làm bộ môn này thiếu sức lôi cuốn, khó bảo đảm được sự cuốn hút như các vở tuồng cổ.

Nhân vật nam trong trích đoạn tuồng cổ được công diễn tại Duy Xuyên. Ảnh T.B.T
Nhân vật nam trong trích đoạn tuồng cổ được công diễn tại Duy Xuyên. Ảnh T.B.T

Tất cả nhược điểm trên dẫn đến hiện trạng nghệ thuật hát bộ giảm dần khán giả, mất đi thu nhập. Quan trọng nhất, do không tạo được thu nhập dẫn đến việc thiếu những sàn diễn hát bộ ở các điểm du lịch; sự thờ ơ của các công ty du lịch cũng làm cho bộ môn này khó có thể tiếp cận được với du khách nước ngoài.

Trong khi đó, du khách nước ngoài mỗi khi đến một quốc gia, địa phương nào, họ cũng rất thích thú tìm hiểu nền văn hóa của nơi đó, thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật văn hóa dân gian bản địa.

Tìm hướng đi cho hát bộ

Để hát bộ có thể tìm được vị trí trong thị trường du lịch, điều cần thiết nhất phải tìm cách khắc phục những nhược điểm của bộ môn nghệ thuật này. Nếu thực hiện được những giải pháp căn cơ, tin rằng rồi đây hát bộ cũng sẽ có một vị trí trong thị trường du lịch hiện đại.

Người viết đã từng tham gia một vài buổi biểu diễn trích đoạn tuồng cổ, phục vụ du khách nước ngoài tại Hội An. Lần đầu tiên, do du khách không được biết nội dung của vở diễn nên họ không thể cảm nhận được.

Ngay trong lần tổ chức tiếp theo, trước khi công diễn người viết đã giới thiệu sơ lược nội dung, tính cách của nhân vật trong trích đoạn tuồng sắp biểu diễn với du khách. Kết quả tích cực thấy rõ qua những phản hồi sau đó.

Do vậy, nhằm giúp cho khán giả, nhất là du khách nước ngoài biết được nội dung của vở tuồng hoặc trích đoạn tuồng sắp biểu diễn, cần phải in và phát hành tờ chương trình kèm theo vé đến với khán giả.

Trong tờ chương trình, cần tóm lược nội dung, tên tuổi và tính cách của các nhân vật trong vở diễn. Từ đó, khán giả sẽ có được cảm nhận và yêu thích hơn khi thưởng thức bộ môn nghệ thuật này.

Có một quy ước chung, nếu muốn quảng bá một tác phẩm điện ảnh, hoặc sân khấu ra ngoại quốc, để khán giả ở các nước khác có thể theo dõi nội dung và tình tiết, thông thường nhà tổ chức phải chuyển ngữ.

Có hai phương pháp, hoặc là thuyết minh, hoặc là dùng phụ đề. Công nghệ hiện đại cho phép áp dụng cả hai hình thức này vào hát bộ một cách dễ dàng. Chỉ cần chuẩn bị nội dung thoại sang Anh ngữ, khán giả có thể nghe bản thuyết minh trong lúc dự khán, qua tai nghe được đặt sẵn tại chỗ ngồi.

Đồng thời, phát phụ đề chạy qua các màn hình led đặt sẵn hai bên cánh gà sân khấu, để khán giả có thể chọn một hoặc cả hai hình thức. Hiểu được nội dung và tình tiết có thể giúp khán giả cảm nhận và yêu thích bộ môn nghệ thuật này hơn.

Ban đầu chưa có rạp, cộng thêm đặc thù về thời gian có hạn của du khách, chưa cần diễn nguyên cả vở tuồng. Chỉ nên đưa các trích đoạn tuồng cổ vào công diễn, kết hợp với các chương trình đã có sẵn ở Hội An, Mỹ Sơn để phục vụ du khách.

Lâu nay Hội An đã cố gắng đưa một vài trích đoạn tuồng cổ vào công diễn, rất được du khách quan tâm và yêu thích. Tuy nhiên, ở Mỹ Sơn hiện chỉ thấy biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm.

Nhìn rộng toàn vùng, văn hóa nghệ thuật dân gian ở Duy Xuyên không chỉ đơn thuần chỉ có văn hóa Chăm. Trong khi đó, hát bộ là một bộ môn văn hóa dân gian bản địa, vẫn được người dân Duy Xuyên lưu giữ gần như nguyên vẹn đến nay.

Có thể đưa hát bộ vào các chương trình biểu diễn phục vụ du khách tại Mỹ Sơn, hoặc một địa điểm nào đó trên tuyến đường tham quan Mỹ Sơn được không? Nếu được, đây sẽ là nguồn tạo thu nhập cho các nghệ sĩ hát bộ. Qua đó, họ có điều kiện để bám nghề, và cũng là cơ sở để họ đào tạo nguồn nhân lực cho bộ môn này về sau.

Để bảo tồn và phát triển được hát bộ trong thời hiện đại, quả là điều không hề dễ dàng. Cần thiết phải có sự bảo trợ cụ thể và lâu dài của các cấp ngành. Thực tế tại Quảng Nam, vài nơi như Duy Xuyên và Hội An vẫn còn những đội hát bộ hoạt động cầm chừng. Họ đang cần có sự giúp đỡ tài chính để nuôi nghề.

Lưu giữ một bộ môn nghệ thuật dân gian là một điều rất khó, không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả nhiều nước trên thế giới. Hy vọng rằng, nếu được sự quan tâm có bài bản và có hướng đi rõ ràng, bộ môn nghệ thuật hát bộ quý giá sẽ có được một vị trí trong nền công nghiệp du lịch, đồng thời có thể được bảo tồn và phát triển lâu dài.

HÀ THỦY NGUYÊN