Đình Phiếm Ái dưới bóng thời gian

TRIÊU NHAN - NGỌC THUẬN 28/11/2021 07:33

Đình làng Phiếm Ái - một biểu tượng văn hóa làng cổ được hình thành khá sớm trên đất châu Hóa. Đi cùng lịch sử hình thành và phát triển làng cổ, đình làng tại xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) đã có niên đại hàng trăm năm.

Đình làng Phiếm Ái qua vết thời gian. Ảnh: T.N
Đình làng Phiếm Ái qua vết thời gian. Ảnh: T.N

Danh xưng Phiếm Ái

Phiếm Ái là ngôi làng tọa lạc bên dòng sông Vu Gia hiền hòa, thơ mộng với những hàng tre xanh, những bãi bồi cát trắng, là dải đất phù sa màu mỡ từng bao bận lở bồi, dâu bể. Tiền nhân lập làng có nguồn gốc xứ Thanh Hóa, đã theo bước chân nam tiến vào đây khai ấp, lập làng.

Phiếm Ái là ngôi làng được nhắc đến lần đầu tiên trong sách “Ô Châu cận lục” của tiến sĩ Dương Văn An viết năm 1553. Tấm hoành phi nhà thờ tộc Trương, làng Phiếm Ái có câu “Hóa châu lai tích, Ái thổ triệu cơ” đã nhắc tới gốc tích những bậc tiền nhân khai ấp, lập làng.

 Vào thời nhà Lê, Phiếm Ái là một trong 66 làng xã thuộc phủ Triệu Phong, huyện Điện Bàn. Đến thời chúa Nguyễn vào Nam khai hoang vỡ hóa thì “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn có nhắc đến danh xưng Phiếm Ái thuộc huyện An Nông, phủ Điện Bàn.

Trong địa bạ của triều Nguyễn, thời Gia Long có ghi rõ ràng hơn về “Phiếm Ái”. Đó là, “xã Phiếm Ái thuộc tổng Đức Hòa thượng, huyện Hòa Vang, Điện Bàn. Đông giáp xã Ái Nghĩa, tây giáp châu Bảo Sơn, nam giáp phường Đông Phúc, bắc giáp xã Ái Nghĩa”.

Trong “Đồng Khánh dư địa chí” ghi rằng “Tổng Mỹ Hòa Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, Quảng Nam có 28 thôn, châu, phường”, trong đó có châu Phiếm Ái. Như vậy, từ thời Gia Long đến Đồng Khánh, làng Phiếm Ái bị thay đổi địa giới phân chia thành châu Phiếm Ái và xã Phiếm Ái. Theo các bô lão và các vị hưu trí trong làng, trong đợt biến thiên dâu bể, làng Phiếm Ái bị lở sông do dịch chuyển của dòng Vu Gia.

Chữ “Phiếm” (có bộ thủy) được hiểu nôm na là chèo thuyền, do làng nằm sát dòng Vu Gia, chữ “Ái” được hiểu theo nghĩa yêu thương đùm bọc, có thể dịch nôm na là ngôi làng nằm ven một vùng sông nước và nhân dân ở đó đùm bọc lẫn nhau sinh sống. Còn có một cách giải thích khác thì Phiếm Ái là “lòng yêu rộng rãi, bao khắp mọi loài”.

Danh xưng Phiếm Ái tới nay đã phân chia thành 2 thôn, tức thôn Phiếm Ái 1 và Phiếm Ái 2, thuộc xã Đại Nghĩa. Ngôi làng nằm trên vùng đất long mạch, hướng tây bắc có núi Sơn Gà làm lưng dựa, hướng nam có dòng Vu Gia làm minh đường.

Là một vùng đất học nổi tiếng với nhiều danh sĩ đã đỗ đạt và làm quan dưới triều Nguyễn. Sử sách ghi chép một số vị quan làng Phiếm Ái thi đỗ như cụ Phan Trí Hòa, Lê Thông Giám, Trương Liên, Trương Lâm… Phiếm Ái nay chỉ còn dấu tích xưa và đình làng là nơi lưu giữ bóng thời gian.

Vang bóng thời gian

Theo sách “Nơi hai dòng sông chảy qua” (NXB Đà Nẵng, năm 2017), đình làng Phiếm Ái được xây dựng vào năm 1804, tại Bến Đình. Do biến thiên dòng Vu Gia, Bến Đình bị sạt lở nên cho dời về miếu Lầu, nay là Âm Linh Tự, sát Trường THCS Trần Hưng Đạo.

Văn bia làng ghi lại: “Năm Tự Đức 30, đình được dời về phía bắc của làng”. Thường, các đình quay mặt về hướng nam, song đình Phiếm Ái quay mặt về hướng chính đông, nhìn về làng Nghĩa Bắc. Đến năm 1940, Bảo Đại thứ 15, ngôi đình xuống cấp nên được nhân dân trùng tu trên nền móng cũ bề thế và khang trang.

Tại đình Phiếm Ái, vào đầu thế kỷ 20 diễn ra cuộc dân biến, về sau lan rộng các tỉnh Trung Kỳ. Phong trào diễn ra tại làng Phiếm Ái mạnh mẽ, tạo ra làn sóng xin sưu làm chấn động cả Trung Kỳ. Trải qua bể dâu, phong trào chỉ còn vang vọng với những áng văn bản sử sách, duy chỉ đình làng là còn mãi.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình làng là nơi giao liên, tổ chức các cuộc họp bí mật của cán bộ nằm vùng, là điểm tiếp tế lương thực thực phẩm. Về sau, chính quyền Mỹ - Diệm lấy đình làng làm nơi tố Cộng. Đình làng với cấu trúc ba gian, hai chái, mái ngói âm dương.

Trước mặt là cổng Tam quan với các hình tứ linh long, lân, quy, phụng. Tiền đình với hệ thống khung sườn gỗ, các kèo, trính đều chạm rồng, đình có 3 gian thờ và phần hậu tẩm. Gian giữa thờ các vị thành hoàng và tiền hiền, hai gian còn lại là thờ hậu hiền và các bậc tiền bối hữu công.

Bức Hoành phi có ghi: “Phiếm Ái Đình”, dưới có 2 câu đối chữ Hán: “Phiếm địa căn cơ tích đức tiền nhân sinh phú quý/ Ái giang lạc nghiệp phước lưu hậu thế đắc quang vinh” (Đất Phiếm Ái nhờ đức tiền nhân sinh giàu có thịnh vượng/ Sông Phiếm Ái nhờ phước mà thế hệ sau rạng rỡ thành công).

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Chư tộc phái làng Phiếm Ái, chia sẻ: “Hằng năm, đình chỉ có 2 lễ cúng, một lễ cầu an (16 tháng Giêng) nhằm cầu mong một năm mới thịnh vượng, mưa thuận gió hòa. Còn một lễ tất niên cuối năm vào ngày 16 tháng Chạp nhằm để tạ ơn thánh thần đã bảo hộ chở che cho dân làng một năm an bình”.

Qua văn tế cho thấy hệ thống thần linh được thờ tại đình rất đa dạng gồm: Bổn xứ Thành Hoàng Đại Vương, Đương cảnh Thổ Địa Phước Đức Chánh thần, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải chi thần, tiền hiền, hậu hiền… Đình còn 12 đạo sắc phong như: Phiếm Ái Bảo An Thành Hoàng chi thần, Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Thành Hoàng chi thần… Đây là nguồn tư liệu Hán nôm phong phú, quý giá cần được lưu giữ cẩn thận.

Đình Phiếm Ái vinh dự đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2018. Trải qua thăng trầm, chịu tác động ảnh hưởng của thiên tai, ngôi đình vẫn tồn tại như khí phách năm nào của lòng dân Phiếm Ái. Đình làng Phiếm Ái là biểu tượng văn vật, là hiện thân của ngôi làng hình thành khá sớm trong quá trình mở cõi lập làng.

TRIÊU NHAN - NGỌC THUẬN