Khai quật di sản từ... lòng người

HỨA XUYÊN HUỲNH 22/11/2021 07:22

Có một tầng vỉa văn hóa khác nữa cần khai quật để gọi đúng tên di sản, chứ không chỉ có riêng di sản vật thể hoặc phi vật thể. Đó chính là lòng người…

Tái hiện không gian sinh hoạt ở Hội An đầu thế kỷ 20. Hội An là địa phương sớm khảo sát, “khai quật” nhiều tri thức dân gian biển đảo. Ảnh: H.X.H
Tái hiện không gian sinh hoạt ở Hội An đầu thế kỷ 20. Hội An là địa phương sớm khảo sát, “khai quật” nhiều tri thức dân gian biển đảo. Ảnh: H.X.H

1. Hẳn nhiều người còn nhớ nội dung khuyến nghị khá lạ đến từ phía người tổng kết hội thảo Quảng Nam - những giá trị văn hóa đặc trưng tổ chức cách đây đúng 20 năm. Khi đó, GS. Trần Quốc Vượng gợi ý: Tỉnh Quảng Nam “cứ tà tà tổ chức nhiều “cuộc khai quật văn hóa” hơn nữa trong lòng đất và trong lòng người xứ Quảng”.

Những cuộc khai quật ấy, theo GS.Trần Quốc Vượng, nhằm để hiển lộ và phát huy nhiều mặt giá trị đặc trưng hơn nữa của Quảng Nam trong quá trình xây dựng một nền văn hóa Việt Nam - Quảng Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thấm đẫm sắc thái địa phương…

Khuyến nghị này gần như đáp ứng một phần đề xuất của lãnh đạo tỉnh khi phát biểu khởi đầu hội thảo năm 2001. TS. Vũ Ngọc Hoàng (lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) mong muốn các nhà nghiên cứu, nhà khoa học giúp cho địa phương có thêm nhiều tư liệu quý và những đánh giá khoa học có giá trị cao về những đặc trưng văn hóa, nguồn gốc, tác nhân hình thành…, từ đó “tìm được câu trả lời đúng nhất, tốt nhất về cách giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa ấy”…

Kết thúc hội thảo, chính GS. Trần Quốc Vượng đặt nghi vấn thú vị: Phải chăng hội thảo đã làm “xuất lộ” một phần của tinh túy xứ Quảng và bản sắc khoan hòa - dung hợp, bộc trực - thẳng thắn mà sâu lắng, có lý - có tình - có nghĩa của cả cộng đồng khu vực?

Thật khó để liệt kê hết, suốt 20 năm qua kể từ sau khuyến nghị đó đã có những cuộc “khai quật” từ lòng người nào được thực hiện ở Quảng Nam và làm “xuất lộ” thêm những gì. Chỉ có thể thử liệt kê một vài điểm nhấn.

Thật trùng hợp, đúng vào năm tổ chức hội thảo về đặc trưng văn hóa Quảng Nam (2001), nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ) cho xuất bản cuốn “Văn học dân gian Quảng Nam miền biển”. Cuốn này tiếp nối 2 cuốn đã xuất bản trước đó của ông, gồm “Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng” tập 1 và 2, xuất bản các năm 1983, 1984. Nhưng cũng kể từ năm 2001, khi đã có tập 3 (tức “Văn học dân gian Quảng Nam miền biển”), ông tiếp tục điền dã, sưu tầm, khảo sát, bổ sung để công trình thêm đầy đặn.

Chưa hết, sau đó nữa, ông còn tu chỉnh công trình “Văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng” (truyện cổ các dân tộc thiểu số miền núi) trở thành tập 4, khép lại bộ sách 4 tập dày hơn 2.000 trang in. “Hơn 30 năm cho một bộ sách hoàn chỉnh, đấy là tất cả tâm huyết và tình yêu của tôi”, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn viết trong lần in trọn bộ năm 2018, do NXB Hội Nhà văn xuất bản.

Ở tập 4 sau tu chỉnh, thấy có đăng 2 bài báo của Báo Quảng Nam, trong đó nhà nghiên cứu Vu Gia đưa ra nhận định đáng chú ý: Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn là người “muốn cắm sâu ngòi bút vào mạch đất quê hương”.

Cũng tương xứng thôi, sau những gì mà ông Nguyễn Văn Bổn đã thầm lặng “khai quật”, từ các tác phẩm dân gian vùng đồng bằng, miền biển, truyện cổ của vùng đất mới, khúc ca đại ngàn…

Càng xứng hợp khi Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, rằng những nghiên cứu công phu của ông Nguyễn Văn Bổn, nhất là ở miền núi, không chỉ cho độc giả hiểu biết sâu hơn về văn hóa dân gian mà còn cung cấp những tri thức văn hóa đại ngàn bí ẩn, huyền diệu…

2. Về phía biển đảo, nhà nghiên cứu Trần Văn An (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) cũng từng công bố công trình “Tri thức dân gian - nguồn tư liệu quý về biển đảo nhìn từ Hội An”.

Nguồn “tư liệu quý” này được ông Trần Văn An viết năm 2016, nhưng trước đây năm 2000 ông đã cất công nghiên cứu, điền dã, khảo sát, tức khởi sự cho cuộc “khai quật từ lòng người” ngót hơn 15 năm trước đó.

Ông kể với chúng tôi về những chuyến đi cùng cán bộ của trung tâm để khảo sát về địa danh, tri thức dân gian, ngành nghề; đi nhiều đợt, gặp rất nhiều người, bây giờ nhiều cụ già đã qua đời…

Dù khiêm tốn cho rằng nguồn tri thức dân gian biển đảo này mới chỉ được tiếp cận một cách cục bộ từ Hội An và chưa đầy đủ, nhưng ông Trần Văn An cũng nhận ra từ kho tri thức dân gian vừa “phát lộ” cũng đã góp phần bổ sung, xác định sự có mặt của một nền văn hóa biển đảo ở nước ta. Nhất là trong điều kiện các nguồn tư liệu thư tịch, sự tương tác của các lớp dân cư người Việt đối với biển đảo còn hạn chế.

Kết quả này mới chỉ đề cập mảng đề tài về tri thức dân gian biển đảo (địa hình, thời tiết, y dược, ẩm thực, ngành nghề), nhưng qua đó cũng cho thấy gợi ý của GS.Trần Quốc Vượng thú vị và mang tính định hướng đặc biệt như thế nào: mở hướng khai quật lòng người.

“Chính thầy Vượng, thời điểm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cũng đã đôn đốc, hỗ trợ Hội An lập chi hội văn nghệ dân gian. Chi hội Văn nghệ dân gian Hội An được thành lập rất sớm, từ năm 1997, trực thuộc trung ương” - ông An nhớ lại.

Khi chúng tôi muốn có sự kết nối các chuyến điền dã, khảo sát với khái niệm “khai quật từ lòng người”, ông An thừa nhận đúng là còn khá nhiều nội dung quý và hấp dẫn nữa cần khai quật.

“Nhưng sẽ ít người khai thác được, phải do lực lượng tại chỗ. Những gì chúng ta làm được chỉ dừng ở chỗ “xới lên” thôi, chưa có thật nhiều công trình sâu. Còn nhiều nội dung rất hay. Như với món ăn thôi, thấy có món ăn theo giới tính, theo tôn giáo, theo mùa…” - ông An chia sẻ thêm.

Mới “xới lên”, tức là còn nhiều tầng vỉa di sản chờ “khai quật” như gợi ý của cố GS. Trần Quốc Vượng, nhất là ở không gian văn hóa đa dạng, phong phú xứ Quảng.

HỨA XUYÊN HUỲNH