Thương mại của người Hà Lan tại Hội An

NGUYỄN THỊ VĨNH LINH 31/10/2021 06:57

Ngay sau khi người Bồ Đào Nha đến Đàng Trong vào giữa thế kỷ 16, các thương nhân Hà Lan cũng nhanh chóng xâm nhập vùng đất này thông qua hoạt động của Công ty Đông Ấn Hà Lan (Vereenigde Oostindische Compagnie - VOC). Tuy nhiên, khác với Bồ Đào Nha, hoạt động thương mại của Hà Lan tại cảng thị Hội An gặp phải không ít trở ngại và trải qua nhiều thăng trầm.

Đô đốc Jacob Van Neck (1564-1638) - người chỉ huy đoàn thương thuyền Hà Lan đầu tiên ghé vào Đàng Trong để tìm nước ngọt năm 1601. Ảnh: Internet
Đô đốc Jacob Van Neck (1564-1638) - người chỉ huy đoàn thương thuyền Hà Lan đầu tiên ghé vào Đàng Trong để tìm nước ngọt năm 1601. Ảnh: Internet

Từ năm 1601, các đoàn thương thuyền Hà Lan đã dừng chân ở vùng biển Trung Bộ để lấy nước ngọt. Nhận thấy tiềm lực thương mại biển của các cảng thị Đàng Trong, hai thương nhân Hà Lan - Jeronimus Wonderaer và Albert Cornelis Ryull, được phái đến Hội An trong nỗ lực thiết lập quan hệ buôn bán chính thức.

Họ được chúa Nguyễn tiếp đón thân thiện tại một dinh thự ở Sinoa phía bắc Hội An (có thể đây là Dinh Chiêm - NV). Tuy nhiên, chuyến viếng thăm không thu được kết quả nên sau 5 tháng họ đành phải quay về Patani (John Kleinen, Bert van der Zwan, Phan Huy Lê, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Quang Ngọc, Hoàng Anh Tuấn, Jody Leewes và Ton van Zeeland (2008), Sư tử và rồng - Bốn thế kỷ quan hệ Hà Lan - Việt Nam, tr.20).

VOC với cảng thị Hội An

Từ năm 1609, sau khi thương điếm của VOC được thiết lập tại Hirado (Nhật Bản), người Hà Lan càng quan tâm hơn hoạt động thương mại với Hội An. Họ mong muốn thông qua cảng thị này để thu mua tơ lụa nhằm duy trì nền mậu dịch chiến lược với Nhật Bản.

Năm 1613, thương điếm Hà Lan ở Hirado cử hai thương nhân mang số hàng trị giá 9.000 guilders sang Hội An. Nỗ lực của VOC lần này cũng thất bại thảm hại khi một trong hai thương nhân Hà Lan (cùng với một người Anh) bị sát hại và vốn buôn bán bị mất.

Một cơ hội đã được mở ra năm 1617 khi thương điếm Hà Lan ở Patani (Malaysia) và Ayutthaya (Thailand) nhận được thư của một quan lại cao cấp (thay mặt chúa Nguyễn) mời người Hà Lan đến Hội An buôn bán. Hội đồng thương điếm Patani chấp nhận thư mời và cử hai tàu sang Hội An.

Tuy nhiên cả hai tàu trên đã phớt lờ chỉ thị của thương điếm Patani để đi thẳng đến Hirado (Nhật Bản) mà không dừng lại Hội An. Một vài năm sau đó, hai thương thuyền khác lại được chỉ thị sang buôn bán ở Hội An nhưng lo ngại những rủi ro có thể xảy ra ở xứ Đàng Trong nên các thủy thủ Hà Lan lại lảng tránh Hội An thêm một lần nữa.

Trong thập niên 20 của thế kỷ 17, do bận rộn gây sức ép buộc Minh triều mở cửa thị trường Trung Quốc nên công ty VOC không thực hiện nỗ lực đáng kể nào để thâm nhập Hội An.

Những tưởng VOC sẽ từ bỏ Hội An thì việc chúa Nguyễn cứu giúp thuyền buôn người Hà Lan bị nạn (1632) đã tạo điều kiện kết nối quan hệ giữa hai bên. Năm 1633, hai thương thuyền dưới sự chỉ huy của Paulus Traudenius và Francois Caron mang theo số vốn 278.000 guilders cập bến Hội An.

Mặc dù thương nhân Hà Lan được chúa Nguyễn tiếp đón trọng thị và ban cho một số đặc quyền thương mại nhưng đến cuối mùa hè năm đó, người Hà Lan buộc phải mang số vốn tồn đọng đi Đài Loan do không thể cạnh tranh được với thương nhân Bồ Đào Nha và Nhật Bản.

Một năm sau (1634), việc quan lại Hội An tịch thu hàng hóa của hai tàu Kemphaan và Quinam (VOC) khi đang trên đường từ Đài Loan về Batavia gặp bão và bị đắm ngoài khơi đã khiến cho quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng (Hoàng Anh Tuấn, 2011, Mạng lưới thương mại Nội Á và bang giao Hà Lan - Đại Việt (1601 - 1638), tr. 26).

Mùa hè 1635, Toàn quyền Hà Lan - Antonio Van Diemen gửi thư yêu cầu chúa Nguyễn Phúc Nguyên trả lại số tiền và hàng hóa bị tịch thu. Nhằm tăng thêm trọng lượng cho lời đề nghị của mình, Toàn quyền Diemen bổ nhiệm Abraham Duijker (Duyker hoặc Duycke) - người phụ trách việc buôn bán của VOC với Đàng Trong làm đại diện để thương lượng với chúa Nguyễn.

Cùng với việc phủ nhận trách nhiệm bồi thường, chúa Nguyễn Phúc Lan ra lệnh xử tử viên quan ẩn lậu 23.580 guilders của VOC. Từ đó, chúa yêu cầu VOC từ bỏ đòi hỏi bồi thường và hứa sẽ ban cho những đặc quyền buôn bán như miễn thuế, miễn quà biếu... Sự nhân nhượng của chúa khiến Duijcker hài lòng nhưng không thỏa mãn toàn quyền và hội đồng Đông Ấn ở Batavia.

Mùa hè năm 1636, Nicolaas Couckebacker - Giám đốc thương điếm Hirado được cử làm đại diện cho VOC đến Hội An thương thảo lại vấn đề bồi thường. Trong thư gửi chúa Nguyễn, toàn quyền kiên quyết đòi bồi thường và nhắc lại lời đe dọa sử dụng vũ lực để tấn công Đàng Trong nếu như họ Nguyễn không thực thi vô điều kiện các yêu cầu của Batavia.

Giọng điệu khiêu khích trong bức thư của toàn quyền Batavia khiến chúa Nguyễn giận dữ. Tuy nhiên, từ góc độ lợi ích thương mại, VOC sẽ chẳng thu được lợi lộc gì nếu gây hấn với Đàng Trong vì vậy họ vẫn tiếp tục duy trì việc buôn bán tại Hội An.

Năm 1637, thương điếm Hirado phái một tàu đến Hội An. Chúa nhiệt tình tiếp đón Duijcker và ban cho người Hà Lan một ngôi nhà kiên cố ở Hội An để lưu trú và buôn bán. Người Nhật cũng thể hiện thái độ thân thiện với thương đoàn Hà Lan.

Dường như các dấu hiệu đều đem đến cho Duijcker hy vọng về một mùa buôn bán thành công. Tuy nhiên, ngay sau khi Duijcker rời Hội An đi Batavia (tháng 3.1637), Nhật kiều ở Hội An đã đơn phương hủy bỏ những hợp đồng cung cấp hàng hóa, nhất là tơ lụa, cho người Hà Lan.

Chấm dứt quan hệ

Những thất bại liên tiếp đã khiến Toàn quyền Batavia từ bỏ thương điếm Hội An. Năm 1638, Batavia phái tàu đến Hội An để đưa toàn bộ nhân viên và tài sản về Đài Loan, chấm dứt quan hệ với Đàng Trong và Hội An.

Không thỏa mãn với kết quả như vậy, VOC đã đáp lại mong muốn thiết lập liên minh quân sự chống chúa Nguyễn từ chính quyền Đàng Ngoài (chúa Trịnh). Điều này dẫn đến trận thủy chiến ngày 7.7.1643 giữa hạm đội Hà Lan do Pieter Baeck chỉ huy và lực lượng thủy binh chúa Nguyễn do Nguyễn Phúc Tần chỉ huy (Đại Nam thực lục tiền biên, tr.73-74). Có thể nói, đây là cuộc đụng độ đầu tiên của quân Đại Việt với tàu thuyền phương Tây, điều này cũng đánh dấu sự kết thúc hoàn toàn quan hệ giữa Hà Lan với Đàng Trong.

Vào khoảng 1650, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần muốn làm hòa với VOC và một hiệp ước ra đời ngày 8.12.1651 cho phép người Hà Lan một lần nữa buôn bán tự do và công khai, không bị nhòm ngó và không phải trả thuế nhập, xuất cảng. Ở Hội An, VOC thiết lập “một văn phòng thương mại” do Hendrik Baron quản lý cùng trợ lý Jan Houtman, Pieter Backer, Jacob Driscordt và một thủy thủ không được nhắc tên.

Tuy nhiên, ngay lập tức những nghi kỵ của chúa Nguyễn về quan hệ giữa VOC với chúa Trịnh lại một lần nữa trở thành nguyên nhân chính khiến thương mại của công ty này ở Hội An phải chấm dứt ngay khi mới bắt đầu. Ngày 18.1.1852, Baron và các nhân viên thương điếm Hội An phải dời về Batavia và đóng cửa vĩnh viễn đại lý của họ ở Hội An năm 1654.

NGUYỄN THỊ VĨNH LINH