Giữ gìn không gian văn hóa làng biển
Trước tác động của đô thị hóa, không gian làng biển, những tín ngưỡng, phong tục quý của cộng đồng ngư dân ven biển chịu không ít tác động. Vì thế, giữ gìn không gian, văn hóa làng biển trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay.
Làng chài thu hẹp dần
Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt ở TP.Hội An, nghề biển ở phường Cẩm An, Cửa Đại đã mai một nhiều. Đội lưới cản An Bàng nức tiếng một thời ở xã Cẩm An đã ran rã.
Ông Phùng Tấn Tráng (từng là Đội trưởng Đội lưới cản An Bàng) có lần bày tỏ dự cảm đô thị hóa ngày càng rõ rệt, lao động nghề biển sẽ dần chuyển sang các nghề du lịch, dịch vụ, thương mại có lợi thế lớn hơn.
Quả vậy, khi chúng tôi trở lại An Bàng, anh Lê Viết Hải từng tham gia đội lưới cản An Bàng cho biết, không thể cầm cự với nghề, thiếu lao động, tàu nằm bờ nên phải chuyển nghề tìm để sinh kế.
“Trữ lượng hải sản suy giảm mạnh, sản lượng thu được ở mỗi chuyến biển ít dần. Thu nhập thấp nên ngư dân chọn nghề khác mưu sinh. Vả lại, nghề biển rất gian nan, thanh niên không mặn mà theo” - anh Hải nói.
Ở Cẩm An hiện còn khoảng 50 gia đình ngư dân, sinh sống ở 3 khối phố Tân Thành, Thịnh Mỹ và An Bàng. Không gian làng chài Cẩm An ngày trước đã thu hẹp lại. Nhiều gia đình ngư dân đã phải nhường đất cho các công trình khu nghỉ dưỡng, khách sạn. Khu tái định cư làng chài An Bàng hiện nay chỉ có vài gia đình ngư dân sinh sống.
Ông Đinh Dũng - Chủ tịch UBND phường Cẩm An cho rằng, làng chài Cẩm An ngày trước có rất nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử chi phối đời sống tinh thần của người dân nhưng thời gian qua đã mờ nhạt nhiều. Theo ông Dũng, lễ hội cầu ngư vẫn còn diễn ra ở Cẩm An nhưng phần hội với các hoạt động đua thuyền, đan lưới, kéo co, bóng chuyền vang tiếng một thuở đã bị lược bỏ.
Cảnh tượng hàng trăm người già trẻ, trai gái quần tụ chung vui cùng lễ hội đã thành quá vãng. Diễn xướng bả trạo - nghi lễ cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng cũng thưa vắng dần. Lễ hội vì thế mà thiếu đi sức sống vốn có của một hoạt động truyền thống cộng đồng.
“Ngày trước, ghe thuyền vào ra liên tục, bán mua tấp nập, sôi động làng biển, dấu xưa không còn nữa” - ông Dũng tiếc nuối.
Ở phường Cửa Đại hiện có 2 làng chài là Phước Trạch và Phước Hải với hàng trăm ngư dân giữ lấy các nghề lưới rê, lưới cản, câu, lưới chụp. Bên những ngôi nhà lầu, nhà cao tầng san sát, người dân vẫn hay đan lưới, sửa ngư cụ, khiêng vác thúng, vận chuyển nhu yếu phẩm cho chuyến biển nhưng sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội đặc trưng miền biển đã phai nhạt ít nhiều. Đội hát múa bả trạo Cửa Đại vang tiếng gần xa đã không còn nữa.
Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại chia sẻ, chính ngư dân quyết định sự tồn tại của không gian làng chài. Ngư dân chuyển nghề thì làng chài sẽ bị thu hẹp. Và theo đó, các lễ nghi, tập quán, phong tục đặc trưng của cộng đồng ngư dân cũng thay đổi dần.
Chung tay gìn giữ
Ở làng biển Hà Lộc (xã Tam Tiến, Núi Thành) có 2 lăng thờ thần Nam Hải và 1 nghĩa địa cá ông. Lễ hội cầu ngư được cộng đồng ngư dân tổ chức vào ngày 16.1 không còn quy mô lớn như trước đây.
Cụ ông Nguyễn Xuân Sâm - chủ bái trong các lễ hội cầu ngư ở làng biển Hà Lộc cho biết, điều đáng tiếc là không gian lăng thờ thần Nam Hải và nghĩa địa cá ông bị thu hẹp. Nguyên nhân là một số người dân không còn đi biển nữa, phai nhạt dần tình cảm gắn bó, thờ tự cá ông, đã vô tâm lấn đất trồng rừng dương liễu.
Đến nay, việc lấn chiếm đất vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Điều lo lắng khác là trong cộng đồng, dù có người già, trung niên nhưng chưa ai dám nhận sự truyền lại vai trò chủ bái trong lễ hội cầu ngư. “Tôi hơn 90 rồi, nên đã sao chép tất cả văn tự cúng bái trong lễ hội cầu ngư, mong có người nối tiếp để tránh thất truyền tập tục quý tồn tại bao đời nay” - cụ Sâm nói.
Ông Nguyễn Xuân Luận - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, có tình trạng không gian lăng thờ thần Nam Hải và nghĩa địa cá ông bị thu hẹp diện tích do người dân trồng dương liễu.
Đối với lăng thờ, chính quyền xã vận động hộ trồng dương liễu thu hẹp lại phần đất 20m chiều ngang, 40m chiều dài để ngư dân khi tổ chức cúng bái có không gian đủ rộng để làm lễ và sinh hoạt phần hội.
Tương tự, UBND xã sẽ đo đạc lại diện tích khu nghĩa địa cá ông, vận động hộ dân nới phần đất trồng dương liễu, tiện cho mai táng cá ông khi lụy vào bờ, giữ gìn tín ngưỡng quý.
Theo ông Tống Quốc Hưng - Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An, lễ hội là truyền thống, là chất sống của vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung nên ưu tiên giữ lại lễ hội cầu ngư, cúng bái thần Nam Hải. Cách làm là bồi đắp các giá trị truyền thống, khuyến khích các em học sinh gắn bó, yêu quý nghệ thuật diễn xướng bả trạo, tham gia tập luyện trong các đội ở xã, phường.
“Phát triển du lịch, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn là định hướng lớn của tỉnh và thành phố, song song với đó, cần giữ lại các không gian, làng ven biển để tiếp nối, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống” - ông Hưng nói.
Vùng đông của huyện Thăng Bình với các xã Bình Hải, Bình Minh, Bình Nam ngày càng đô thị hóa. Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Thăng Bình cho biết, để bảo tồn, phát huy các giá trị của không gian văn hóa làng biển, phòng sẽ đề xuất UBND huyện Thăng Bình triển khai dự án kiểm đếm lại các loại hình văn hóa vùng ven biển, phong tục, tập quán, cách sống của cộng đồng ngư dân. Trên cơ sở đó, tập hợp, nghiên cứu sâu hơn, có giải pháp để lan tỏa các giá trị cốt lõi, giữ gìn những giá trị có nguy cơ mai một.