Tiếp lửa nghề gốm

ĐỖ HUẤN 16/07/2021 06:27

Những năm qua TP.Hội An đã tăng cường công tác quản lý, thực hiện nhiều giải pháp đầu tư phát triển, trao truyền và tiếp lửa nghề gốm cho lớp trẻ.

Các thợ trẻ trong Câu lạc bộ Hồn gốm Thanh Hà trao đổi chuyện nghề. Ảnh: Đ.HUẤN
Các thợ trẻ trong Câu lạc bộ Hồn gốm Thanh Hà trao đổi chuyện nghề. Ảnh: Đ.HUẤN

Từ năm 2000 lãnh đạo TP.Hội An đã có chủ trương phục hồi làng gốm Thanh Hà bằng việc cho mở thêm 4 lò nung truyền thống và chuyển dời các lò nung gạch thành các lò tuy-nen để cải tạo môi trường.

Hội An cũng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo cảnh quan môi trường, đường sá, kè chống xói lở tại làng nghề… Các lớp đào tạo nghề, lớp nâng cao kỹ năng thiết kế, cải tiến mẫu mã và các hoạt động hội thi, giới thiệu sản phẩm cũng được tổ chức, thu hút nhiều nghệ nhân và lao động tại làng nghề.

Tính đến nay, thành phố đã tổ chức được 8 lớp đào tạo nghề gốm cho gần 100 học viên tại làng nghề Thanh Hà, trong đó có 2 học viên được đào tạo gốm phủ men Bát Tràng, 2 học viên học nghề chế tác bộ sản phẩm các món ăn đặc sản Hội An. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề và phát triển sản phẩm mới từng bước được phục hồi và phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đã tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho các cơ sở trong làng nghề như: hỗ trợ trang thiết bị máy móc, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh…; chú trọng công tác quảng bá, trình diễn nghề, xây dựng thương hiệu và đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho sản phẩm gốm Thanh Hà…

Những năm gần đây, nhờ gắn kết giữa phát triển sản xuất với phát triển du lịch nên làng gốm Thanh Hà đã tạo được sức sống mạnh mẽ. Với hơn 35 hộ sản xuất, kinh doanh và khoảng 70 lao động làm nghề thủ công là chính nhưng sản phẩm khá đa dạng gồm: sản phẩm lưu niệm, hàng phục vụ trang trí cho các cơ sở kinh doanh du lịch như con thổi, bình cắm hoa, bùng binh, đèn sân vườn, đèn trang trí, mặt nạ.

“Du khách khi đến đây trực tiếp nhìn, ngắm, tác nghiệp thì biết được công sức và tài hoa của nghệ nhân để hình thành nên những con thổi, những cái bình, cái nồi, cái chậu, đồ trang trí… nên họ rất thích” - ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố nói.

Khi chưa có dịch bệnh Covid-19, lượng khách đến tham quan làng gốm Thanh Hà bình quân hơn 300.000 lượt khách/năm, doanh thu hàng năm đạt 6 – 8 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động sản xuất gốm chiếm 50%. Lao động làng nghề không chỉ có thu nhập từ bán sản phẩm mà còn tăng thêm từ hoạt động trình diễn nghề, nguồn trích lại từ doanh thu bán vé tham quan…

Trong xu hướng bảo tồn và phát triển làng nghề, điều đáng mừng là đã xuất hiện những người thợ trẻ rất chịu khó tìm tòi, làm ra các loại sản phẩm trang trí nội, ngoại thất cũng như các sản phẩm lưu niệm khác… Từ tháng 8.2018, Câu lạc bộ Hồn gốm đi vào hoạt động, quy tụ những người thợ từng ngày gắn bó với làng nghề truyền thống.

Anh Trần Thanh Bình – Chủ tịch Hội LHTN phường Thanh Hà, Chủ nhiệm CLB Hồn gốm cho biết: “Chúng tôi tập hợp các thanh niên làm việc trong làng gốm để tạo sự đoàn kết và làm ra những sản phẩm mới, quảng bá, đưa tên tuổi làng gốm Thanh Hà đi xa hơn và khích lệ truyền nghề cho giới trẻ”.

Đáng chú ý, trên nền tảng xây dựng và phát triển ý tưởng của một nghệ nhân đến từ TP.Hồ Chí Minh, 2 thợ trẻ Nguyễn Viết Lâm, Lê Văn Nhật tiếp thu và chế tác, cùng những người thợ gốm Thanh Hà tạo ra bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ “Dấu ấn ẩm thực Hội An” làm từ đất sét công nghiệp, giới thiệu 9 món ăn đặc sản và nổi tiếng của phố cổ, bộ sản phẩm lưu niệm độc đáo này được du khách rất yêu thích.

Thợ trẻ Lê Văn Nhật bày tỏ: “Thời gian đến, mình muốn phát triển những mẫu quảng bá về làng nghề, nhất là về trang trí, thu hút khách du lịch đến xem nhiều hơn và muốn phát triển thêm những cái mới lạ hơn nữa”.

ĐỖ HUẤN