Lan tỏa hình ảnh vùng đất hoa vàng

XUÂN HIỀN 27/06/2021 10:02

Tổ chức cuộc thi ảnh về loài hoa đặc biệt của phố thị hay tạo dấu ấn riêng có cho ngôi làng chài ven biển bằng đời sống sinh động gắn với những bức bích họa... là một số cách thức mà Tam Kỳ quảng bá về quê xứ của mình...

Khoảnh khắc sưa vàng được ghi lại bởi những người yêu mến Tam Kỳ.
Khoảnh khắc sưa vàng được ghi lại bởi những người yêu mến Tam Kỳ.

“Khoảnh khắc hoa sưa”

Dầu chỉ là một cuộc thi ảnh phát động trong khuôn khổ của lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa” tổ chức hồi tháng 4 năm nay, nhưng “Khoảnh khắc hoa sưa” năm 2021 đã thu hút khá đông lượt người dự thi. Ông Nguyễn Bộ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh TP.Tam Kỳ cho biết, cuộc thi diễn ra từ ngày 1.4 đến hết ngày 17.4.

“Chỉ trong thời gian hơn nửa tháng, chúng tôi đã thu nhận được 388 tác phẩm dự thi. Tất cả là những bức ảnh đẹp về màu vàng sóng sánh của hoa sưa, màu xanh óng ả của lá, màu rêu phong cổ kính của cây...

Có không ít tác giả đã khai thác ở mọi góc nhìn, ở những con đường, góc phố khác nhau, phản ánh vẻ đẹp của hoa sưa gắn với vẻ đẹp của lúa, của khoai, đời sống, sinh hoạt của nhân dân tạo nên bức tranh toàn cảnh đầy sắc màu và sống động về quê hương và con người TP.Tam Kỳ nói chung, phường Hòa Hương nói riêng” - ông Bộ nói.

Không dừng ở đó, những điểm nhấn đặc biết của kỳ lễ hội vừa diễn ra, như những mái nhà tranh, nông cụ sản xuất, quầy thông tin du lịch, đồi chong chóng, cây ước nguyện, cầu hạnh phúc, đường nón... được đặc tả một cách chân thật. Tất cả tạo nên những khoảnh khắc khá độc đáo, mang phong cách mới lạ gắn liền với hơi thở cuộc sống của cư dân địa phương.

“Qua đó, chuyển tải được thông điệp của lễ hội là quảng bá, giới thiệu về hình ảnh cây sưa gắn với đất và người Tam Kỳ, tạo động lực để kích cầu phát triển du lịch cộng đồng trong những năm đến” - ông Bộ chia sẻ. 

Thể lệ của cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc hoa sưa” năm 2021 khá đặc biệt khi ảnh do du khách gửi về dự thi được chụp bằng điện thoại. Việc lựa chọn phương tiện tác nghiệp khá quan trọng khi ban tổ chức mong muốn sẽ kêu gọi được người dân lẫn du khách ghi lại khoảnh khắc của mình đối với loài hoa đặc trưng của thành phố này.

Không phải là những bức ảnh được chụp chuyên nghiệp với máy móc cầu kỳ, chỉ cần bắt được những khoảnh khắc độc đáo của vùng đất và giữ lại chúng bằng những bức ảnh, từ chính thiết bị thiết thân với mỗi người.

Cô giáo Hồ Thị Thúy Hằng - người có tác phẩm được nhận giải từ cuộc thi với khoảnh khắc người phụ nữ này cùng chồng đang ngắm hoa sưa bay trong gió, được con gái ghi lại bằng điện thoại của mình.

“Nhiều bạn bè tôi ở khắp nước, từ Hà Nội đến Sài Gòn khi thấy hoa sưa vàng lần đầu đều vô cùng ngạc nhiên. Họ thốt lên rằng lâu nay chỉ thấy hoa sưa trắng, sưa đỏ chứ chưa thấy màu vàng rỡ ràng như loài hoa này. Vậy là cứ đến mùa hoa, từ khắp nơi mọi người lại giục tôi chụp ảnh gửi họ ngắm và thưởng thức” - cô Hằng nói. 

Nghệ thuật trước hết vì cộng đồng

Mùa sưa nở hay đất hoa vàng Tam Kỳ gần như trở thành cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất mỗi độ vào mùa hoa. Nhưng vùng đất này không chỉ có vậy. Hãy để lòng mình được thả trôi về những ngôi làng của biển xanh, nắng vàng và cát trắng.

Ở ngôi làng ven biển Tam Thanh, như lời một người bạn tôi từ Sài Gòn năm nào cũng phải về đây hơn tháng trời vào mùa hè, những ngôi làng khiêm nhường nhưng bản lĩnh bởi giữ được sức hút và trở nên khác biệt giữa hàng trăm làng chài khắp nơi. Tinh thần xây dựng du lịch cộng đồng của cả chính quyền và người dân Tam Thanh không thể lẫn với nơi khác, bởi sự đồng lòng.

Những dự án từ Làng bích họa, đến Làng bách hoa, Làng không rác, Con đường thuyền thúng… được ngư dân hưởng ứng. Không chỉ vậy, làm du lịch phát triển từ chính nền tảng văn hóa lẫn cảnh sắc, không khiến nếp sống của cư dân bị biến dạng là điều đầu tiên được xác quyết tại đây.

Họ vun vén cho ngôi nhà với những bức tranh tường được các họa sĩ xứ kim chi vẽ tặng ngày một khang trang hơn. Họ giữ cho bãi biển không một cọng rác. Họ sẵn sàng hiến tặng thuyền và thúng - hai vật dụng là sinh kế của gia đình, để nghệ sĩ từ khắp cả nước về sáng tạo…

Như lời họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - người năm nào cũng có mặt ở Tam Thanh để sáng tác nói, Tam Thanh trở thành một không gian nghệ thuật cộng đồng đúng nghĩa. Tức là nơi người dân vừa là chủ thể của sáng tạo, vừa là người được hưởng lợi từ chính những sáng tạo này. Không chỉ vậy, họ chính là nguồn cảm hứng để hình thành các sản phẩm phục vụ du lịch cộng đồng, ngay tại nơi mình sống.

XUÂN HIỀN