Áo dài xứ Quảng trong di sản tư liệu hình ảnh
Trong kho tàng di sản tư liệu hình ảnh, trang phục áo dài của cư dân xứ Quảng được đưa vào ống kính khá đậm nét, làm phong phú cho kho tàng di sản ảnh Việt Nam.
Người Quảng đầu tiên chụp ảnh với áo dài ngũ thân
Thời triều Nguyễn, từ vua Minh Mạng trở đi, bộ trang phục áo dài trở thành Quốc phục của người Việt Nam. Ảnh tư liệu về trang phục áo dài nam xuất hiện sớm nhất có lẽ là bộ ảnh chụp về Sứ đoàn An Nam. Năm 1863, theo lệnh của vua Tự Đức, đoàn đi sứ gồm 65 người sang Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ.
Lúc đó, Bảo tàng Nhân học, Lịch sử tự nhiên Paris đang áp dụng công nghệ mới (bằng kính ảnh) để ghi lại hình ảnh cho mục đích nghiên cứu nhân chủng học. Potteau Philippe Jacques Potteau là tác giả của bộ ảnh. Nhiếp ảnh gia này đã chụp lại ảnh các thành viên của Sứ đoàn An Nam với các kiểu tư thế từ đứng, ngồi, chân dung đối diện, nhìn ngang, nhìn thẳng.
Bộ ảnh có chú thích những chức phận, phẩm hàm, tên tuổi, quê quán của các quan lại triều đình Huế, nhân vật tháp tùng trong Sứ đoàn vào thời kỳ đó bằng Pháp ngữ. Bên cạnh triều phục của các quan đại thần, nhiều người trong số đó mặc áo dài ngũ thân truyền thống thể hiện rõ nét phong cách ăn mặc, quốc phục của người An Nam.
Đặc biệt, quan võ tòng ngũ phẩm Lương Văn Thái 43 tuổi, người Quảng Nam, thành viên Sứ đoàn, được chụp 2 bức chân dung thẳng và nghiêng mặt, trong trang phục áo dài ngũ thân, tóc búi tó.
Áo dài ngũ thân và hình ảnh xứ Quảng
Ngày xưa, thầy đồ, nhà Nho, học trò đều mặc áo dài khăn đóng. Ảnh chụp về “đề tài” thầy đồ và học trò ngày xưa rất thú vị, như bức thầy và trò ở xứ Quảng mặc áo dài khăn đóng trong “buổi học ngoài thực địa”, tìm hiểu về loài voi. Áo dài khăn đóng của thầy đồ, của học trò là hình ảnh mang biểu tượng của truyền thống hiếu học, trí thức Nho sĩ đời xưa.
Nhiều bức ảnh tư liệu chụp chân dung cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng với trang phục áo dài khăn đóng. Bức ảnh tư liệu được đưa vào sách sử, được nhiều người biết đến là bức ảnh chụp buổi ra mắt đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946. Hàng đầu, đứng giữa là Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên phải Chủ tịch nước là cụ Nguyễn Văn Tố (Chủ tịch Quốc hội đầu tiên), bên trái là cụ Huỳnh Thúc Kháng (sau được giữ quyền Chủ tịch nước khi Bác Hồ đi Pháp) đều mặc áo dài khăn đóng.
Trước đó, khi còn làm việc ở Báo Tiếng dân, cụ Huỳnh cũng mặc áo dài khăn đóng. Những bức chân dung Huỳnh Thúc Kháng lưu lại đời sau cũng với áo dài khăn đóng. Hiện nay, tại Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng, chiếc áo dài là hiện vật nổi bật phản ánh phong cách ăn mặc lúc sinh thời của cụ. Bức tượng bán thân Huỳnh Thúc Kháng ở khuôn viên trụ sở Trung tâm Báo chí Quảng Nam cũng dựa vào ảnh chân dung áo dài khăn đóng thể hiện cốt cách Nho sĩ của cụ.
Trong ảnh tư liệu về xứ Quảng, đáng chú ý là bộ ảnh vua Bảo Đại đến Đà Nẵng trong chuyến kinh lý Trung Kỳ. Lễ nghinh đón vua Bảo Đại trong ngày nhà vua tuần du Đà Nẵng, Lễ tiễn chân vua Bảo Đại hồi loan, dân chúng đưa tiễn… Nhà vua và một số nhân vật tháp tùng mặc áo dài khăn đóng.
Trong bưu ảnh chụp ở Đà Nẵng (xưa gọi là Tourane), Hội An và một số địa bàn thuộc xứ Quảng cũng thấy cách ăn mặc của người xứ này. Bức ảnh tư liệu quý hiếm chụp Thành Quảng Nam, ngoài những nét đặc trưng về kiến trúc thành quách xưa (nay đã bị phá hủy) còn có những người đàn ông đứng trên cổng thành. Một số người trong ảnh mặc áo dài, đội nón lá.
Trang phục của nam giới xứ Quảng thời xưa cũng được tìm thấy trong di sản ảnh Hội An. Nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân sở hữu bộ ảnh quý giá về phố cổ xưa mà bất cứ nhà nghiên cứu, sưu tầm về Hội An nào cũng cần phải tra cứu, tham khảo. Chủ đề nổi bật trong bộ sưu tập hình ảnh xưa Hội An của Vĩnh Tân là lễ hội, kiến trúc, trang phục áo dài của cư dân phố cổ.
Áo dài của phụ nữ xứ Quảng trong ảnh xưa
Trang phục của phụ nữ xứ Quảng cũng được thể hiện khá rõ nét trong những bức ảnh tư liệu xưa, tiêu biểu như các bức ảnh chụp chân dung phụ nữ, bức ảnh chụp quang cảnh Chùa Cầu, phố cổ. Bức ảnh có dán tem “Cô gái Nam Bộ” là bức bưu ảnh độc đáo với những thông tin thú vị về kiến trúc và trang phục cư dân Hội An xưa.
Bức ảnh Chùa Cầu của Tạp chí Life ghi lại hình ảnh về trang phục của giới bình dân, gánh hàng rong, sinh hoạt của cư dân phố cổ. Bức ảnh chụp năm 1929 là bức ảnh hoàn hảo, sinh động, đẹp nhất về Chùa Cầu. Nhà nhiếp ảnh đã ghi lại những chi tiết, hình ảnh đắt giá: Nhóm người mặc áo dài, đội nón lá từ Chùa Cầu bước ra, thân cây duyên dáng làm tiền cảnh cho ngôi chùa, vài trẻ em đứng chơi ven đường, một chú chó đứng giữa đường...
Thật thú vị khi chúng ta được xem những bức ảnh độc lạ, quý hiếm của nhà nhiếp ảnh Albert Pélisser về Đà Nẵng xưa gọi là Tourane. Ông cũng là nhà xuất bản bưu thiếp ở Đà Nẵng trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XX. Nhà nhiếp ảnh này cũng đã đưa vào ống kính vẻ đẹp trang phục, lối ăn mặc của người phụ nữ, trẻ em xứ Quảng.