Lập làng du lịch văn hóa

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 21/06/2021 15:43

Quảng Nam đang có chủ trương xây dựng một số làng văn hóa du lịch để thu hút du khách, phát triển du lịch. Những mô hình từ Nhật Bản và Hàn Quốc có thể là những gợi ý để Quảng Nam tham khảo trong việc thiết lập ý tưởng, lên phương án và tổ chức thực hiện chủ trương trên.

Cửa hàng kinh doanh phục dựng trong làng Kaitaku. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Cửa hàng kinh doanh phục dựng trong làng Kaitaku. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

1. Xu hướng du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng… ngày càng được ưu tiên trong lựa chọn của du khách. Vì vậy ngày càng xuất hiện nhiều làng du lịch văn hóa, điểm du lịch cộng đồng tại những điểm đến truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… và cả những điểm đến mới nổi như Campuchia, Malaysia, Việt Nam… Ở châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước có nhiều làng du lịch văn hóa rất thành công trong việc thu hút du khách, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế và quảng bá giá trị văn hóa, cảnh quan của cộng đồng và địa phương.

Kiến trúc nhà ở dân gian trong làng Minsokchon. Ảnh: tripadvisor
Kiến trúc nhà ở dân gian trong làng Minsokchon. Ảnh: tripadvisor

Mỗi quốc gia, mỗi địa phương có những cách thức khác nhau khi kiến tạo làng du lịch văn hóa để đón khách. Tuy nhiên, có hai cách phổ biến mà người dân và chính quyền ở Nhật Bản và Hàn Quốc thường lựa chọn. Đó là: Biến làng quê bình thường thành một làng du lịch văn hóa từ việc tái quy hoạch không gian - cảnh quan, bảo tồn và khai thác các di sản văn hóa của làng và giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, cùng với việc cung ứng các dịch vụ, tiện ích cho du khách; Chọn lọc những công trình kiến trúc, di sản văn hóa tiêu biểu từ nhiều vùng miền trong nước, quy tụ về nơi có không gian rộng mở, cảnh quan đẹp, giao thông thuận tiện… để tạo lập làng du lịch văn hóa, đại diện cho một cộng đồng cư dân hay một thời kỳ lịch sử của địa phương hay của quốc gia.

Trình diễn múa dân gian Hàn Quốc ở làng Minsokchon. Ảnh: tripadvisor
Trình diễn múa dân gian Hàn Quốc ở làng Minsokchon. Ảnh: tripadvisor

Tôi đã có nhiều dịp đến thăm những ngôi làng du lịch văn hóa ở Nhật Bản và Hàn Quốc, với cả hai kiểu làng nói trên, và thấy rằng, mỗi kiểu làng đều có những điểm hay. Đó đều là những điển hình thành công trong phát triển du lịch, nhưng vẫn bảo tồn được các di sản, giá trị văn hóa, sắc thái địa phương và giữ gìn cảnh quan, môi trường.

2. Ở Nhật Bản, ba ngôi làng miền núi là Shirakawa-go, Gokayama và Oshino Hakkai là những ngôi làng cổ được bảo tồn, tôn tạo và trở thành những làng du lịch văn hóa theo cách thứ nhất. Trong đó, làng Shirakawa-go ở tỉnh Gifu, miền trung Nhật Bản, là điển hình thành công nhất, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1995.

Làng Shirakawa-go có khoảng 100 ngôi nhà gỗ mang phong cách kiến trúc gasshō-zukuri, với phần mái nhà lợp bằng cỏ tranh, có độ dốc cao để đối phó với tình trạng tuyết rơi dày vào mùa đông.

Ngôi làng thu hút du khách bởi phong cảnh đặc sắc, biến đổi kỳ ảo theo bốn mùa của năm: mùa xuân tuyết tan, muôn hoa đua nở; mùa hè sắc xanh bao trùm; mùa thu cây cối chuyển màu khiến ngôi làng như một bức tranh với hai gam màu vàng - đỏ chủ đạo; mùa đông là thời điểm đẹp nhất, khi cả làng tuyết phủ trắng xóa và lễ hội ánh sáng diễn ra vào các ngày cuối tuần từ tháng 1 đến tháng 2, khi tất cả ngôi nhà trong làng được thắp sáng, tạo nên cảnh trí như ở tiên cảnh. Ngôi làng còn thu hút du khách bởi vẫn duy trì lối sống truyền thống của người dân làng từ bao đời nay.

Làng Shirakawa-go không có khách sạn. Những ryokan (lữ quán) trong làng chỉ đón tối đa 200 khách/đêm, và du khách phải đặt trước hàng tháng trời mới có chỗ nghỉ lại ở làng một đêm. Không có nhà hàng, cửa hiệu nào trong làng mở cửa sau 5 giờ chiều. Mọi dịch vụ chỉ ở mức tối thiểu, bởi người dân Shirakawa-go muốn du khách, cũng như họ, được trải nghiệm lối sống khiêm nhường, nương vào tự nhiên được thiên nhiên bao bọc, chở che, chứ không phải là lối sống hiện đại, đầy ắp tiện nghi nhân tạo.

Làng Hahoe ở Andong, tỉnh Gyeongsangbuk, phía nam thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng là một điển hình của làng du lịch văn hóa theo cách thứ nhất. Ngôi làng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của Hàn Quốc: quy hoạch theo nguyên tắc phong thủy phương Đông; kiểu thức kiến trúc nhà ở thời Joseon (1294 - 1910); sự tiếp nối dòng tộc; các giá trị Nho giáo được bảo lưu và truyền thừa; các di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị tối ưu.

Làng Hahoe do gia tộc Ryu ở Pungsan thành lập vào thế kỷ 16 và trở thành cộng đồng của một dòng tộc kể từ thời điểm đó. Hiện nay, làng Hahoe chia thành hai khu vực: Namchon (Nam thôn), là nơi cư ngụ của chi trưởng Gyeomampa thuộc dòng tộc Ryu; và Pukchon (Bắc thôn), là địa bàn của Seoaepa, hậu duệ của Ryu Seong-ryong, một học giả nổi tiếng làm quan dưới đời vua Seonjo triều Joseon.

Hahoe được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010, vì là nơi bảo tồn nhiều cấu trúc và di sản từ thuở lập làng, như: trường học Nho giáo, các công trình kiến trúc được chính phủ Hàn Quốc xếp hạng là Bảo vật quốc gia (số 306 và 414), Tài sản văn hóa quan trọng (số 84 và 90). Đặc biệt, nghệ thuật múa mặt nạ Hahae, trò chơi dân gian Sunyu, hay đồ gốm Onggi… của làng, vẫn được duy trì và thực hành hàng trăm năm qua, được công nhận là những di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của Hàn Quốc.

Chính những di sản này, cùng với giá trị cảnh quan và các công trình kiến trúc cổ của làng, đã tạo cho làng sức hút đối với du khách, biến Hahoe thành một “làng du lịch văn hóa” kiểu mẫu ở xứ sở kim chi.

Các làng du lịch văn hóa phải hội tụ 5 yếu tố: có cảnh quan môi trường sạch đẹp; có bản sắc riêng; có các di sản văn hóa phong phú và độc đáo; có các dịch vụ đáp ứng nhu cầu ăn - nghỉ - khám phá của du khách; có mạng lưới giao thông thuận tiện, dễ dàng kết nối với các điểm đến du lịch khác trong phạm vi nội vùng và liên vùng.

3. Đối với cách thứ hai, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có nhiều mẫu hình thành công. Đặc trưng của kiểu làng này là sự gom góp các công trình kiến trúc, di sản văn hóa từ nhiều nơi về một địa điểm, rồi trình bày, sắp xếp lại, tạo thành một bảo tàng ngoài trời (open air museum) để bảo tồn và trình diễn về đời sống, văn hóa của một làng quê truyền thống, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Làng Kaitaku ở Hokkaido (Nhật Bản) và làng Minsokchon ở tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) là những điển hình.

Làng Kaitaku do chính quyền địa phương tạo lập và chính thức mở cửa đón khách tham quan vào năm 1983, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Hokkaido. Ngôi làng tọa lạc trên vùng đồi có diện tích hơn 54ha, là nơi bảo tồn 52 công trình kiến trúc cổ, được xây dựng trên đảo Hokkaido từ thời Meiji (1868 - 1912) đến những năm đầu của thời Showa (1927 - 1989).

Tất cả công trình kiến trúc được phục dựng trong làng Kaitacu đều có ghi chú địa điểm gốc, thời gian xây dựng, chủ nhân, thời gian phục nguyên, tên gọi và công năng của công trình. Đi kèm với trưng bày các di sản văn hóa vật thể là các lễ hội và diễn xướng dân gian diễn ra quanh năm trong làng.

Trong khi đó, người Hàn Quốc xây dựng Minsokchon ở thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi, và biến nơi này thành một điểm đến được yêu thích của cả người dân Hàn Quốc lẫn khách nước ngoài.

Minsokchon được khởi công vào năm 1973, khánh thành vào tháng 10.1974. Ngôi làng rộng khoảng 100ha, tập hợp 260 ngôi nhà truyền thống từ thời Joseon, được tuyển chọn từ nhiều nơi ở Hàn Quốc, đại diện cho kiến trúc nhà ở của nhiều tầng lớp xã hội, nhiều vùng miền khác nhau, mang về đây để phục nguyên hoặc phục chế, nhằm giới thiệu những thành tố của đời sống và văn hóa truyền thống từ kiến trúc, nông cụ, thực phẩm, trang phục... cho đến ruộng đồng, vườn tược, gia súc…

Du khách đến Minsokchon ngoài việc đắm mình trong bối cảnh xã hội thời Joseon mà khung cảnh ngôi làng mang lại, còn được thưởng ngoạn các loại hình diễn xướng dân gian, tham gia các lễ hội, thưởng thức ẩm thực truyền thống và mua sắm những mặt hàng thủ công trong các cửa hàng mỹ nghệ do các nghệ nhân địa phương sản xuất.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN