Sống cùng văn hóa xứ sở
Không phải cho đến khi các thông điệp về sự kiện đặc biệt 550 năm Danh xưng Quảng Nam được loan truyền, văn nghệ sĩ xứ Quảng mới giật mình nhớ nghĩ, mà từ bao lâu nay, trầm tích văn hóa xứ sở luôn là mạch nguồn để họ sáng tạo. Đó là sự tìm về, gạn lọc, tôn vinh và đồng hành với các giá trị văn hóa của quê hương...
Khơi gạn trầm tích
Khi khởi dựng vở diễn về đề tài dân gian Quảng Nam - vở “Thủ Thiệm”, hầu hết cán bộ, nghệ sĩ Đoàn Ca kịch Quảng Nam vừa hồi hộp, lo lắng, vừa phấn khởi. Bởi lẽ, đưa các giai thoại dân gian vào một vở ca kịch bài chòi là tương hợp về mọi lẽ. Nhưng vì nhân vật Thủ Thiệm quá quen thuộc với đại đa số người dân Quảng Nam, nếu dựng không khéo, diễn không “tới” sẽ bị phát hiện ngay. Bởi vậy, cả ê kíp phải tham gia gạn lọc, gọt sửa từ kịch bản đến từng lớp kịch, tình huống của vở diễn.
Theo nghệ sĩ Huỳnh Ngọc Lệ - nguyên Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam và là người chỉ đạo dàn dựng vở diễn này, vì những lý do đó mà việc dựng vở “Thủ Thiệm” tốn nhiều công sức hơn so với những vở diễn khác. Nhưng bù lại, vở diễn đã không sa đà khai thác giai thoại về Thủ Thiệm mà thể hiện được phần nào thực trạng của một giai đoạn lịch sử và nhất là cốt tính của người xứ Quảng. Vở diễn đã rất thành công, là một trong số ít vở nhận được nhiều yêu cầu biểu diễn nhất.
Cũng với mục đích gạn lọc, tìm kiếm những đặc trưng của các vùng quê biển Quảng Nam, nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng dành ra gần 5 năm để theo đuổi đề tài. Thừa biết những vùng đất, lễ hội, sự tích tại nơi mình đi điền dã, tìm kiếm tư liệu đều đã in dày dấu chân của nhiều nhà nghiên cứu khác, thế nhưng anh vẫn không nản lòng mà thay vào đó, tập trung nghiên cứu chi tiết và chuyên sâu hơn.
Anh xác quyết: “Nhiều vấn đề, nhiều vùng đất văn hóa ở Quảng Nam đã được nhiều người nghiên cứu. Tuy nhiên, mình hoàn toàn có thể chen chân theo cách riêng mình, bởi trầm tích văn hóa trong cộng đồng còn rất nhiều, không dễ gì khai thác hết”. Sau khi trình làng, công trình “Quảng Nam - truyền thống văn hóa biển” của anh đã được đánh giá là có hàm lượng khoa học cao, chỉ ra được những giá trị văn hóa khu biệt của vùng biển xứ Quảng...
Kỳ công không kém, để có được công trình sách ảnh “Hương sắc bản làng” vừa có giá trị cao về nghệ thuật nhiếp ảnh vừa có giá trị văn hóa độc đáo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tấn Vịnh phải mất gần 10 năm nghiên cứu, tìm hiểu và sáng tác.
Các công trình khác như “Tam Kỳ làng và phố”, “Điêu khắc gỗ Cơ Tu” cũng ngốn mất của anh không dưới 5 năm, chưa kể có một số tác phẩm đơn lẻ đưa vào các công trình này được anh sáng tác cách đó vài chục năm.
Không chỉ đầu tư thời gian và công sức, nhiều người còn chọn hướng tiếp cận có chọn lọc và chuyên sâu trong sáng tác, nghiên cứu của mình. Theo các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm, đây là hướng đi thông minh, vừa tránh nguy cơ bị “lạc đường”, vừa đảm bảo sự độc lập trong nghiên cứu cho mỗi cá nhân. Và trên thực tế, từ cách tiếp cận này, một loạt công trình có giá trị độc đáo, khu biệt của các nhà nghiên cứu Quảng Nam đã ra đời, góp phần minh họa rõ hơn về sự phong phú, đa dạng và giàu cá tính của văn hóa xứ Quảng.
Chẳng hạn các công trình “Biển đảo trong văn hóa văn nghệ dân gian Hội An” của Trần Văn An; “Văn nghệ dân gian Thăng Bình” của Phùng Tấn Đông, Lê Xuân Tùng, Phan Văn Minh, Phạm Hữu Đăng Đạt và Xa Văn Hùng; “Trầm tích một vùng đất” của Nguyễn Hải Triều; “Sinh hoạt văn hóa người Hoa ở Hội An” của Trần Văn An và Tống Quốc Hưng; “Từ lời hát ru xứ Quảng” của Vân Trình...
Tôn vinh văn hóa xứ sở
Cùng với việc tìm kiếm, kiểm đếm, phác lộ các giá trị văn hóa, văn nghệ sĩ Quảng Nam còn dành nhiều tâm huyết để tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo của quê hương. Như ở Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh, các tay máy đã chụp hàng nghìn bức ảnh về đất và người Quảng Nam - đặc biệt là về các di sản văn hóa. Không chỉ vì “không thể cưỡng lại được trước cái đẹp”, việc họ tập trung sáng tác theo hướng chủ đề ấy, trên tất cả là vì một tình yêu sâu đậm và niềm tự hào về vẻ đẹp quê hương.
Đặc biệt, hơn một nửa trong số khoảng 30 tấm huy chương các loại mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Nam giành được trong thời gian qua là ảnh chụp về các di sản văn hóa của tỉnh. Những “Á Âu hội ngộ” của Đặng Kế Đông, “Đợi” của Thái Bích Thuận, “Mắt phố” của Nguyễn Lượng, “Dưới mưa” của Mai Thành Chương, “Hồn phố” của Đặng Kế Đức... cho đến bây giờ vẫn là những “bài thơ” ngợi ca, tôn vinh vẻ đẹp của quê hương, hay, đẹp và khó quên.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông, chính vẻ đẹp quê hương là động lực để các nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tác; và họ tự thấy mình phải có trách nhiệm tôn vinh, giới thiệu những vẻ đẹp ấy đến với mọi người. Điều này xem ra cũng có vẻ đúng với giới mỹ thuật khi nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc cho rằng, sáng tác về các các di sản văn hóa là một trải nghiệm nghệ thuật thú vị và gần như... tất yếu đối với họ. Ngoài tài năng, sự đam mê, họ còn có tình yêu và sự trân quý đặc biệt đối với di sản, xem đấy là đề tài, nguồn cảm hứng bất tận.
Chứng kiến những chuyến đi thực tế, những buổi vẽ phác họa bất kể nắng mưa và đặc biệt là khi xem các tác phẩm của họ sẽ phần nào hiểu được điều ấy, sẽ thấy được sự ngưng lắng và chiều sâu văn hóa.
Bởi vậy, dù chỉ là những tác phẩm, câu chuyện đơn lẻ, nhưng nhiều năm sau khi được trình làng, người yêu mỹ thuật vẫn còn nhớ một “Phách nhịp bài chòi” say mê của họa sĩ Trần Văn Binh; một sắc màu nền nã và hoài cổ trong “Hát bội” của Lê Đình Chinh hay trong “Hát sắc bùa” của Trần Công Thiệm; một rắn rỏi, khỏe khoắn trong “Vào hội” của Nguyễn Văn Hàm, trong “Cây nêu - kết nối di sản” của Nguyễn Dũng hay trong “Mùa lễ hội” của Ngô Văn Phúc; một Mỹ Sơn quen thuộc mà mới lạ trong “Mỹ Sơn trong tôi” của Lê Việt Thắng...
Sẽ là thiếu sót nếu trong cuộc đồng hành và tôn vinh văn hóa này không có và không kể đến sự góp mặt của các chuyên ngành nghệ thuật khác. Những “Không có gì trôi đi mất”, “Mười Chấp và một thời”, “Trụ lại”... của nhà văn - nhà báo Hồ Duy Lệ, đằng sau những câu chuyện chiến tranh chính là sự dày dặn, đa dạng của tầng sâu văn hóa, của cốt cách đất và người xứ Quảng.
“Về yêu xứ rượu Hồng Đào” của nhà văn Lê Trâm là những cuộc quay về với ký ức, khơi mở và nhận chân vẻ đẹp vĩnh hằng của mảnh đất chưa mưa đà thấm hôm qua và hôm nay. Hay các ca khúc “Chốn xưa ta về” của Nguyễn Hoàng Bích; “Người Quảng dáng nâu”, “Tình khúc Thu Bồn” của Phan Văn Minh hay các seri ca khúc “Quảng Nam trong tôi” của Huỳnh Ngọc Hải, “Những miền quê xứ Quảng” của Lê Xuân Bá... không chỉ là những khúc hát của nhớ thương mà còn chất ngất niềm tự hào về một xứ Quảng giàu truyền thống văn hóa...