Cộng đồng đối với di sản Mỹ Sơn

H.THƠ - T.MINH 11/06/2021 09:02

Quần thể di tích Chăm - Mỹ Sơn từng là trung tâm tôn giáo cực thịnh của vương quốc Chămpa. Vì được xem là một bảo tàng về văn hóa, nghệ thuật kiến trúc ngoài trời nên Khu đền tháp Mỹ Sơn chịu sự tác động bất lợi của tự nhiên và con người. Trong công tác quản lý, bảo tồn các giá trị di sản hiện nay, cộng đồng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Di sản văn hóa Mỹ Sơn được phục dựng và hồi sinh có một phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng. Ảnh: T.M
Di sản văn hóa Mỹ Sơn được phục dựng và hồi sinh có một phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng. Ảnh: T.M

Hiểu rõ và ý thức sâu sắc về điều đó nên trong những năm qua, huyện Duy Xuyên, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm gìn giữ di sản quý giá này. Trong đó, hai biện pháp cơ bản, không thể thiếu và có tính quyết định là giáo dục, tuyên truyền về di sản và chia sẻ lợi ích từ di sản để không chỉ hạn chế, loại bỏ sự tác động bất lợi của cộng đồng mà còn làm cho cộng đồng tích cực bảo vệ, gìn giữ di sản.

Công tác tuyên truyền về giá trị di sản những năm qua được địa phương thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng các văn bản pháp luật như Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới năm 1972, Luật Di sản văn hóa Việt Nam năm 2001 và sửa đổi bổ sung năm 2009 và các văn bản liên quan qua hoạt động lễ hội, sinh hoạt cộng đồng.

Đặc biệt là đưa giáo dục di sản vào trường học bằng các hình thức như biên soạn giáo trình giảng dạy trong trường học thông qua các buổi học về di sản và sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Mỹ Sơn như “Em yêu di sản quê em”, thi vẽ tranh, thuyết trình, thuyết minh di sản...

Thông qua việc tuyên truyền hoạt động của các chuyên gia đang thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn và trùng tu di tích, đã tác động đến nhận thức của cộng đồng, những chủ nhân thực thụ của di sản trong việc chung tay gìn giữ tài sản chung này. Chính hình ảnh các chuyên gia đến từ các quốc gia xa xôi như Ấn Độ, Nhật Bản, Italia với tấm lòng, nhiệt huyết đã truyền tình yêu, lòng tự hào và trách nhiệm cho cộng đồng trong giữ gìn di sản.

 Bên cạnh công tác tuyên truyền, việc gắn cộng đồng cùng tham gia quản lý, gìn giữ và chia sẻ lợi ích có vai trò hết sức quan trọng trong quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn. Huyện Duy Xuyên, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn luôn quan tâm, tạo môi trường, điều kiện để cộng đồng tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Từ việc ưu tiên trong tuyển dụng con em địa phương vào làm việc tại ban quản lý đến việc quan tâm công tác đào tạo, dạy nghề trùng tu để người dân địa phương, phần lớn là nông dân tham gia trực tiếp vào các dự án trùng tu di tích. Đặc biệt là chia sẻ lợi ích từ việc phát huy giá trị di sản mang lại.

Ngoài hỗ trợ trực tiếp, các hoạt động hỗ trợ, đóng góp xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng địa phương xung quanh vùng di sản cũng được quan tâm chăm lo thông qua các hoạt động hỗ trợ kinh phí, văn hóa văn nghệ như biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm (do Phòng Văn hóa nghệ thuật, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn thực hiện). Những biện pháp tích cực và có ý nghĩa trên đã mang lại những kết quả hết sức tích cực. Việc bảo tồn, gìn giữ di sản Mỹ Sơn đã thực sự có sự chung tay, đóng góp của cộng đồng.

H.THƠ - T.MINH