“Di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận - Quảng Nam”

TRẦN VŨ 23/05/2021 17:04

Tại TP.Phan Rang, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận và Bảo tàng Quảng Nam vừa phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận - Quảng Nam”.

Các chuyên gia nghiên cứu văn hóa Chăm tìm hiểu về hiện vật tại gian trưng bày Quảng Nam. Ảnh: T.V
Các chuyên gia nghiên cứu văn hóa Chăm tìm hiểu về hiện vật tại gian trưng bày Quảng Nam. Ảnh: T.V

Diễn ra từ ngày 16.4 đến hết 15.5, cuộc trưng bày chuyên đề được bố trí thành hai phần riêng biệt, theo chủ đề nội dung cụ thể. Theo đó, Di sản văn hóa Ninh Thuận ở tầng trệt, với hàng trăm hình ảnh, hiện vật tiêu biểu về các di tích Chăm, phong tục tập quán, lễ hội, nhạc cụ, thư tịch, dụng cụ sinh hoạt, trang phục truyền thống, công cụ lao động sản xuất, săn bắt, sản phẩm nghề dệt thổ cẩm, sản phẩm chum, ché của nghề làm gốm thủ công…

Di sản văn hóa Quảng Nam được bố trí ở tầng 1, trưng bày 33 hình ảnh và 45 hiện vật tiêu biểu, gồm tượng, phù điêu, ngói, trang trí góc được sưu tầm từ các di tích, quang cảnh các cuộc khai quật, trùng tu bảo tồn di tích trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tượng nam thần, kinnari, kinnara và hai phiên bản Bảo vật quốc gia đầu tượng thần Shiva và Ekamukhalinga lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng Ninh Thuận.

Ông Lê Xuân Lợi - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Các hiện vật Quảng Nam mang đi trưng bày lần này rất có giá trị, tôi nhìn thấy nhiều nét hoa văn, đề tài trên phù điêu khá tương đồng với trang trí trên đồ gốm của người Chăm”.

Nhà nghiên cứu Đàng Năng Thọ - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Tôi nghiên cứu rất nhiều về văn hóa Chăm, nhưng những bức tượng, phù điêu ở đây lần đầu tiên được chiêm ngưỡng. Nói về tượng và phù điêu trang trí thì Di tích Chiên Đàn (Phú Ninh) là bậc thầy, đến bây giờ vẫn còn là ẩn số, phải đọc cho nhiều, tiếp cận đa chiều thì mới hiểu được phần nào”.

Cũng tại gian trưng bày này, bức ảnh “Mô hình lợp mái ngói Chămpa” do TS. Ishii Ryota - Trường Đại học Tokyo làm để tham khảo, dựa vào tư liệu Bảo tàng Quảng Nam lưu giữ, để lại nhiều ấn tượng cho khách tham quan. “Có rất nhiều người Nhật đam mê văn hóa Chăm. Hy vọng rằng, qua bức ảnh, ít nhiều để lại cho chúng ta suy ngẫm, từ đó thôi thúc niềm đam mê nghiên cứu khoa học của lớp trẻ hôm nay” - ông Đàng Năng Thọ nói.

TRẦN VŨ