Cát Lái ghe bầu

LÊ VĂN CHƯƠNG 09/05/2021 06:28

Ghe bầu xuôi ngược từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi để chở muối ra Đà Nẵng, sau đó chở lu, thạp, hành từ Huế vào Quảng Ngãi; có lúc vào tận Đồng bằng sông Cửu Long. Con thuyền thường đi qua những khu vực rất nguy hiểm như mũi Ba Làng An, mũi Dinh, Đá Vách… Vì vậy giới Cát Lái phải thuộc làu những câu vè mô tả định vị để xác định đường bờ biển, bãi ngầm, đảo phía chân trời.

Hình ảnh chiếc ghe bầu được nhà sản xuất bưu thiếp Albert Pélissier in trong những con tem. Ảnh tư liệu
Hình ảnh chiếc ghe bầu được nhà sản xuất bưu thiếp Albert Pélissier in trong những con tem. Ảnh tư liệu

Vang bóng

Năm 1950, làng Nguyễn Chỉ nằm ở bờ bắc dẫn ra cửa biển An Hòa là một vùng quê nghèo, nửa nông nửa biển. Ông Lương Văn Ngao (SN1921) cùng với thợ thuyền thường chuẩn bị mở biển đi buôn vào dịp đầu năm.

Ở những cửa biển tiếp nhận hàng hóa như Faifo, Tourane, Sa Huỳnh, Thuận An, chiếc ghe bầu chở trăm tấn hàng hóa mỗi khi khởi hành thì phải huy động cả xóm ra “hích”. Người ta buộc dây trước mũi và vòng ra những con quay, cột tre ở ven bờ rồi “hò dô” để di chuyển ghe. Khi có đà thì tiếng hò dô càng to hơn để trên ghe chèo, buồm ưng, buồm lòng bật ra.

Ông Lương Văn Chi với di ảnh cha Lương Văn Ngao, người từng cầm lái ghe bầu. Ảnh: Văn Chương
Ông Lương Văn Chi với di ảnh cha Lương Văn Ngao, người từng cầm lái ghe bầu. Ảnh: Văn Chương

Ghe bầu rời cửa biển An Hòa để bắt đầu xuôi vào Quảng Ngãi chở muối thì không cần phải huy động trăm người để “hích”, vì ghe có khi rỗng bụng trong ngày khởi hành. Những người lái ghe bầu thường được dân gian gọi là Cát Lái.

Ông Lương Văn Ngao, người có những chuyến đi ngao du khắp nơi, từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi, ra Huế là một trong những người cầm lái ghe bầu. Mỗi chuyến đi về, người ta ngồi nghe ông kể đủ chuyện và ông Hoàng Lụa (Lê Hoàng) lại ngồi hóng chuyện để lưu lại những câu hò vè dễ nhớ, dễ thuộc, truyền lại cho cả làng.

“Chiều chiều mà vác lưới xuống ghe/ Gạo, nước, muối, chè, vợ ghánh mang theo/ Ơ… nhổ sào xuống lái thẳng lèo/ Gió trong thổi mạnh gác chèo mà chạy ra…ơ…hò là hò ơi!”.

Những câu vè mà cụ Hoàng từng sáng tác đã phác họa hình ảnh chiếc ghe bầu, ghe đánh cá được chuẩn bị từ chiều hôm trước và khởi hành vào buổi sáng sớm. Dân chài hay nói “gió đất”, tức gió trong đất liền thổi ra biển từ lúc 4 giờ sáng, đó là lúc ghe bầu có thể xuất bến thuận lợi nhất, nương theo gió bờ để “gác chèo mà chạy ra”.

Đó là lúc vợ con của Cát Lái ngồi nhà chờ đợi chuyến đi thuận lợi trở về. Cát Lái thời đó được xem như có của ăn của để. Nhưng ở vào thời cuộc mà ai cũng nghèo khó thì cái giàu của Cát Lái cũng chả thấm vào đâu. Có những gia đình, khi Cát Lái ra đi thì vợ con ở nhà chỉ ăn củ qua ngày.

Cung đường trên biển

Làng Nguyễn Chỉ giờ đây là xã Tam Giang, huyện Núi Thành. Chuyện ghe bầu đã không mấy ai nhắc đến nữa. Những người lớn tuổi cố nhớ cũng chỉ tính ra được tên của vài người cầm lái ghe bầu thời đó là ông Huỳnh Phàn, Lương Văn Xiêm, Lương Văn Ngao.

Mỗi khi xuất bến, chiếc ghe bầu của ông Ngao thường đi về cửa biển Sa Huỳnh nằm cuối tỉnh Lê Trung Đình (sau này là Quảng Ngãi), là nơi có vựa muối Tân Diêm, chỉ đứng thứ 2 sau vựa muối Đề Gi của Bình Định. Khi ghe vào cửa Sa Huỳnh, các ông lái đều dừng lại ở bờ đông cửa biển, vào dinh bà Thánh Ngọc Thiên Y A Na nằm ngay chân núi để trình báo và cúng lễ vật.

Những bậc cao niên ở cửa biển Sa Huỳnh từng kể lại rằng, ghe bầu Quảng Nam vào cửa thì Cát Lái đều khấn vái sì sụp, thể hiện lòng thành vì bà đã phò trợ cho chiếc ghe xuôi ngược trên biển thuận lợi. Tùy theo điều kiện kinh tế mà mỗi ông lái dâng lễ vật có giá trị khác nhau, nhưng nhiều người thể hiện lòng thành bằng cách quàng vào cổ bà một sợi dây chuyền vàng để trả lễ. Miếu bà nổi tiếng linh thiêng nên không ai dám hỗn xược, tính chuyện thu vén lễ vật.

Ông Lương Văn Chi (SN 1945), là một trong 10 người con của cụ Lương Văn Ngao kể về cuộc đời trên biển của cha mình bằng những đoạn ký ức chắp nối. Cụ ra Huế chở các loại sản vật và chum, ché cao cấp của đất kinh thành để cung cấp cho các vùng miền dọc biển; ghé vào các cửa biển để chở sản vật của các địa phương, như củ sắn ở cửa biển Mỹ Á (Quảng Ngãi); chở đường mía, bánh kẹo ở làng Thu Xà… Quảng Ngãi sau năm 1945 là vùng tự do, nên chuyện đi buôn tới những vùng này ít nhiều cũng sẽ gặp rắc rối với quan Pháp. Cuối đời ông sống lận đận bởi giặc liên tục dò xét, bắt giam vì đã tiếp tế cho Việt Minh.  

Cẩm nang đi biển

Giới Cát Lái thì ai cũng thuộc bài vè mô tả địa danh, kèm theo “thông tin cảnh báo để tránh bị mắc cạn”: “Kể từ Cát Lái đi buôn/ Anh em ngồi buồn gác bút ngân nga/ Kể từ Nam Định kể ra/ Anh em thuận hòa bắt Huế kể vô”.

Khi ghe bầu tới cửa biển Đà Nẵng, giới Cát Lái lại nhắc những câu vè định hướng cho ghe: “Cửa Hàn còn ở trong xa/ Trước mũi Sơn Trà lại có con nghê”. Khi đi qua cửa An Hòa, những câu vè lại được gióng lên “Ôm ấp Hà Bứa có rạng trời sinh/ Bàn Than cửa sễ mà xuống kinh An Hòa…”. Khi ghe bầu qua tới điểm giáp ranh với Quảng Ngãi hiện nay là Dung Quất, Cát Lái sẽ nhắc câu “Thái Cần, Châu Ổ bao xa/ Phía trong cây quýt mà ngoài đà tổng binh”.

Bài vè khoảng 150 câu phổ biến tới mức, nếu thời trước đi dọc các làng biển rất nhiều người thuộc. Bởi vào dịp tết, ngày lễ bài vè đi biển bao giờ cũng là tiết mục không thể thiếu trên sân khấu dân gian.

Ông Trần Đình Chơi ở quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng là người còn thuộc khoảng 20 câu; cụ Nguyễn Đình Huân ở Cửa Lỡ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi thuộc khá nhiều, ông Lương Văn Chi ở xã Tam Giang thuộc khoảng 20 câu.

Đến thời tàu cá được trang bị máy móc và sứ mệnh của ghe bầu kết thúc thì các thuyền trưởng có cần những câu vè này? Năm 1999, ông Lương Văn Tiền (ở Tam Giang) cầm lái chiếc thuyền chở ngư dân đi đánh cá và bị “dính” bão. Hàng chục ngư dân khóc lóc vì sức đã đuối mà sóng biển thì mỗi ngày một dữ hơn. Khi chạy ngang qua gần khu vực đèo Hải Vân, ông định cho thuyền tạt vào một eo biển mà trông xa thấy êm sóng.

Nhưng ngư dân trên thuyền chợt nhớ ra trong bài vè này có đoạn “Chỗ này Bãi Chuối, Hang Dơi/ Xưa nay cửa bể là nơi gió lò”. Ông Tiền kể rằng, mọi người hét to và nhắc 2 câu vè này có nhắc đến từ “gió lò”, có nghĩa là vô thì bỏ mạng vì gió. Ông Tiền vội cho thuyền đi chệch ra hướng đảo Lý Sơn cầm cự với bão gió, vì vậy cả đội ngư dân đều thoát nạn trở về.

LÊ VĂN CHƯƠNG