Đi tìm lò gốm xưa

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 02/05/2021 07:35

Lâu nay nhiều người biết đến làng nghề truyền thống gốm sứ nổi danh Thanh Hà (Hội An), La Tháp (Duy Hòa, Duy Xuyên). Thế nhưng ngay trên đất Quế Long (Quế Sơn), chứng tích về làng nghề này vẫn còn, cần sớm được khoanh vùng bảo vệ, nghiên cứu, góp phần làm đầy nguồn tư liệu hành trình phát triển của xứ Quảng.

Vòm cong còn lại của một lò gốm ở Quế Long. Ảnh: T.H
Vòm cong còn lại của một lò gốm ở Quế Long. Ảnh: T.H

Nhắc đến xứ Quảng với nghề làm gốm chắc rằng người địa phương cả khách xa chỉ biết đến làng nghề truyền thống làm gốm Thanh Hà (TP.Hội An) và lò gốm sành sứ La Tháp ở Duy Hòa, Duy Xuyên vang bóng một thời.

Hôm nay, làng gốm Thanh Hà vẫn tiếp tục đỏ lửa với nhiều sản phẩm gia dụng và có thêm đồ mỹ nghệ phục vụ khách du lịch. Nhưng khi đọc “Chuyện làng nghề đất Quảng” của Phạm Hữu Đăng Đạt (NXB Đà Nẵng 2002) với nghề làm gốm thì quá thích thú với nhiều lò gốm từ biển lên núi, như lò ở chợ Nồi Rang (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) đến Bình Định (Thăng Bình) lên Quế Long (Quế Sơn)…

Các làng nghề gốm đã được Phạm Hữu Đăng Đạt kể lại khá chi tiết nhưng khi tôi tìm lại thực tế của nơi sản xuất thì chỉ còn là câu chuyện. Như chuyện tôi đã kể cho vài người về làng gốm tự cung tự cấp của cộng đồng người Cơ Tu ở thôn Cơnoong, xã Ch’Ơm của huyện Hiên ngày ấy (nay thuộc huyện Tây Giang).

Đó là vào năm 1985, tôi tình cờ thấy người phụ nữ đang nắn các nồi đất cùng sản phẩm đã hoàn chỉnh trên độ cao gần 1.400m so với mực nước biển. Tất cả vẫn là câu chuyện kể lại.

Mảnh gốm tráng men có hoa văn được tìm thấy tại các lò gốm xưa ở Quế Long.
Mảnh gốm tráng men có hoa văn được tìm thấy tại các lò gốm xưa ở Quế Long.

Tôi có anh bạn ở Quảng Ngãi dựng ngôi nhà theo kiểu truyền thống với mong muốn sưu tầm trưng bày đồ gốm xưa. Thật may mắn và bất ngờ khi các anh thợ mộc làm nhà đồng ý giúp. Thế là tôi cùng chủ nhà từ Quảng Ngãi được các anh dẫn về quê ở Quảng Nam để mục sở thị lò gốm xưa. Trên lưng chừng đồi của chân Đèo Le thuộc xã Quế Long, vườn trồng keo của anh thợ mộc Võ Văn Nho khoảng chừng thế kỷ trước là nơi được xây lò làm gốm.

Chi tiết lỗ thông khí trong lòng thành lò gốm ở Quế Long. Ảnh: T.H
Chi tiết lỗ thông khí trong lòng thành lò gốm ở Quế Long. Ảnh: T.H

Người xưa xây lò bằng cách đào vào thân đồi, tựa vào địa hình nên thân lò nghiêng theo độ dốc của đồi, miệng lò nhỏ, phình ở bụng và nhỏ lại ở đuôi. Tạm thời đo vẽ có kích thước chiều dài của lò khoảng 20m, bụng lò 1,4m, miệng và đuôi lò thu nhỏ 1,2m. Cửa lò lấy gió vào từ hướng đông nam và đất sét trắng (cao lanh) là nguyên liệu chính khai thác từ núi như Hòn Ngang, nằm phía tây bắc, cách lò khoảng 2km.

Nguyên liệu đất sét trắng khi mang về được tập kết gần con suối, hồ nước trên đường đến lò và cho vào cối giã, gia công trước khi làm thành sản phẩm. Thông tin thêm từ anh Võ Văn Nho và anh Trần Tuấn, lò này lấy tên của ông chủ người Hoa là Hãn, nên gọi là lò ông Hãn.

Cách đó không xa về hướng đông nam có một lò được xây ở gần con suối (nay là hồ thủy lợi), đỏ lửa đến trước năm 1978. Hiện vòm cong của lò vẫn còn một đoạn, cùng một số chi tiết khác; chiều dài lò ước tính hơn 40m.

Nhưng thú vị hơn là để nung gốm người làm nghề ở địa phương đã không chặt cây rừng mà đốt lò bằng cây lòng bong - giống cây dương xỉ - mọc trong vùng. Quan sát bao nung cùng các mảnh gốm là đồ phế phẩm, nhận thấy đây là dòng gốm tráng men và có vẽ hoa văn với men lam. Lò có niên đại hơn 100 năm, phù hợp với lời kể của ông Tuấn (62 tuổi) rằng bà nội ông ngày trước lấy chén bát từ lò ông Hãn gánh bán vào tận chợ Được, Thăng Bình.

Câu chuyện và thực tế việc tìm lò gốm sản xuất đồ gia dụng hằng ngày, cả đồ có tráng men (gọi nôm na là đồ sứ) gợi cho ta nhiều suy nghĩ. Phải chăng đây là lò ở địa phương miền núi và sản phẩm khó đi xa, chỉ cung cấp một vùng nhỏ, chủ yếu ở miền trung du. Các lò này nằm cách xa với sành sứ La Tháp, gốm sứ Thanh Hà, đặc biệt không thuận lợi với giao thông đường thủy…

Qua 550 năm xứ Quảng, văn minh vật chất của làng nghề với nghề gốm tạo sản phẩm phổ biến là đồ gia dụng thì các lò tại Quế Long (Quế Sơn) đã từng đóng góp. Với những giá trị nêu trên, Quảng Nam cần cấp thiết khoanh vùng bảo vệ di tích này. Đồng thời có những đánh giá, nghiên cứu phát triển du lịch, như đã làm thành công ở làng gốm Thanh Hà.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ