Lan tỏa tiết đọc hạnh phúc

QUỐC TUẤN 24/04/2021 17:04

(QNO) - Chỉ vỏn vẹn một ngày, nhưng những tiết đọc hạnh phúc (hay chương trình xây dựng ngôi trường hạnh phúc) mà Dự án văn hóa đọc thực hiện đã để lại ấn tượng sâu sắc, khơi gợi niềm say mê đọc sách cho học sinh và cả thầy cô.

Học sinh đọc sách trong tiết đọc hạnh phúc. Ảnh: Q.T
Học sinh đọc sách trong tiết đọc hạnh phúc. Ảnh: Q.T 

Đạo đức, nghị lực, trí tuệ

Ngày thứ Sáu khác với mọi ngày. Những cô cậu học trò hồn nhiên ở Trường Tiểu học Đỗ Trọng Hường (phường Cửa Đại, TP.Hội An) lần đầu được tiếp cận với tiết đọc hạnh phúc. Không có khoảng cách giữa người dẫn chuyện và học sinh. Đọc mà chơi, chơi mà đọc. Một bầu không khí hào hứng được các thành viên của Dự án văn hóa đọc tạo ra để khơi gợi niềm say mê đọc của các bạn nhỏ. 

Từ những chi tiết, hình tượng gần gũi trong đời sống thường nhật, các em được dẫn dắt đến câu chuyện liên quan tới các nhân vật trong bộ sách “Gieo hạt cùng vĩ nhân” để tự các em cảm nhận, đúc kết được nguyên nhân, kết quả của câu chuyện, từ đó có cách ứng xử, tiếp cận phù hợp nếu va chạm trong thực tế.

Niềm vui của các em khi được tương tác trong tiết đọc hạnh phúc. Ảnh: Q.T
Niềm vui học sinh khi được tương tác trong tiết đọc hạnh phúc. Ảnh: Q.T 

Ba điều mà Dự án văn hóa đọc muốn truyền tải, trang bị cho học sinh khi đọc sách  có chọn lọc chính là đạo đức, nghị lực và trí tuệ.

Bà Trần Thị Mỹ Dung - trưởng nhóm Dự án văn hóa đọc chia sẻ, nhóm có một ước mơ là xây dựng và lan tỏa văn hoá đọc. Khi đó, cả gia đình cùng đọc, cùng tư duy sâu sắc về nguyên nhân, kết quả của vấn đề và nhà trường, gia đình chính là nơi noi gương đọc sách cùng con. 

Chương trình xây dựng văn hóa đọc với chủ đề “Mở trang sách - mở tương lai” được Dự án văn hóa đọc (Công ty TNHH Giáo dục Giác Ngộ, TP.Hồ Chí Minh) tổ chức tại Quảng Nam và TP.Đà Nẵng từ ngày 20 đến 28.4.

Tại Quảng Nam, dự án triển khai tại Trường THCS Phan Bội Châu (Đại Lộc) và Trường Tiểu học Đỗ Trọng Hường trong ngày 22 và 23.4.

Là khoảng lặng kèm theo âm nhạc du dương để các em tự cảm nhận câu chuyện trong sách. Là sự xúc động của các em khi trải nghiệm ứng xử của con người với thiên nhiên, con người với sinh vật và con người với con người. Là sự nấn ná, tiếc nuối khi tiết đọc kết thúc. Phần lớn các em đều yêu thích sách, điều quan trọng là làm sao khơi gợi và nhân lên sự say mê đó mỗi ngày…

Kiến tạo tiết học hạnh phúc

Khi Dự án văn hóa đọc rời đi, giáo viên chính là chủ thể quan trọng để tương tác, khơi gợi niềm say mê đọc sách cho học sinh mỗi ngày. Một khi từ hiệu trưởng, giáo viên bộ môn đến cô thủ thư đều sôi nổi trao đổi, phác thảo về kế hoạch xây dựng trường học hạnh phúc thì rõ ràng hoạt động của Dự án văn hóa đọc ít nhiều đã đem đến sự mới mẻ hay các kỹ năng mà lâu nay giáo viên không mấy khi trau dồi.

Giáo viên hào hứng khi tiếp cận các kỹ năng xây dựng ngôi trường hạnh phúc. Ảnh: Q.T
Giáo viên hào hứng khi tiếp cận các kỹ năng xây dựng ngôi trường hạnh phúc. Ảnh: Q.T 

Bà Trần Thị Mỹ Dung cho rằng: “Khi giáo viên chưa có hành động mô phỏng thì các em khó cảm nhận được sự yêu thương, nghị lực. Chính thầy cô cũng cần phải kiểm soát cảm xúc riêng, không để cảm xúc tiêu cực truyền đến học sinh”.

Chơi, đọc sách, đúc kết. Chính giáo viên là những người sẽ kiến tạo tiết học hạnh phúc nên cần phải đổi mới tư duy, tăng cường tương tác với các em nhiều hơn thì mới có thể tạo ra sự hứng khởi trong mắt học sinh.

Học sinh cần được dẫn dắt và tạo sự thoải mái qua các câu chuyện để dần có sự hứng thú với sách. Ảnh: Q.T
Học sinh cần được dẫn dắt và tạo sự thoải mái qua các câu chuyện để dần có hứng thú với sách. Ảnh: Q.T 

Thầy Đặng Bảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đỗ Trọng Hường cho biết, chương trình thực sự giúp thầy cô của trường có chuyển biến về nhận thức trong cách hướng dẫn học sinh cách đọc sách.

“Trước đây, học sinh chỉ tự đọc vậy thôi, còn bây giờ có người hướng dẫn để biết nội dung, rút ra bài học. Cái được nhất là các em rất phấn khởi. Chắc chắn trong thời gian tới, các em sẽ đến thư viện thân thiện của trường để tìm hiểu sách ngày một nhiều hơn”.

QUỐC TUẤN