Phát triển sự nghiệp văn hóa Quảng Nam: Khơi dậy sức mạnh nội sinh

XUÂN HIỀN 14/04/2021 08:21

Một nền văn hóa đậm đà bản sắc làm nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm để thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương... là mục tiêu đặt ra một khi Nghị quyết về phát triển sự nghiệp văn hóa Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, được ban hành. Hội nghị lần thứ 3, Tỉnh ủy khóa XXII, khai mạc hôm nay 14.4 sẽ thảo luận, xem xét dự thảo nghị quyết về nội dung này.

Cơ chế tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh đã “cứu nguy” cho khá nhiều di tích, đặc biệt đối với các di tích, phế tích Chăm. TRONG ẢNH: Trùng tu nhóm tháp A ở di tích Mỹ Sơn. Ảnh: X.H
Cơ chế tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh đã “cứu nguy” cho khá nhiều di tích, đặc biệt đối với các di tích, phế tích Chăm. TRONG ẢNH: Trùng tu nhóm tháp A ở di tích Mỹ Sơn. Ảnh: X.H

HIỆU ỨNG TỪ CÁC QUYẾT SÁCH

Những giá trị đặc trưng của văn hóa xứ Quảng đã được bảo tồn và phát huy khá tốt trong thời gian qua, bằng những quyết sách cụ thể. 

Phát huy giá trị đặc trưng

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng nguồn vốn bố trí cho sự nghiệp phát triển văn hóa trên địa bàn Quảng Nam khoảng 600 tỷ đồng, đầu tư lồng ghép từ nhiều nguồn vốn, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu khoảng 95 tỷ đồng, còn lại từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách địa phương.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa trên địa bàn Quảng Nam được nhìn nhận có nhiều thành quả tích cực, tạo được hiệu ứng lan tỏa trong toàn xã hội. Đặc biệt, góp phần rất lớn trong sự phát triển chung của toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất và con người Quảng Nam biểu hiện trong việc cố kết cộng đồng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khích lệ tình yêu quê hương, đất nước.

“Nhiều phong trào, cuộc vận động văn hóa được thực hiện và có những thành tựu nhất định, góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, gắn với công cuộc bảo tồn văn hóa truyền thống. Các sản phẩm văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng bên cạnh những nỗ lực bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày một nâng cao” - ông Nguyễn Thanh Hồng nói.

Giai đoạn 2015 - 2020, diện mạo văn hóa xứ Quảng được phác họa ngày càng rõ nét với các điểm nhấn nghiêng về chiều hướng tích cực. Hàng loạt sự kiện, hoạt động văn hóa tạo dấu ấn với du khách trong và ngoài nước cũng như đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân sở tại.

Trong giai đoạn này, Quảng Nam ban hành khá nhiều đề án, quy hoạch, kế hoạch nhằm định hướng phát triển trên lĩnh vực văn hóa. Từ đề án xây dựng và phát triển trung tâm VH-TT cấp xã, cơ chế hỗ trợ cho nghệ sĩ, diễn viên, tuyên truyền viên của đội tuyên truyền lưu động trên địa bàn tỉnh, đề án tu bổ cấp thiết di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, cho đến các Quy định về hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu viết về Quảng Nam, Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh...

Quảng Nam hướng đến xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa gắn với gìn giữ, lan tỏa giá trị, bản sắc. Ảnh: X.H
Quảng Nam hướng đến xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa gắn với gìn giữ, lan tỏa giá trị, bản sắc. Ảnh: X.H

Tại cấp cơ sở, rất nhiều địa phương đã xây dựng chương trình mục tiêu về xây dựng môi trường văn hóa, thúc đẩy sự nghiệp văn hóa phát triển. Mỗi vùng miền tùy vào hoàn cảnh lịch sử, điều kiện địa phương… có những chương trình hành động phù hợp. Và một cuộc “phục hưng” trong lĩnh vực văn hóa tại Quảng Nam nhiều năm gần đây diễn ra rộng khắp. Từ việc tạo ra những môi trường diễn xướng chuyên nghiệp, không chuyên hay dựng nên những sân chơi với hình thức “hội diễn quần chúng”, vực dậy những làng nghề truyền thống.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam cho biết, từ những hỗ trợ mang tính thiết thực, nhiều làng nghề được hồi sinh, góp thêm vào “kho vốn liếng” đặc sản của Quảng Nam nhiều sản phẩm mang hồn cốt xứ sở. Song song đó, hệ thống thiết chế được đầu tư đồng bộ khi cả 18 địa phương cấp huyện có trung tâm văn hóa và 215 xã phường thị trấn thành lập được các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của cộng đồng.

Thống kê từ Sở VH-TT&DL, hằng năm cấp huyện tổ chức khoảng 300 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, cấp xã có đến 1.000 hoạt động liên quan. 

Văn hóa tạo đà phát triển

Ngành công nghiệp văn hóa của Quảng Nam dần được hình thành và nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư, trong đó, những sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, dịch vụ được chú trọng phát triển. Chính từ đây, chất lượng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại các khu di sản văn hóa thế giới và cả tại nhiều địa phương như TP.Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành... được nâng lên, đa dạng về hình thức lẫn nội dung. Đã có nhiều địa phương thu lợi từ chính hoạt động văn hóa cũng như nhiều doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm văn hóa ra đời, góp phần rất lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của địa phương. 

Quảng Nam là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước có cơ chế riêng đối với công tác bảo tồn trùng tu di tích. Bắt đầu từ năm 2011, cơ chế “tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh” với tổng kinh phí 36,5 tỷ đồng đã “cứu nguy” cho khá nhiều di tích, đặc biệt đối với các di tích, phế tích Chăm. Cho đến năm 2016, khi trung ương bắt đầu “khoán trắng” cho địa phương, thì Quảng Nam đã linh động xây dựng cơ chế “tu bổ di tích quốc gia và cấp tỉnh” giai đoạn 2016 - 2020. Đây cũng chính là nội dung của Nghị quyết 161 do HĐND tỉnh ban hành hồi năm 2015, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 80 tỷ đồng.  Trong đó, có 74 di tích quốc gia và cấp tỉnh xuống cấp nằm trong danh mục tu bổ, gồm các di tích kiến trúc Chăm, di tích lịch sử cấp quốc gia, các kiến trúc đình, nhà thờ, đài tưởng niệm cấp quốc gia...

Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam nói, cơ chế tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh 2011 - 2015 đã tạo đà cứu nguy các di tích, đồng thời cũng làm nền để ngành văn hóa tiếp tục nhận được sự ủng hộ thông qua đề án tu bổ di tích giai đoạn 2016 - 2020. Đây là điều đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với các di tích văn hóa.

Ở Quảng Nam, đến thời điểm này có thể khẳng định rằng không có một di tích cấp tỉnh nào xuống cấp mà không có tiền để tu sửa. Hồi tháng 9.2020, HĐND tiếp tục ban hành Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 161 về hỗ trợ đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, cơ chế này được điều chỉnh đến hết tháng 12.2021, và tăng mức vốn đầu tư từ 80 tỷ lên hơn 87 tỷ đồng. 

Chú trọng đến vai trò của văn hóa trong dòng chảy của đời sống, Quảng Nam đã nhận chân được tinh hoa của vùng đất để có cách phát huy hợp lý.

ĐẦU TƯ SÂU CHO VĂN HÓA

Dù được nhìn nhận là địa phương có nhiều quan tâm đến sự nghiệp văn hóa, nhưng đến nay, Quảng Nam mới tính toán ban hành một nghị quyết chuyên đề về văn hóa...

Nghị quyết phát triển sự nghiệp văn hóa nếu được ban hành sẽ là cú hích làm thay đổi diện mạo của văn hóa Quảng Nam. Ảnh: X.H
Nghị quyết phát triển sự nghiệp văn hóa nếu được ban hành sẽ là cú hích làm thay đổi diện mạo của văn hóa Quảng Nam. Ảnh: X.H

Xây dựng nghị quyết chuyên đề

Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3, khai mạc hôm nay 14.4, dự thảo nghị quyết về phát triển sự nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ được mang ra luận bàn. Mục tiêu vẫn nhằm xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam hướng đến gìn giữ, lan tỏa giá trị, bản sắc văn hóa với việc không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa cũng như thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền và giai tầng trong xã hội. Thực hiện tốt mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, gắn văn hóa với phát triển du lịch, dịch vụ nhưng đảm bảo không tận dụng khai thác triệt để giá trị kinh tế của văn hóa.

Dự thảo nghị quyết đưa ra mục tiêu cụ thể trong các lĩnh vực về bảo tồn bảo tàng với 100% di tích xuống cấp được đầu tư; xây dựng đô thị di sản Hội An; hoàn thiện quy hoạch và bảo tồn, phát huy giá trị di tích Phật viện Đồng Dương. Ở nhóm mục tiêu này, nghị quyết đưa ra yêu cầu về nâng cao chất lượng hoạt động, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác trưng bày, hướng bảo tàng trở thành nơi thu hút du khách. Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được ưu tiên cũng như có cơ chế, chính sách bảo tồn giá trị di sản của đồng bào dân tộc thiểu số...

Ở hạng mục nghệ thuật biểu diễn, nghị quyết yêu cầu tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và có cơ chế trong tuyển dụng đối với nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca kịch Quảng Nam. Các đơn vị biểu diễn ngoài công lập được yêu cầu cần ban hành chính sách hỗ trợ. Các lĩnh vực thư viện, điện ảnh, mỹ thuật - nhiếp ảnh - triển lãm, quảng cáo tuyên truyền, văn học nghệ thuật, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa đều cần được bố trí nguồn lực, xây dựng đề án quản lý hoặc có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển.

Tránh rơi vào hình thức

Bà Nguyễn Thị Thu Lan - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, từ khi tái lập tỉnh đến nay, tỉnh chưa ban hành một nghị quyết chuyên đề nào về văn hóa, chỉ có các chương trình hành động. Do đó, theo bà Thu Lan, cần đánh giá lại tất cả tồn tại, khó khăn trong lĩnh vực này; nguồn lực, kinh phí sẽ thực hiện như thế nào, nhiều hạng mục nhiều chỉ tiêu cụ thể... Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nghị quyết lần này cần rút kinh nghiệm từ các nghị quyết đã ban hành, xem xét tính khả thi của các hạng mục để tránh rơi vào hình thức. 

Trong khi đó, ở hạng mục về Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, khi dự thảo nghị quyết đưa ra con số đến năm 2025 có 90% số hộ gia đình, tổ, thôn khối phố đạt các danh hiệu văn hóa... thì gặp nhiều ý kiến trái chiều. Đại diện nhiều sở ngành và địa phương yêu cầu ngành văn hóa cần tổ chức một hội nghị chuyên đề về tính thực tiễn của phong trào này, liệu đã đến lúc cần một hoạt động khác thay cho việc tiếp tục kêu gọi và xây dựng các chỉ tiêu danh hiệu trong phong trào này? Đây là nội dung cần xem xét khi nghị quyết về phát triển sự nghiệp văn hóa Quảng Nam được ban hành.

Mới đây, Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An được ban hành. Quy chế này đưa ra các tiêu chí chặt chẽ trong việc cộng đồng cùng tham gia bảo tồn các khu vực có di tích. Cùng với đó, Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đã được UBND yêu cầu các địa phương thực hiện.

Theo chương trình này, hằng năm cần có ít nhất 2 - 3 mô hình điểm về xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời có ít nhất 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa và ít nhất 44 xã nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển du lịch, 1 huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển cảnh quan môi trường nông thôn gắn với phát triển du lịch... Đây chính là hướng gợi mở để bắt nhịp cho một phong trào văn hóa theo hướng gần gũi với đời sống cộng đồng, cộng đồng có thể hưởng lợi từ chính ý thức về xây dựng gia đình văn hóa hay các danh hiệu khác...

ĐIỂM RƠI NGUỒN NHÂN LỰC

Quan điểm đầu tư mạnh cho văn hóa từ việc xem xét ban hành nghị quyết chuyên đề được nhiều địa phương ghi nhận sẽ là tin vui. Tuy nhiên, nguồn lực về con người vẫn là điều khiến nhiều nơi loay hoay...

Thực trạng thiếu nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa là điều Quảng Nam đối diện lâu nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thực trạng thiếu nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa là điều Quảng Nam đối diện lâu nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng phòng VH-TT TP.Tam Kỳ cho biết, hiện nay khó khăn nhất của ngành văn hóa Tam Kỳ vẫn là con người. “Một cán bộ văn hóa kiêm nhiệm rất nhiều việc. Ở cơ sở thì rất khó tìm ra người được đào tạo về văn hóa làm công tác này, đa số cũng là kiêm nhiệm. Văn hóa là một mảng rộng nhưng lại thiếu người làm” - ông Nguyễn Hữu Đắc nói.

Ông Đắc cũng nhìn nhận các thiết chế văn hóa của địa phương trong vài năm gần đây đang phát huy công năng khá tốt nhưng lại thiếu người đầu tàu để vận hành hoạt động chuyên sâu, do đó, các hoạt động vẫn chỉ ở mức cầm chừng.

“Tập trung cho văn hóa ở nhiều khía cạnh, trong đó, việc xây dựng nghị quyết về văn hóa sẽ thúc đẩy nhìn nhận về văn hóa phải khác đi, để người dân thấy chiều sâu và vai trò của văn hóa. Theo tôi, đầu tư cho văn hóa cần cả về cơ sở vật chất lẫn nhận thức. Có nghị quyết sẽ như có một cái gậy để các địa phương hành động. Trong đó, hẳn phải ưu tiên đầu tư nguồn lực về con người làm văn hóa” - ông Đắc nói. 

Báo cáo tổng kết nhiệm vụ phát triển văn hóa trong 5 năm từ 2016 - 2020 của Sở VH-TT&DL cho biết, ở cấp huyện và xã, nhiều cán bộ làm văn hóa vẫn chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ trên các lĩnh vực liên quan. Dù đã bắt đầu nhận diện được tốc độ phát triển và đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa, tuy nhiên nhân lực để đáp ứng cho sự phát triển này vẫn còn là khoảng trống.

Tại các công trình văn hóa trọng điểm, vẫn thiếu người có hiểu biết chuyên sâu để làm việc. Đại diện một doanh nghiệp chuyên tổ chức sự kiện truyền thông cho biết, để tìm kiếm con em người Quảng Nam theo các khối ngành nghệ thuật hoạt động tại địa phương rất khó.

Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Thăng Bình chia sẻ, ngay ở địa phương, dù đã có nhiều công trình, dự án về du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, nhưng lực lượng lao động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn lại rất thiếu. Cùng với đó, khó khăn khi không có người làm công tác điền dã, nghiên cứu văn hóa ở góc độ chuyên sâu cũng là điều địa phương này đối diện.

“Hiện tại chúng tôi rất thiếu cán bộ văn hóa, chủ yếu vẫn kiêm nhiệm. Nhưng khó nhất là đội ngũ nghiên cứu, làm công tác sưu tập, kiểm kê văn hóa tại địa phương. Trong khi văn hóa làng biển tại Thăng Bình rất dày dặn, đa dạng và có lẽ vốn liếng này đang từng ngày mai một. Thế nhưng địa phương vẫn chưa có điều kiện để tổ chức sưu tầm, lưu giữ” - ông Hùng nói.

Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông cho rằng, thực trạng thiếu nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa là điều Quảng Nam đối diện lâu nay. Theo ông, sự thiếu vắng rõ nhất là các bộ môn chuyên ngành chuyên sâu như thanh nhạc, biểu diễn âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, múa, bảo tàng, thư viện, triển lãm, mỹ thuật, tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật… “Thực tế cho thấy, hoạt động văn hóa ở các huyện, thành phố trong tỉnh có quá nhiều cán bộ, viên chức thiên về quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa hơn là hướng dẫn công chúng “thực hành văn hóa” theo hướng chuyên sâu một bộ môn nghệ thuật” - ông Đông nói. 

Không chỉ vậy, khi xác định công nghiệp văn hóa sẽ phải là hướng đi sắp tới để phát huy được các giá trị đặc trưng của văn hóa Quảng Nam, thì nguồn lực đóng vai trò then chốt. Nhiệm vụ được ngành văn hóa nêu ra trong thời gian tới là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa.

Bên cạnh xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm, chất lượng cao, có khả năng dẫn dắt hoạt động văn hóa thì tiếp tục có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, những sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị gắn với vùng đất, con người Quảng Nam. Để làm được điều này, cần phải chuẩn bị một lực lượng lao động đủ cả về số lượng lẫn sở hữu tri thức về văn hóa mới mong bắt nhịp được sự phát triển này.

XUÂN HIỀN