Đại Lộc đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Phường Chào
(QNO) - Sáng 6.4 (nhằm 25.2 âm lịch), UBND huyện Đại Lộc tổ chức lễ công bố quyết định và đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Bà Phường Chào. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đến dự.
Theo truyền thuyết dân gian và gia phả tộc Nguyễn ở Phiếm Ái châu, Bà Phường Chào sinh ngày 25.2 năm Cảnh Thịnh bát niên (1800) tại làng Phường Chào (thuộc châu Phiếm Ái, nay là thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, Đại Lộc).
Khi Bà sinh có điềm lạ, khói trắng che phủ một vùng. Lớn lên trở thành người con gái đẹp người đẹp nết, thường bốc thuốc cứu người nhưng yểu mệnh. Và khi đã về cõi hư vô, Bà vẫn thường hiển linh, giúp đỡ dân lành, trừng trị kẻ ác. Nhờ Bà mà xóm vạn ghe ở Phiếm Ái châu bên dòng Vu Gia trở nên sầm uất, hưng thịnh. Nhân dân trong vùng lập dinh thờ Bà, gọi là Dinh Bà Phường Chào.
Tương truyền, năm Tự Đức thứ 5, Bà qua thôn Phước Ấm (xã Bình Triều, Thăng Bình) giúp dân lập chợ làm ăn phát đạt nên gọi là chợ Được. Vào năm Thành Thái thứ 6, Bà được phong “Dục Bảo Trung hưng Trung đẳng thần”. Đến năm Khải Định thứ 4, Bà được thăng từ “Trung đẳng thần” lên “Thượng đẳng thần”. Ngày 11 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhân dân vùng chợ Được rước Cộ Bà, nhằm ngày rước sắc phong thần cho Bà ngày trước.
Lễ hội cầu quốc thái dân an và rước kiệu Bà Phường Chào được nhân dân làng Khương Mỹ tổ chức vào ngày 25.2 âm lịch hằng năm. Năm nay, các hoạt động lễ hội diễn ra từ vài ngày trước như tổ chức trò chơi dân gian, hô hát bài chòi, đá bóng… Đêm 5.4 (24.2 âm lịch), địa phương tổ chức rước kiệu Bà với quy mô lớn và thả hoa đăng trên sông Vu Gia.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, Lễ hội Bà Phường Chào có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Nay được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, huyện sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ và nhân dân về việc gìn giữ, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, góp phần phát triển du lịch địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh, Lễ hội Bà Phường Chào là một hình thái lễ hội dân gian được hình thành từ khi người Việt ở phía Bắc di cư đến khai phá vùng đất mới vào thế kỷ XV, giao thoa tiếp biến với văn hóa Chămpa, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi phía tây Quảng Nam. Lễ hội xuất phát từ chính khát vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, là minh chứng cho sợi dây cố kết cộng đồng, tinh thần quê hương đất nước mà Đại Lộc là nơi hội tụ, giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa miền núi với miền xuôi.
Thời gian đến, đồng chí Trần Văn Tân yêu cầu huyện Đại Lộc và các ban ngành liên quan phát huy tốt giá trị truyền thống văn hóa của di sản văn hóa Lễ hội Bà Phường Chào. Tích cực phối hợp Sở VH-TT&DL tham mưu UBND tỉnh để có cơ chế phát huy giá trị di tích, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân đã có công lưu truyền, thực hành di sản và truyền dạy lại cho con cháu mai sau.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, lãnh đạo tỉnh trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Bà Phường Chào cho UBND huyện Đại Lộc.