Giữ lửa nghệ thuật truyền thống
Vợ chồng anh Nguyễn Thành Trung - Võ Thị Tình ở thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) đam mê nghệ thuật truyền thống, nỗ lực gầy dựng Câu lạc bộ (CLB) Dân ca bài chòi xã Tam Thanh cũng như dạy các em nhỏ nhuần nhuyễn làn điệu quê hương, góp phần gìn giữ giá trị xưa...
Đam mê
Nhiều năm nay, hình ảnh anh Nguyễn Thành Trung mỗi dịp cuối tuần chở các em nhỏ trong thôn trên chiếc xe ba gác vốn là phương tiện mưu sinh hàng ngày đến tham gia CLB Dân ca bài chòi thôn Hòa Thượng khiến cuộc sống làng quê càng thêm yên bình. Với các em nhỏ trong CLB này, được tiếp cận nghệ thuật truyền thống góp phần bồi đắp, gắn kết cùng ngôi làng của mình một cách giản dị mà sâu sắc.
Em Nguyễn Văn Kết, học sinh lớp 5, thành viên nhỏ tuổi nhất trong CLB, chia sẻ: “Con biết đến dân ca bài chòi, bả trạo từ mẹ mình rồi sau này khi theo học với chú Trung, cô Tình lại càng thấy thích thú hơn. Lúc đầu thì hát theo cảm hứng, sau này được tập luyện bài bản nên tiến bộ từng ngày. Bây giờ mỗi lần được đứng trên sân khấu hát bài chòi hay ra biển tập bả trạo thì vui không gì bằng…”.
Còn cô bé Quỳnh Anh, người Hà Nội - học sinh lớp 7 Trường THCS Thái Phiên (xã Tam Thanh) mặc dù mới theo ba mẹ vào đây sinh sống chỉ hai năm nhưng lại rất yêu thích dân ca bài chòi, bả trạo ở vùng đất mới này. Quỳnh Anh xin ba mẹ cho theo học hát ở CLB của thôn, được các cô chú tập luyện nên giọng hát, điệu bộ ngày càng chỉnh chu. Đây cũng là dịp để em hòa nhịp đời sống ở quê mới nhanh chóng.
Quỳnh Anh thổ lộ: “Tham gia CLB giúp con học được nhiều bài hát dân ca bài chòi, bả trạo, con rất thích. Đây cũng là môi trường để con có được những phút giây thư giãn sau giờ học cũng như hòa nhịp cuộc sống mới”.
Cũng như các em nhỏ trong CLB Dân ca bài chòi thôn Hòa Thượng bây giờ, vợ chồng Nguyễn Thành Trung và Võ Thị Tình cũng đã trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm nơi làng chài. Đó là những ngày Trung theo cha, các anh cùng cô chú trong làng tham gia các hoạt động lễ hội văn hóa biển mỗi dịp tết đến, xuân về, rồi những đêm hòa mình trong câu hát dân ca ngọt ngào của các bà, các chị. Dần dần, trong tâm hồn cậu bé Trung đã đong đầy một tình yêu với nghệ thuật truyền thống. Để rồi sau thời gian dài xa xứ mưu sinh, lại quay về quê nhà, gắn bó với vị biển cùng những giai điệu vốn ăn sâu vào tâm hồn tự bao giờ.
Truyền lửa
Sở hữu giọng hát dân ca truyền cảm nên anh Nguyễn Thành Trung được ngành văn hóa xã, TP.Tam Kỳ tuyển chọn và giao trọng trách tổng mũi trong các lễ hội cầu ngư của xã, làm nòng cốt trong các chương trình tham gia hội thi hát dân ca, bài chòi cấp thành phố, cấp tỉnh. Anh hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca bài chòi xã Tam Thanh. Đây là điều kiện tốt để anh Trung tiếp tục thể hiện niềm đam mê của mình với nghệ thuật truyền thống quê hương.
Nguyễn Thành Trung tâm sự: “Bản thân tôi luôn cố gắng học hỏi qua các bậc tiền bối ở quê biển, rồi tìm tòi trên Internet về loại hình nghệ thuật dân ca bài chòi, bả trạo xứ Quảng, miền Trung. Từ đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm để áp dụng vào hoạt động của CLB, thu hút anh chị em, nhất là các cháu nhỏ tham gia nhiệt tình, hiệu quả”. Về đam mê với nghệ thuật truyền thống, chị Võ Thị Tình tiếp lời chồng: “Hai vợ chồng đều đam mê với làn điệu quê hương, nên bất cứ hoạt động nào trong câu lạc bộ chúng tôi đều ủng hộ, hết mình tham gia”.
Từ khi đảm nhiệm vai trò Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca bài chòi xã Tam Thanh, Nguyễn Thành Trung bắt đầu nuôi ước mơ góp phần gìn giữ giá trị truyền thống, làm sao để không bị mai một trong thế hệ trẻ.
Sau những ngày tất bật với công việc như làm MC, cho thuê dịch vụ lễ tiệc cùng quầy tạp hóa trước nhà, vợ chồng Nguyễn Thành Trung, Võ Thị Tình lại có thêm niềm vui mới là được đón đợi các thành viên nhí ở khoảng sân trước nhà. Ở đó, dưới bóng mát của rặng dương, những âm thanh của tiếng đàn, tiếng hát, tiếng song lang, nhịp gõ lại vang lên, hòa điệu cùng gió biển.
Hoạt động của CLB được duy trì thường xuyên trong thời gian dài, mới thấy hết nỗ lực và nhiệt huyết của anh Trung, chị Tình với vốn quý văn hóa truyền thống. Nhìn các em say sưa hát, niềm tin về lớp kế thừa gìn giữ từng làn điệu không bị mai một lại được thắp lên.