Nam Ô dưới ngòi bút của Hocquard
Năm 1896, anh em Gabriel Veyre và Louis Lumière (Pháp) đã đến An Nam và chọn làng Nam Ô (Đà Nẵng) để bấm đoạn phim quý giá dài khoảng một phút và được quay từ một chiếc kiệu di chuyển ngược. Ngôi làng dưới chân đèo Hải Vân được mô tả kỹ hơn dưới ngòi bút của bác sĩ Hocquard vào năm 1886.
"Lời bình" cho phim
“11 giờ chúng tôi rời bờ biển đi vào con đường nhỏ, râm mát, rợp bóng những cây xoài dẫn vào làng Nam Ô. Ông trưởng làng nghe tin ra dẫn chúng tôi vào nhà trạm. Đó là một ngôi nhà lớn mái ngói nơi quý khách có thể nghỉ lại đợi bố trí đủ cu li để thay cho cu li trạm trước…”. Đó là những dòng hồi ký mà bác sĩ Hocquard viết về chuyến đi xuyên qua làng Nam Ô vào ngày 12.1.1886 để ra kinh thành Huế. Trước khi đi, đoàn được giao 1 tờ giấy như tờ công lệnh để đến các trạm, làng thì được hỗ trợ. Số cu li khuân vác từ Tourane (Đà Nẵng) nhập vào đoàn là 34 người. Khi tới một trạm mới thì số cu li này sẽ được trả công bằng tiền kẽm và quay trở về, để cu li trạm mới tiếp tục gánh hàng.
Trong đoạn phim hiếm hoi mà anh em Gabriel Veyre và Louis Lumière quay về Nam Ô hiện ra cảnh hàng chục đứa trẻ chạy theo máy quay phim, 1 cháu bé trần truồng, 1 cháu khoác yếm, cậu bé chừng 9 tuổi thì mặc áo dài nâu, những người lớn đi sau đều mặc áo dài vải màu nâu và trắng, một đoàn kiệu khởi hành trên bãi cát giữa ngôi làng. Một cô bé chừng 15 tuổi chạy theo giữ em, một con gà hốt hoảng chạy xé qua đám đông, cậu bé đeo chiếc vòng bạc trên cổ bám theo ống kính sát nhất. Áo quần các em mặc đều thủng nhiều lỗ, có chiếc áo rách toác cả một đường dài; những đứa trẻ lớn thì cạp quần được cuộn lên để độn vật gì vào giống như để cất đồ chơi.
Đoạn phim trên không ghi tiếng động, không có lời thuyết minh. Và có lẽ, cuốn hồi ký của bác sĩ người Pháp - Hocquard đã miêu tả tỉ mỉ hơn về cuộc sống của người dân Nam Ô, đồng thời cũng giúp chúng ta lý giải việc tại sao có quá nhiều người chạy trước ống kính quay phim của anh em Gabriel Veyre và Louis Lumière. Bác sĩ Hocquard đã mô tả tính cách người Nam Ô lúc đó rất tò mò khi thấy những ông Tây có vóc người to lớn, mặt đầy râu, sử dụng những thức uống kỳ lạ đóng trong những chai có vỏ đẹp. Bác sĩ Hocquard viết đoạn hồi ký tại làng Nam Ô: “Trời đã tối, lính hầu đặt mấy cây nến lên bàn rồi úp vỏ chai lên. Ánh nến soi tỏ những cái đầu đang tò mò hướng về phía chúng tôi. Ít nhất cũng phải năm chục đầu người, có ông già râu bạc, có người lớn tuổi buộc búi tóc trong khăn đen, đàn bà và trẻ con thì rụt rè ẩn ở phía sau, người thì ngồi xổm, người thì đứng. Mỗi vỏ đồ hộp không chúng tôi vứt ra là những người bạo dạn hơn nhặt ngay…”.
Dấu tích Nam Ô
Nam Ô giờ đây vẫn giữ được nét hoài cổ, với những ngôi nhà được xây dựng từ năm 1959 (gắn năm xây dựng trên máng nước trước hiên), nhiều ngôi nhà được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ 20, rồi giếng vuông Chămpa, miếu âm hồn, lăng Ngư ông (xây dựng năm 1802), không tìm thấy dấu tích kiến trúc nào của Pháp hoặc Tây Ban Nha mà bác sĩ Hocquard từng đề cập. Khi lên đến khu vực đỉnh đèo Hải Vân và qua chốt gác, bác sĩ Hocquard đã mô tả, hai bên đường đều là vực sâu, thác đổ cuồn cuộn dưới đáy, nếu không đi qua đồn thì không còn con đường nào khác. Ông kể: “Quan chỉ huy tiếp chúng tôi ở vùng đồn ngoài cùng, mời uống trà, chúng tôi nán lại chừng một giờ. Ông ta không mặc đồng phục, còn lính thì mặc theo kiểu Tàu, áo ngắn màu đỏ, quần ngắn ống rộng, nón tre. Những khẩu đại bác đặt ở các lổ châu mai có vẻ không đáng sợ và bảo quản quá kém, chắc là quân đồn trú không hay luyện tập với loại súng này”.
Khi đi qua làng Nam Ô, bác sĩ Hocquard không miêu tả tỉ mỉ về cách ăn mặc của người dân. Nhưng qua đoạn phim anh em Gabriel Veyre và Louis Lumière về Nam Ô và dựa vào những đoạn hồi ký mà bác sĩ Hocquard đã miêu tả trước đó thì 2 người khiêng chiếc kiệu trong đoạn phim ngắn là những người gánh thuê cho nhà giàu, hoặc được Pháp thuê làm cu li được trả công bằng tiền kẽm, hoặc khi tới mỗi làng thì quan Pháp đưa công lệnh ra, chính quyền ở làng đó phải đáp ứng ngay những người khuân vác để gánh hàng cho đoàn đến ngôi làng kế tiếp thì đổi người tương tự.
Rước kiệu 125 năm trước
Nếu dựa trên những nội dung bác sĩ Hocquard viết thì có thể nhận ra rằng, ý định của anh em Gabriel Veyre và Louis Lumière là quay cảnh chiếc kiệu cáng người ở xứ An Nam. Tuy nhiên, tính cách rất tò mò của người An Nam vào thời đó đã thể hiện rõ trong đoạn phim, đó là chạy lấn trước chiếc kiệu (trong khi máy quay phim thời đó bấm máy mỗi lần chỉ chừng 1 phút là hết phim). Chiếc kiệu có mái che. Bác sĩ Hocquard đã mô tả tỉ mỉ, những ông quan, hoặc nhà giàu thời đó có thể sắm người hầu để phục dịch tại nhà và mỗi khi di chuyển trên kiệu. Chiếc võng kiệu luôn có mái che, phía sau có 2 phu, thường là trẻ con để mang theo ống điếu, sẵn sàng phục vụ cho người nằm trong kiệu cũng như 2 phu khiêng kiệu. Bác sĩ Hocquard cũng mô tả về một ngôi làng dưới chân đèo Hải Vân, sau khi rời Nam Ô. Ngôi làng được ghi là Nam Tung (Chơn Sáng, Nam Chơn), vị trí đặt Nhà Trạm (nhà có phu khiêng vác trực). Bác sĩ Hocquard mô tả một chi tiết mà giờ đây không thể tìm được, đó là tại Nam Chơn có một đồn binh của Tây Ban Nha mang tên Isabelle.
Bác sĩ Hocquard viết về chuyến đi từ Tourane ra Huế vào ngày 1.3.1886 qua cung đường khá yên bình. Trong lịch sử của tỉnh Quảng Nam ghi lại, ngày 28.2.1886, nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu phối hợp với dân phu làm đường qua đèo Hải Vân tập kích tiêu diệt toàn bộ đội công binh Pháp gồm 7 tên, do quan ba Besson chỉ huy. Thông báo của Bộ Tư lệnh Pháp ở Huế thời ấy gọi là “thảm kịch Nam Chơn”. Có nghĩa là, chỉ sau hơn một tháng viên trung úy quân y Hocquard đi qua Nhà Trạm Nam Chơn thì cung đường này bắt đầu trở thành cung đường chết đối với lính Pháp xâm lược. Đoạn cuối của cuốn sách, Hocquard viết vài dòng về quan ba Besson, là người bạn đã mời ông quay trở lại dự bữa cơm, nhưng ông đã kẹt công việc và đó cũng chính là vận may để ông trở về nước Pháp sau đó.