Nghệ nhân - trăn trở sau danh hiệu
Định danh “đất trăm nghề”, cũng đồng nghĩa với những nỗ lực để giữ nghề, truyền nghề của lớp lớp nghệ nhân. Nhưng liệu họ đã được nhận lại xứng đáng những gì mình cống hiến?
NGHỆ NHÂN CỦA LÀNG
Bộ VH-TT&DL đang trong những ngày xét duyệt cuối cùng để hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ III trước ngày 30.3.2021. Lần này, trong danh sách xét duyệt, Quảng Nam đệ trình hồ sơ của 14 cá nhân.
Nghệ nhân Lê Phú Hải - người được đề cử trong danh sách Nghệ nhân ưu tú Quảng Nam cho biết, vì yêu quý nghệ thuật tuồng của cha ông mà tìm mọi cách để gầy dựng, giữ gìn. Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật hát tuồng, cha của ông Lê Phú Hải là một trong những nghệ nhân nổi tiếng, nguyên Trưởng đoàn nghệ thuật Tuồng xã Cẩm Hà - Hội An. Được thừa hưởng tố chất nghệ thuật từ người cha, ông Hải nắm vững nhiều kỹ năng về trình diễn tuồng với những lối hát xướng như nói lối tuồng, nói lối bó, nói lối dặm... và rất nhiều kỹ thuật khác như thán, ngâm cũng là hình thức xướng, kỹ thuật vũ đạo, kỹ năng diễn xuất...
Ông Hải cũng là thành viên sáng lập Đoàn nghệ thuật Tuồng phường Thanh Hà gồm 12 thành viên, với vai trò là người kết nối các bạn diễn, thu thập các bản tuồng cổ... Danh tiếng của Đoàn tuồng Cẩm Hà được nhiều địa phương trong và ngoài Hội An biết đến, hâm mộ. Ông Hải và vợ đều là cộng tác viên của Trung tâm VHTT-TTTH TP.Hội An, thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách.
Ông còn đảm nhận truyền dạy các lớp năng khiếu hát tuồng do Trung tâm VHTT-TTTH TP.Hội An chủ trì tại số nhà 31 Nguyễn Thái Học nhằm đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng các mầm non nghệ thuật tuồng cho Hội An. Ông thành lập Đoàn nghệ thuật Tuồng Hội An, tổ chức lưu diễn ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Những nghệ nhân như ông Lê Phú Hải đã truyền đến nhiều thế hệ sau niềm đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống của đất Quảng. Các vốn liếng này, nếu không có những người nhận lãnh phần trao truyền, hẳn sẽ mất mát rất lớn.
Theo Sở VH-TT&DL, Quảng Nam có sự đa dạng và đặc sắc của các loại hình văn hóa phi vật thể, bao gồm phong tục, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng, làng nghề và văn nghệ dân gian mang đậm đặc trưng của văn hóa xứ Quảng. Trong đó, nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự đa dạng và đặc sắc di sản văn hóa phi vật thể của Quảng Nam được thể hiện, biểu đạt ở nhiều loại hình, hình thái, gắn với nhiều cộng đồng chủ thể, mỗi hình thái có những đặc điểm và giá trị riêng. Chính nghệ nhân là người nhận lãnh phần lưu giữ, thực hành và trao truyền vốn liếng văn hóa của cộng đồng làng.
Ông Tôn Thất Hướng - Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ Sở VH-TT&DL cho rằng, Quảng Nam sở hữu vốn liếng văn nghệ dân gian đặc sắc bao gồm nhiều loại hình như ca dao, tục ngữ, hò vè, truyện kể dân gian gắn với đặc điểm cư trú và lịch sử – văn hóa từng địa phương, vùng miền, đặc biệt là lưu giữ, bảo tồn nhiều loại hình diễn xướng dân gian có giá trị. Nhiều hình thức diễn xướng khác đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như hát bả trạo, nói lý - hát lý; múa tâng tung, da dá…
Ngoài ra, trên mỗi vùng miền, mỗi địa bàn, các cộng đồng cư dân đang lưu giữ, thực hành nhiều hình thức diễn xướng khác nhau gắn với nhiều lễ hội, nhiều sinh hoạt văn hóa, tôn giáo - tín ngưỡng tạo thành một bộ phận di sản diễn xướng dân gian vô cùng phong phú, độc đáo như: hát tuồng, hát sắc bùa, múa thiên cẩu…
TÔN VINH NGHỆ NHÂN
Hơn 40 làng nghề truyền thống cùng 11 di sản văn hóa phi vật thể đã được lập danh sách kiểm kê, đồng nghĩa với số lượng nghệ nhân Quảng Nam đang có rất nhiều. Họ cần được tôn vinh và đi kèm là phương thức hỗ trợ để thực hành và trao truyền di sản.
GS-TS. Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, ngay từ năm 2001, trước sự mai một của văn hóa do người nắm giữ di sản dần mất đi, Hội Văn nghệ dân gian đã trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Từ đó tới nay khoảng 700 nghệ nhân, những người giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian ở nhiều lĩnh vực được tôn vinh trên toàn quốc. Bởi, nghệ nhân chính là người am hiểu sâu sắc di sản, là pho tư liệu sống về những loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc. Phong tặng danh hiệu không chỉ là sự tôn vinh cá nhân mà còn có ý nghĩa đối với cộng đồng. Những người có học hàm, học vị nhưng muốn nghiên cứu sâu về văn hóa dân gian vẫn phải đến tận nơi học các nghệ nhân. Họ được ví như là người thầy, xứng đáng được tri ân, vinh danh, ca tụng.
Ngày càng nhiều hơn những di sản văn hóa phi vật thể của Quảng Nam được vinh danh bởi quốc gia hay của UNESCO. Chính việc định danh cho di sản trở thành động lực cho công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đã một thời tưởng chừng mai một. Đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, Quảng Nam có nhiều các dự án bảo tồn đối với từng loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trong đó, ưu tiên nhất vẫn là tạo điều kiện cho các nghệ nhân có thể tổ chức trao truyền cho thế hệ trẻ. Từ năm 2014, dự án Sân khấu học đường sau khi bắt nhịp tốt, ngành tiếp tục triển khai chương trình này với loại hình nghệ thuật dân ca kịch bài chòi, nghệ thuật tuồng, dân ca tại một số trường THCS tại nhiều địa phương.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, đối với đội ngũ nghệ nhân thực hành trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thì cần có những chính sách vừa cụ thể, vừa tổng thể, theo giai đoạn, quy trình, xuyên suốt và có tính lâu dài. Trước hết, nhà nước cần có chính sách cho nghệ nhân bảo đảm cuộc sống. Chính sách này thể hiện bằng các nội dung cụ thể như: trợ cấp sinh hoạt, cấp thẻ bảo hiểm, hỗ trợ chăm sóc y tế… Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo điều kiện cho họ thực hành, biểu diễn và trao truyền di sản.
“Qua khảo sát, kiểm kê cho thấy các loại hình nghệ thuật dân gian trên vẫn có sức sống trong đời sống của cộng đồng cư dân các huyện đồng bằng của Quảng Nam. Hiện có 20 câu lạc bộ bài chòi vẫn duy trì hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, ngành cũng đã tiến hành kiểm kê, đánh giá và đề xuất hỗ trợ cho các địa phương trong việc bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật và lễ hội truyền thống như tuồng, bài chòi, hát sắc bùa, các lễ hội Bà Thu Bồn (huyện Duy Xuyên), Bà Phường Chào (huyện Đại Lộc)...; hỗ trợ các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống tại nhiều địa phương về trang thiết bị, tổ chức lập huấn đàn và hát dân ca cho các xã xây dựng nông thôn mới; định kỳ tổ chức liên hoan nghệ thuật tuồng và liên hoan đàn và hát dân ca toàn tỉnh để đánh giá, biểu dương, phát huy hoạt động nghệ thuật truyền thống của các địa phương” - ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết.
Trong câu chuyện về gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể của Quảng Nam, hơn 10 năm qua, điều khiến nhiều người làm văn hóa tiếc nuối nhất là sự ra đi của những lớp người nắm giữ các tri thức bản địa nhưng lại chưa kịp trao truyền lại cho các thế hệ sau thì đã về trời. Họ có thể là những già làng ở các bản của vùng núi cao Quảng Nam, khi giữ về điệu nói lý hát lý theo đúng thể điệu của người Cơ Tu hay những chỉ dấu văn hóa bản địa khác...
ĐẰNG SAU DANH HIỆU
Nếu nghệ nhân trên các lĩnh vực văn hóa phi vật thể ít nhiều được tạo điều kiện để tổ chức trao truyền vốn liếng mình đang nắm giữ, thì các nghệ nhân làng nghề lại gần như phải “tự bơi”.
Thống kê từ Sở Công Thương, Quảng Nam hiện có 2 Nghệ nhân nhân dân, 9 Nghệ nhân ưu tú, 18 nghệ nhân cấp tỉnh và 11 danh hiệu thợ giỏi cấp tỉnh.
Chưa có cơ chế hỗ trợ
Đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, do những tác động của thời đại hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn Quảng Nam đang dần mai một, trong đó nguy cơ rõ nét nhất là sự suy giảm của nghệ nhân, những người được coi là “báu vật sống” - lưu giữ kho tàng văn hóa phi vật thể quý báu. Thông qua các đợt kiểm kê văn hóa phi vật thể cho thấy, mặc dù các loại hình di sản vẫn đang được thực hành trong cộng đồng, nhưng hầu hết nghệ nhân thực hành đều đã cao tuổi; nhiều loại hình di sản như hát sắc bùa, tuồng, bả trạo… rất khó khăn trong việc tìm kiếm lực lượng kế cận; một số câu lạc bộ hoặc đội nghệ thuật truyền thống được thành lập tại các địa phương, nhưng do nhiều nguyên nhân, nên không duy trì hoạt động thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam, đồng thời là Nghệ nhân nhân dân cho biết, từ năm 2015, Chính phủ đã ra Nghị định số 109/2015/NĐ-CP (Nghị định 109) về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Tại Quảng Nam, hiện cơ chế này vẫn chưa được triển khai.
“Năm 2019, Hiệp hội chúng tôi có làm hồ sơ cho cụ Đinh Văn Thẩm (nghệ nhân ưu tú làng mộc Văn Hà, Phú Ninh - PV) vì cụ sống một mình, hoàn cảnh khó khăn. Sau đó Bộ Công Thương có yêu cầu chúng tôi cần xác nhận của địa phương. Nhưng địa phương lại không có động thái. Cho đến cuối năm ngoái thì cụ mất, trong khi hỗ trợ chưa được nhận” - ông Tiếp nói.
Theo đó, đối tượng áp dụng theo Nghị định 109 được quy định là nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Mức trợ cấp sinh hoạt hàng tháng tùy theo đối tượng để được hưởng các mức từ 700 nghìn đồng cho đến 1 triệu đồng.
Một cán bộ Sở Công Thương cho biết, cho đến thời điểm này thì Quảng Nam vẫn chưa có bất cứ cơ chế nào hỗ trợ nghệ nhân ngoài việc làm hồ sơ phong tặng danh hiệu và tiền thưởng kèm theo. Còn việc hỗ trợ hằng tháng cho nghệ nhân là điều không thể. Ông Nguyễn Văn Tiếp nói, các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu và đang trong quá trình được đề nghị phong tặng danh hiệu đều có những đóng góp tích cực trong việc truyền dạy, bảo tồn các di sản văn hóa, ngành nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, họ vẫn chưa được hưởng một chính sách nào liên quan đến danh hiệu của mình.
“Việc hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân lâu nay vẫn mang tính chất thời vụ. Nghĩa là khi có kỳ cuộc nào đó, hay khi thực hiện các đề tài khoa học có liên quan đến lĩnh vực các nghệ nhân đang nắm giữ thì họ được mời tham gia và có kinh phí. Đôi khi có nhiều anh em cũng tâm tư lắm...” - ông Tiếp nói.
Quy chế gây khó
Nhiều nghệ nhân tuổi đã thất thập và dù có rất nhiều cống hiến nhưng việc được phong tặng danh hiệu với họ là rất khó khăn vì vướng quy chế. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp cho rằng, những người lớn tuổi ở các làng nghề, bám trụ lâu năm với nghề, là những người giữ hồn của làng nghề. Dù có danh vị hay không, họ cũng hết mình với nghề của tổ tiên, gia đình và quê hương.
Theo tiêu chí do UBND tỉnh ban hành năm 2013, người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân phải có sản phẩm, tác phẩm đoạt giải thưởng hoặc được cấp chứng nhận thành tích của các tổ chức nhà nước, hoặc ít nhất có 2 tác phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao được chọn trưng bày trong các bảo tàng, công trình văn hóa, phục chế di tích lịch sử hoặc được chọn làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy tại các trường mỹ thuật, dạy nghề.
“Thật sự có nhiều người rất giỏi nghề nhưng lại không đủ điều kiện để đưa sản phẩm tham gia dự thi hoặc làm hồ sơ, thủ tục để được công nhận. Hay như quy định, người được phong danh hiệu nghệ nhân phải có thành tích trong việc khôi phục, duy trì và phát triển ngành nghề; đã truyền nghề, dạy nghề cho tối thiểu 50 người hoặc được chính quyền địa phương, tổ chức xã hội nghề nghiệp công nhận đã truyền nghề, dạy nghề được nhiều thợ giỏi tại địa phương. Áp dụng quy chế phải đào tạo được tối thiểu 50 người là quá khó. Đến doanh nghiệp làm nghề cũng chỉ có thể từ 20 đến 30 thợ, mà chưa hẳn là nghệ nhân đã truyền dạy được hết cho chừng đó người, huống gì người làm nghề cá thể” - ông Tiếp bày tỏ.
Tháng 7.2015, Bộ LĐ-TB&XH ban hành nghị định quy định việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, trong đó mức cao nhất 1,1 triệu đồng/người/ tháng. Riêng tại Quảng Nam, trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh bố trí đầu tư hơn 85 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển 16 làng nghề có tiềm năng ở Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Phú Ninh, Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ cho nghệ nhân vẫn phải phụ thuộc vào sự phát triển của làng nghề ở địa phương.
Trước giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid-19, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ các nghệ nhân làng nghề về thị trường sản phẩm. Cửa hàng Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam đặt tại Hội An trở thành nơi thu hút du khách vì sự phong phú của các sản phẩm truyền thống và những đôi tay lành nghề của đội thợ ở khắp nơi. Thi thoảng, Trung tâm xúc tiến du lịch Quảng Nam lại tổ chức tour tuyến đưa du khách về các làng nghề. Đây chính là cơ hội để nghệ nhân được trổ bày tay nghề và cũng là cách kích hoạt thị trường cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, sau đó hoạt động của các làng nghề truyền thống đều dừng ở mức cầm chừng. Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng cho biết, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi của làng mộc Kim Bồng phải đi nhiều nơi để kiếm sống, vì hiện tại, làng nghề mộc gần như đã dừng đón khách. Tương tự, các làng nghề truyền thống nằm trong lộ trình và kế hoạch phát triển du lịch của các địa phương đều gần như phải dừng lại.
Đãi ngộ nghệ nhân như thế nào để họ có cơ hội thực hành vốn liếng di sản mình sở hữu cũng như tạo điều kiện để họ trao truyền di sản là điều cần tính toán. Nhà nghiên cứu - nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, người có nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với âm nhạc dân gian cho rằng, việc đãi ngộ các nghệ nhân và đội ngũ kế cận để gìn giữ và phát huy di sản vẫn tồn tại nhiều bất cập.
“Việc hỗ trợ nghệ nhân bằng tiền chưa hẳn đã là giải pháp hữu ích. Với lớp nghệ nhân lớn tuổi sống quá nghèo, thì việc cấp một khoản tiền giúp họ sống tốt hơn để họ có thời gian toàn tâm, toàn ý trao truyền cho hậu thế là rất quý. Nhưng hiện nay, phần lớn lớp nghệ sĩ dân gian trẻ kế thừa và họ không thích kiểu hỗ trợ như vậy, mà quan trọng hơn là cần sự khích lệ, động viên, là việc truyền cảm hứng để họ biết trân quý mà theo đuổi, gìn giữ di sản” - nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nói.