Văn nghệ sĩ khai xuân

BẢO ANH 28/02/2021 06:13

Trong dịp Tết Tân Sửu này, nhiều văn nghệ sĩ xứ Quảng đã “khai xuân” bằng việc sáng tác, giới thiệu hoặc chuẩn bị trình làng những tác phẩm mới...

Nhạc sĩ Huỳnh Đức Long “khai xuân” vào sáng mùng 2 Tết với việc bắt tay vào viết bản hợp xướng 3 chương mang tên “Quảng Nam năm trăm năm mươi năm”. Ảnh: B.A
Nhạc sĩ Huỳnh Đức Long “khai xuân” vào sáng mùng 2 Tết với việc bắt tay vào viết bản hợp xướng 3 chương mang tên “Quảng Nam năm trăm năm mươi năm”. Ảnh: B.A

Những bản thảo chờ in

Sáng sớm 22.2, Phòng Chế bản Công ty CP In và Thiết bị trường học Quảng Nam tiếp một vị khách quen. Tưởng là ông đến thăm như mọi năm, không ngờ sau lời chúc xuân, vị khách liền chìa ra một tập bản thảo khá dày, nhờ bộ phận chế bản xử lý kỹ thuật để in trong ít ngày tới. Vị khách đặc biệt này là nhà văn lão thành Hồ Duy Lệ. Chia sẻ với anh em trong nghề, nhà văn Hồ Duy Lệ cho biết, tập sách mới của ông lần này vẫn là bút ký về đề tài chiến tranh cách mạng. Đây là thành quả của nhiều tháng ròng ông lặng lẽ đi thực tế tại nhiều vùng quê trong tỉnh rồi viết và chỉnh sửa trong dịp tết vừa rồi. “Đầu năm đem bản thảo đi in, cảm giác sung sướng cứ như lần đầu làm sách. Lo in sớm để rồi... viết tiếp, viết nữa, vì đề tài chiến tranh cách mạng ở quê mình cực kỳ phong phú, không dễ gì khai thác hết” - nhà văn Hồ Duy Lệ nói.

Không riêng gì nhà văn Hồ Duy Lệ, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, một số văn nghệ sĩ khác của Quảng Nam cũng đã kịp hoàn thành bản thảo, chuẩn bị trình làng. Khởi viết từ giữa năm ngoái, đến đầu năm 2021 này thì nhà thơ Nguyễn Giúp vừa xong bản thảo tập trường ca đầu tay của mình (anh đã có 2 tập thơ in riêng nhưng không phải là trường ca). Trong thời gian nghỉ tết, anh đã chỉnh sửa lần cuối và đặt tên cho “đứa con” mới của mình là “Sóng Thu Bồn”, gồm 4 chương với hơn 120 trang in. Đây là một cuộc chơi, một thử nghiệm mới với thơ của nhà thơ Nguyễn Giúp, và cũng là một món quà đặc biệt anh dành tặng quê nhà, với những cảm hứng tươi vui, hào sảng và nhiều suy nghiệm về một Quảng Nam chưa mưa đà thấm. Khi được in, đây sẽ là tập trường ca đầu tiên của văn nghệ Quảng Nam kể từ khi tái lập tỉnh đến nay...

Sung mãn không kém, sau hơn nửa năm làm việc cật lực, tết này nhà thơ Lê Đức Thịnh đã kịp hoàn thành bản thảo và chính thức làm hồ sơ xin giấy phép xuất bản cho tập sách mang tên “Aubade” với độ dày khoảng 150 trang in. Đây là một tập sách nghiên cứu và giới thiệu về nhà thơ người Mỹ Louise Glück - tác giả đoạt giải Nobel Văn học năm 2020; tựa sách là tên một bài thơ của tác giả này. Theo nhà thơ Lê Đức Thịnh, “Aubade” có nghĩa là khúc nhạc ban mai, khúc bình minh, tình ca ban mai,... với nội hàm liên quan đến những nét nghĩa nói về vẻ đẹp, sự lãng mạn, trữ tình. Anh nói thêm: “Đây là một cái tên tiếng Anh rất hay nên tôi muốn giữ nguyên để đảm bảo sự hàm nghĩa của nó...”.

Giữ lửa sáng tạo

Cũng trong những ngày Tết Tân Sửu, nhiều văn nghệ sĩ khác của Quảng Nam lại tiếp tục sáng tác, mà theo họ, trước hết là để “giữ lửa sáng tạo” và về lâu dài là gom góp thêm vốn liếng, hoặc chuẩn bị dự phần vào các cuộc chơi văn nghệ đang chờ phía trước. Trong đó, năng nổ nhất là các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Suốt mấy ngày trước, trong và sau tết, nhiều người liên tục có mặt ở các thắng cảnh, di tích, các điểm vui xuân trong tỉnh để sáng tác. Ngoài mong muốn ghi lại đầy đủ nhất có thể những khoảnh khắc xuân quê hương, đây còn là bước khởi động cho mùa sáng tác mới của năm 2021, chuẩn bị cho các cuộc chơi ảnh nghệ thuật trong năm nay, mà trước hết là Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 26 sẽ diễn ra sau 4 tháng nữa...

Trong khi đó, nhạc sĩ Huỳnh Đức Long, sau mùng Một tết bận rộn với các lễ nghi truyền thống, từ sáng mùng 2 anh bắt tay vào sáng tác bản hợp xướng 3 chương mang tên “Quảng Nam năm trăm năm mươi năm”. Nhờ cảm xúc dồn nén, chỉ sau vài ngày, anh đã viết xong chương đầu tiên với tên gọi “Mở cõi”, với ca từ trầm hùng, vang vọng mà tha thiết: “Trùng trùng quân ta đi khua gươm vang trong tiếng trống thúc vang rừng xanh (...). Quảng Nam năm trăm năm mươi năm, Quảng Nam năm trăm năm mươi năm, những Thu Bồn, Trường Giang, Vu Gia, sóng muôn trùng Biển Đông khơi xa như bản hùng ca của ngày mở đất...”.

Có nhiều tác phẩm mới trong dịp tết nhất có lẽ là các tác giả thơ. Một số người, cứ vài ba hôm lại “khoe” lên facebook hoặc blog cá nhân một bài thơ thấm đẫm hơi xuân, hương tết. Không thiếu những câu thơ khởi đi từ những tâm hồn “trổ ngọt giao thừa”. Ví như: “Hình như xuân lại khẽ khàng rơi/Mắt biếc em tôi thắm mộng đời/Hương trầm theo gió vừa khơi lại/Nghe lòng ấm chút cuối ngày tôi...” (Xuân - Nguyễn Kim Thịnh). Ngay như nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ, dù đang phải nằm dưỡng bệnh nhưng anh vẫn luôn sốt sắng với thơ. Và thơ “khai xuân” của anh bài nào cũng hóm hỉnh, tươi vui và đầy hy vọng: “một lá xanh non tơ thở nhẹ/như rung rinh tết nắng càn khôn/tôi bước đường xưa mà như thể/mai là mốt của gió hôm qua” (Sáng thanh tân).

BẢO ANH