Xứ Quảng trong phong trào Đông Du

NGUYỄN DỊ CỔ 28/02/2021 06:05

Năm 2021, kỷ niệm 110 năm ngày mất của “kiện tướng” Tiểu La Nguyễn Thành, là dịp nhìn nhận lại vai trò của xứ Quảng đối với phong trào Đông du do Phan Bội Châu dẫn đầu xuất dương sang Nhật cầu học vào năm 1905 nhằm đánh đổ thực dân Pháp.

Kỷ ngoại hầu Cường Để (trái) và Phan Bội Châu tại Nhật Bản. Ảnh: Tư liệu
Kỷ ngoại hầu Cường Để (trái) và Phan Bội Châu tại Nhật Bản. Ảnh: Tư liệu

“Căn cứ địa” tổ chức Đông du

Khi bàn với Phan Bội Châu về việc làm cách mạng, cần liên kết hào kiệt trong cả nước, Đặng Thái Thân nhận xét về đất Quảng: “từ Quảng Nam vô Nam Trung cũng không thiếu gì hạng người khẳng khái bi ca”. Hội Duy tân, tiền thân của phong trào Đông Du, đã được tổ chức đại hội ở Quảng Nam vào năm 1904. Đất Quảng cũng là nơi Phan Bội Châu “sau khi sắp đặt đâu đó xong cả rồi” xuất phát lên đường ra Hải Phòng để xuất dương. Khi Phan Bội Châu từ Nhật về nước lần thứ nhất, đã sai Đặng Tử Kính “đem giấy tờ trọng yếu” vào Quảng Nam để “cho đồng chí hai tỉnh Nam Nghĩa hay” về kế hoạch sắp tới. Từ Nhật về nước, Phan Châu Trinh đã mang tập Hải ngoại huyết thư do Phan Bội Châu viết và nhờ gửi về nhằm khua động chuông chiều trống sớm để thức tỉnh bà con trong nước.

Ngoài ra, thủ cảo chữ Hán Phan Sào Nam niên biểu của Phan Bội Châu, một tài liệu gốc và đầu tiên về phong trào Đông Du, được lưu giữ cẩn thận tại Võ Mạnh Phát tàng thư (huyện Thăng Bình). Ngày 29.10.1975, nhân dịp giỗ Phan Bội Châu, ông Võ Mạnh Phát đã trao lại cho gia đình Phan Bội Châu bản thủ cảo này sau hơn 40 năm cất giữ. Thêm nữa, Huỳnh Thúc Kháng đã viết bài tựa cho tập tài liệu gốc về phong trào Đông Du vào năm 1946, cách nay tròn 75 năm. Trong đó, Huỳnh Thúc Kháng đánh giá: “Nay tập Tự phán này ra đời, không chỉ quét sạch mây mù che lấp đời cụ về trước, mà còn lưu lại một tài liệu chân xác về đời cụ cùng giai đoạn sau cho lớp hậu tri”.

Bìa tác phẩm Phan Sào Nam niên biểu.
Bìa tác phẩm Phan Sào Nam niên biểu.

Xướng xuất chủ trương sách lược

Tư tưởng hoạt động của phong trào Đông Du được hình thành ở Quảng Nam và từ những trí thức của Quảng Nam. Mở đầu, Phan Bội Châu viết “Lưu Cầu huyết lệ tân thư” và dâng lên các quan đầu triều người Quảng như Thượng thư Hồ Lệ, Lại bộ Nguyễn Thuật. “Các cụ đều khen lời nói cứng” và cho là đúng. Hồ Lệ còn cho môn lại thuộc hạ sao chép và đem cho các đồng hương thân sĩ xem. Tác phẩm này cũng trở thành cầu nối để Phan Bội Châu kết giao với Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, là những người sau này đã đóng góp ít nhiều chủ trương sách lược cho phong trào Đông Du.

Người Quảng với vai trò “quân sư” của Đông Du chính là Nguyễn Thành. Phan Bội Châu đã thừa nhận: “Cụ Nguyễn Thành bàn công việc thiên hạ một cách hùng hồn và rất rành mạch đúng lẽ”. Nguyễn Thành vạch ra sách lược: “Trước hết phải cần 3 điều này: một là thu phục lòng người; hai là góp số tiền lớn; ba là sắp đặt mua sắm quân khí cho đủ”. Sách lược này rất đúng ý định của Phan Bội Châu. Nguyễn Thành dựa trên cơ sở nắm rất chắc về tình hình quốc tế đương thời mà bàn kế cho Phan Bội Châu là “muốn đứng khóc sân Tần không chi bằng Nhật Bản”, mà không chọn Trung Quốc để cầu viện như truyền thống lịch sử. Theo đó, Phan Bội Châu đã “quyết kế định ngày đi Nhật Bản”.

Sau mấy tuần quan sát và tiếp xúc nhiều danh nhân ở Nhật, Phan Châu Trinh đã chỉ cho Phan Bội Châu thấy: “Xem dân trí Nhật Bản rồi đem dân trí ta ra so sánh, thật không khác gì muốn đem gà con đọ với con chim cắt già” và ủy thác rằng: “Bác (tức Phan Bội Châu - NV) ở đây, nên chuyên tâm ra sức vào việc văn, thức tỉnh đồng bào cho khỏi tai điếc mắt đui, còn việc mở mang dìu dắt ở trong nước nhà thì tôi (tức Phan Châu Trinh - NV) xin lãnh”.

Tuyển cử du học sinh

Luận án tiến sĩ về “Phong trào dân tộc Việt Nam và quan hệ của nó với Nhật Bản và châu Á (tư tưởng của Phan Bội Châu về cách mạng và thế giới)” của Shiraishi Masaya tại Đại học Tokyo tổng hợp “danh sách những người Việt Nam xuất dương” sang Nhật, đầy đủ hơn so với bản thủ cảo Niên biểu của Phan Bội Châu. Trong đó có một số du học sinh là người Quảng Nam.

Những người Quảng du học Nhật có tính danh đầy đủ là Nguyễn Bá Trác, Lê Dư. Ngoài ra, còn có 2 người Quảng Nam nữa không ghi rõ họ tên. Hai thanh niên chưa rõ họ tên này do Nguyễn Thành cử đi. Họ vào trung tuần tháng 5 năm 1906 gặp Phan Bội Châu vừa ở Yokohama/Hoành Tân về tại Hương Cảng, sau đó cùng nhau sang Nhật. Nguyễn Bá Trác tham gia du học ở Nhật, sau khi phong trào Đông Du bị tan rã, qua lại Trung Quốc học tại trường Quảng Tây Lục quân cán bộ học đường, là nguồn cán bộ của Việt Nam Quang Phục quân (theo lời Phan Bội Châu trong Niên biểu). Lê Dư năm 1915 lúc đó đang học ở Nhật (theo tài liệu Hồi ký của Cường Để).

Nguyễn Thúc Chuyên thống kê có 7 người Quảng Nam sang Nhật trong phong trào Đông Du (bao gồm cả Phan Châu Trinh), nhưng không chỉ nguồn tài liệu. Tức ngoài những nhân vật nêu trên, còn kể ra 4 du học sinh khác quê huyện Tiên Phước: Lê Cơ (Phú Lâm), Lê Quyên, Lê Ngọc Liên, Lê Liễn (3 người Tiên Cảnh). Không rõ 2 du học sinh khuyết danh do Nguyễn Thành cử đi là ai trong số 4 du học sinh này.

Ngoài ra, đóng góp của đất Quảng trong việc tuyển cử du học sinh Việt Nam sang Nhật là trường hợp Nguyễn Thành đã cử Lưu Ấm Sinh người Thừa Thiên Huế sang Nhật làm liên lạc viên. Nguyễn Thành trước đó cử Tăng Bạt Hổ làm hướng đạo viên.

Đóng góp tài lực

Sách lược thứ 2 trong số 3 sách lược quan trọng của phong trào Đông Du là huy động kinh phí. Từ buổi đầu gầy dựng hoạt động trong nước, Nguyễn Thành đã “mua khoán thông hành với cấp tiền hành phí” để Phan Bội Châu nam hành vận động phong trào. Chính nhờ cuộc nam hành này mà sau khi Phan Bội Châu ở Nhật, đã “được anh em Nam kỳ giúp sức nhiều lắm”. Giúp sức ở đây chính là đóng góp về kinh phí. Niên biểu có chép, kinh phí hoạt động của phong trào Đông Du là do Nguyễn Thành và Đỗ Đăng Tuyển lo liệu. Theo Nguyễn Sinh Duy, Tiểu La chỉ định Thái Phiên giữ chức vụ kinh tài cho phong trào Đông Du. Nguyễn Thành còn “tính sẵn” cả hướng đạo viên để dẫn đoàn sang Nhật, là Tăng Bạt Hổ.

NGUYỄN DỊ CỔ