Đồng bào Co giữ nét đẹp Tết mùa
Cùng với nhiều lễ hội như ăn trâu huê, đấu chiêng, cúng trống đất cầu mưa thì Tết mùa - Càzim cũng là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Co vùng cao Trà My sau mùa thu hoạch lúa rẫy hằng năm.
Chuẩn bị tổ chức Tết mùa, con cháu già làng Nguyễn Thanh Nghĩa - dân tộc Co (xã Trà Kót, Bắc Trà My) tập trung khá đông đủ. Trai tráng đi chặt lồ ô về làm bánh, còn phụ nữ trong nhà chuẩn bị nếp thơm, lễ vật cần thiết để dâng cúng thần linh. Các công đoạn làm cơm lam (bánh ống), bánh sừng trâu của người Co trong lễ cúng Tết mùa khá công phu, từ khâu chọn ống lồ ô, cho đến đổ nếp, bịt đầu ống để bánh chín vừa dẻo, có vị thơm của lồ ô và nếp mới.
Anh Huỳnh Văn My (trú xã Trà Kót) chia sẻ: “Trong lễ Tết mùa của người Co không bao giờ thiếu bánh ống. Để làm được bánh thơm ngon, chọn ống lồ ô không được quá non hoặc quá già, phải được súc rửa kỹ càng trước khi cho nếp vào. Bánh ống phải nướng trên lửa đượm than, có người canh trở cho chín đều mới ngon”.
Mâm cúng Tết mùa được già làng bày biện khá kỹ lưỡng. Lễ cúng chia làm bốn mâm chính đặt giữa nhà. Mỗi mâm cúng có 1 con gà, 3 gói bánh sừng trâu, 1 phần cơm lam, 3 chén rượu gạo cùng 3 miếng trầu cau và cặp giò gà buộc riêng - lễ vật thiêng liêng không thể thiếu trong mâm cúng Tết mùa. Người Co không dùng đèn sáp bán sẵn mà tự quấn đèn cúng bằng giấy và sáp ong rừng.
Già Nghĩa cho biết, tuy đèn sáp được quấn đơn giản như vậy nhưng cháy rất lâu và sáp ong rừng thơm khắp cả nhà. Chuẩn bị mâm cúng xong, già làng sẽ thay trang phục riêng và tiến hành lễ cúng. Bài cúng bằng tiếng Co với nội dung cầu cho mưa thuận gió hòa, ước mong một mùa rẫy mới bình an, ấm no cho người thân trong gia đình. Sau đó, già làng làm phép cho vợ và các con trai, con gái trong nhà. Nghi thức làm phép này được xem là thần linh đã ban may mắn cho cả gia đình. Cả nhà sẽ quây quần bên nhau ăn uống, cùng bàn bạc trao đổi kinh nghiệm sản xuất vụ mùa sắp tới.
Năm nay, Tết mùa của người Co không còn tổ chức tập trung cho cả làng vào một ngày được già làng ấn định. Thay vào đó, người Co tổ chức riêng theo từng gia đình hay nhóm hộ. Thời gian tổ chức Tết mùa cũng được rút ngắn còn một ngày.
Anh Nguyễn Văn Thi (ở xã Trà Kót) chia sẻ: “Người Co chúng tôi, nhà nào cũng phải cúng Tết mùa xong mới ra rẫy trồng tỉa lại. Người trẻ như tôi phải học thêm các nghi thức cúng, cách bày biện lễ vật từ già làng, không để nghi thức truyền thống của đồng bào mình bị mai một”.
Ông Dương Lai - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm VHTT&TTTH huyện Bắc Trà My cho biết thêm: “Người Co ở Trà My luôn coi trọng lễ cúng Tết mùa. Thông qua lễ cúng này, người Co càng tăng thêm tính đoàn kết, giúp đỡ nhau trong làm ăn, phát triển kinh tế”.