Quảng Nam với tục đua ghe ngày tết

HOÀNG HƯƠNG VIỆT 15/02/2021 06:45

(Xuân Tân Sửu) - Đua ghe (thuyền) không chỉ có ở Quảng Nam, nhưng từ Thanh Hóa trở vào đến Nam Bộ, đua ghe trở thành truyền thống. Ngày hội đua ghe, mỗi năm một vài lần vào dịp lễ, Tết; còn phần lớn thời gian ghe được bảo quản trong nhà riêng hoặc miếu thờ có người trông coi cẩn thận.

Đua ghe ngày tết. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đua ghe ngày tết. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đua ghe tuy không diễn ra thường xuyên, nhưng có nơi coi như là nghề, nên có tay đua nghề, cầm lái nghề, đứng mũi nghề và đóng ghe nghề. Mọi hoạt động của tàu, ghe, xuồng thúng lắc, bè, tam bản, tắc ráng đều trên sông nước. Đua ghe không diễn ra được ở địa hình đầm, hồ, lạch, phá, biển lộng.

Đua ghe thường chọn nơi “đô hội”, chỗ đông người, các vạn ghe để cho mọi người được xem cuộc phô diễn đầy màu sắc, tiếng động, âm nhạc, hình thể, sức vóc, mánh lới tài nghệ và vinh dự thắng thua trong cuộc chơi trên tinh thần nghệ thuật thượng võ, quần thảo nhau trên sông nước.

Đội ghe xưa

Tôi đã nhiều lần được xem đua ghe ở sông Thu Bồn, Trường Giang, sông Hàn, Bà Rén, sông Ly Ly, sông Túy Loan, sông Hoài Phố ở Quảng Nam, Đà Nẵng, kể cả đua ghe “tay ngang” và đua “ghe chiến” (còn gọi là ghe tiếng).

Ghe tay ngang là loại ghe nhỏ, thường đan bằng vật liệu nan tre, trát dầu rái, cuộc đua không lớn, không có công cụ riêng, đội tay đua riêng, ở vạn ghe, làng nào đông người có thể nhất thời lập ra đội đua dựa trên một hạt nhân có sẵn rồi tổ chức đua. Còn ghe chiến là ghe đã nổi tiếng từ lâu có nhiều chiến tích qua nhiều đời gắn liền với tên tuổi một làng, một tộc họ.

Đơn cử như ghe Giếng Lách, Giếng Bộng ở huyện Duy Xuyên, ghe Chợ Được, Cát Cao ở huyện Thăng Bình, ghe Hà Nha ở huyện Đại Lộc, ghe Xóm Giữa ở huyện Quế Sơn, ghe An Hòa ở huyện Núi Thành, ghe Hà Thân, Xuân Hà ở Đà Nẵng. Hoặc, đặt dưới sự “bảo trợ” về mặt tâm linh của một vị thần có miếu thờ nằm trên bờ sông như ghe Ông Bình Yên, Ông Đình Trận, Ông Cao Các, Bà Phường Rạnh, Bà Phường Chào, Bà Thu Bồn ở nguồn Ô Gia (Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc) là những địa danh, nhơn thần vang bóng một thời. Ghe chiến được gia công nghiên cứu trong kỹ thuật chuyên đóng ghe đua bằng loại gỗ tốt nhất, để vừa chắc, nhẹ, đằm, có trớn.

Mọi thứ trên ghe đua đều “chuyên môn hóa”, dầm bơi, ghế ngồi một cỡ, mũi ghe cao hơn be ghe để khi bơi hăng quá ghe không chúi mũi xuống nước, không cao quá để trở thành vật cản gió, vướng người cầm lái phía sau.

Ghe đua thường dài từ 10 - 14m, rộng khoảng 1,3 - 1,5m, bên ngoài thân ghe vẽ trang trí theo các mô típ cách điệu biểu tượng sóng, cá chép, rồng, mây. Có khi mũi ghe được đẽo và vẽ theo hình chim phượng. Số tay bơi phải chẵn từ 22 - 32 người được tuyển chọn trong cánh trai trẻ có sức vóc dẻo dai, dũng mãnh, được tập luyện thuần thục, trong đó có hai người quan trọng, như một nhạc trưởng chỉ huy, người thầy dày dặn kinh nghiệm về ghe thuyền, sông nước, đó là người cào mũi và người chèo lái (hoặc cầm lái). Người cầm lái điều khiển ghe đua bằng dầm chèo dài buộc vào cọc chèo dùng kỹ thuật gạt, nạy, lách cho chiếc ghe đi theo chiến thuật của mình.

Tục ngữ có câu “Mũi dại lái chịu đòn” (hay lãnh đòn), nhất là trong đua ghe, khi anh đứng mũi không biết ý gạt, nạy, lách theo anh lái, coi như gây tai họa. Các đội đua thường mặc áo màu, đội nón dấu màu hoặc chít khăn. Người cầm lái thì thắt lưng to màu đỏ buông dài đến gối, áo quần “sặc sỡ” hơn.

Xạ hố xạ

Vòng đua trên sông được cắm hoa tiêu ở 3 vị trí bằng 3 cây tre chừa ngọn trên buộc cờ đuôi nheo. Hai hoa tiêu ở hai đầu có khi cách nhau từ 3 đến 4km, phải bơi cật lực từ 5-10 vòng mới về đích. Tùy thể lệ cuộc đua, các tay đua vác dầm đứng xếp hàng chờ lệnh, hoặc là ngồi sẵn trong ghe. Hiệu lệnh bằng nhiều cách như hồi trống, đốt pháo, nổ súng, phất cờ, tức thì các ghe đua tranh nhau vượt lên lao ra “đường băng” trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng pháo, cùng với tiếng reo hò khản cổ của nam thanh, nữ tú, người già, trẻ em đứng trên bờ, lội xuống sông dầm ướt phất cờ, tạt nước, tung mũ nón, tung hoa, có những người cởi áo, ném dù (ô), múa may, khóc cười nức nở...

Các tay đua trong khi dốc sức bơi thỉnh thoảng hô theo nhịp xướng của lái mũi: “Xạ hố xạ... hố xạ! Dốc bánh xạ... hố xạ!...”. Khi sắp vượt được ghe đối thủ, hoặc ghe đối thủ sắp vượt mình, các tay đua đồng thanh hét lớn, dài và mạnh, cố ý uy hiếp tinh thần đối phương và tự cổ vũ phấn khích mình.

Xem đua ghe thích thú và hồi hộp nhất là lúc ghe xuất phát, lúc họ kèm nhau, vượt nhau và lúc vặn rốn, xoay mình ôm cây tiêu để lao về đích. Sông nước như cuộn lên, sóng dội liên hồi, ghe xuồng người xem chao đảo, bồng bềnh va đập vào nhau, nhưng không một ai nặng lời.

Quang cảnh ngoạn mục nữa là lúc chiến thắng trở về, các tay đua thư thả buông dầm, vừa bơi vừa hát: “Hò... hơ... Ngó lên trên rừng thấy cặp cu đang đá/ Ngó về dưới biển thấy cặp cá đang đua/ Anh về lập miễu thờ vua/ Lập lăng thờ mẹ, lập chùa thờ cha... Là hò... hơ...”. Làn điệu hô hát này khác hoàn toàn với các điệu hát đò dọc sông Hương (Huế) hoặc sông Thu Bồn (Quảng Nam), mà có phần giống làn điệu chèo thuyền trên sông Mã (Thanh Hóa). Người nghe xem gọi đó là điệu hò “bá trảo”, có người nói “bả trạo”, hai từ đều có nghĩa (bá trảo = trăm mái chèo), (bả trạo = cầm chèo lên). Theo GS.Huỳnh Lý, ở quê tôi, ông chưa được thấy viết trong sách bằng chữ Hán, nên chưa xác định được chữ nào đúng.

Dấu tích chiến thuyền

Xem đua ghe, tôi chợt nghĩ, như một sự liên tưởng đến tập quán thủy quân của nước ta thuở xưa. Cách đóng ghe thuyền chiến, cách thi hành mệnh lệnh nhanh chóng; cách bơi rập ràng, tận dụng sức lực; cách lái lúc chậm, lúc mau; cách vận dụng cả một tập thể như một; việc đội ghe lên khi có sự cố, lật ghe lại để bơi tiếp; việc đoán bắt luồng con nước, sóng cả; cho đến hò hét để uy hiếp tinh thần đối phương và động viên đồng đội, tranh chớp thời cơ... đã cho chúng ta nghĩ đến truyền thống sinh hoạt, lao động và đánh giặc trên sông nước của một bộ phận nhân dân ta.

Tìm hiểu sách báo về chiến thuyền ta với ghe thuyền đua sau này, càng tin chắc hội đua ghe là phiên bản dấu tích của một nền thủy quân hùng mạnh. Cần phải nói là nhiều tỉnh khác cũng có đua ghe, nhưng ít có nơi nào vào cuộc đua hùng dũng, đua to như trên các sông lớn ở miền Trung. Phải chăng, ở vùng đất xứ Đàng Trong này xưa kia là căn cứ, tiền đồn hải quân lớn nhất của chúa Nguyễn như cửa Đại Chiêm, cửa Hàn, cửa An Hòa, sông Chợ Củi... (Quảng Nam, Đà Nẵng)? 

Có một nền văn hóa sông nước là tất yếu của diện mạo tự nhiên, lịch sử quyện chặt với con người dù ở bất cứ vùng miền nào, chứ không chỉ  riêng ở Quảng Nam, Đà Nẵng hay miền Trung lưng tựa Trường Sơn, mặt nhìn ra Biển Đông với “Một đèo, một đèo, lại một đèo. Một sông, một sông, lại một sông” - tuy có đặc thù, nhưng cũng là cái chung văn hóa sông nước của non nước Việt.

HOÀNG HƯƠNG VIỆT