Biến dạng những ngôi làng xứ Quảng
(QNO) - Quá trình phát triển đã khiến một số ngôi làng điển hình xứ Quảng dần biến dạng về mặt kiến trúc, cảnh quan, đặc biệt là sự phai nhạt các giá trị văn hóa, nếp sống, ứng xử của các thành viên trong cộng đồng…
1. Làng Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) ngày cận tết rộn rã cờ hoa. Dọc các lối bê tông trong làng, những ngôi nhà ngói đỏ tươi còn mùi sơn. Ông Võ Đăng Sự - Trưởng thôn Triêm Tây ngồi uống trà trên bộ ghế đá trước sân nhìn về hướng cầu Cẩm Kim vừa hoàn thành, lòng phơi phới. Mùa xuân này ông rất vui vì vừa sơn sửa lại ngôi nhà. Hàng chè tàu trước nhà cũng đã được phá bỏ thay thế bằng tường rào bê tông cứng cáp.
Hơn 5 năm qua, kể từ khi Triêm Tây làm du lịch, bộ mặt làng quê thay đổi nhanh chóng, ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà kiên cố 2 - 3 tầng. Chỉ riêng 2 năm trở lại đây gần 10 ngôi nhà đã được xây mới, sửa chữa khang trang. Cùng với đó, nhiều hàng chè tàu, rặng tre xanh cũng dần biến mất. “Triêm Tây có du lịch giá đất tăng cao, bà con phá bỏ bụi tre bán đất, có tiền nên ai cũng làm nhà to” - ông Võ Đăng Sự nói. Một số gia đình vốn thuộc diện hộ nghèo nhưng chỉ sau một đêm bỗng trở thành tỷ phú nhờ bán đất.
Triêm Tây từng được xem là số ít ngôi làng điển hình còn sót lại ở Quảng Nam. Đó cũng là một trong các lý do nơi đây được chọn làm du lịch cộng đồng. Thông qua các dự án du lịch, hạ tầng, giao thông từng bước được đầu tư nâng cấp. Từ một vùng quê sạt lở, đất đai cằn cỗi, ngôi làng bỗng trở nên đắt giá khi 2 cây cầu Cẩm Kim lần lượt hoàn thành, mở ra không gian rộng lớn kết nối TP.Hội An với phần còn lại của xã Điện Phương, nhất là vùng phía đông Duy Xuyên, Thăng Bình. Điều này cùng đồng nghĩa quá trình bê tông hóa Triêm Tây được thúc đẩy nhanh hơn.
Theo ông Võ Đăng Sự, dù luyến tiếc làng quê xưa, nhưng nếu lựa chọn giữa cuộc sống tiện nghi và không gian truyền thống chắc chắn người dân sẽ chọn điều tốt đẹp nhất cho mình, bởi bao năm nay đã chịu khổ nhiều rồi. “Trước đây, khi du lịch mới vào, dự án hỗ trợ mỗi hộ vài trăm đến vài triệu đồng trồng chè tàu, ai cũng phấn chấn, nhưng rồi đất đai lên giá họ sẵn sàng phá chè tàu, phá bụi tre bán đất kiếm vài tỷ đồng. Có tiền xây nhà thì phải làm đường, tường rào kiên cố cho đẹp, cho an toàn, nên Triêm Tây dần bị bê tông hóa. Bây giờ nếu du lịch có mất đi thì cũng chẳng ai buồn vì thực tế thời gian qua người dân hưởng lợi không bao nhiêu” - ông Sự chia sẻ.
2. Bảo tồn và phát triển luôn là câu chuyện dài, nhất là với những ngôi làng làm du lịch. Không riêng Triêm Tây, một số ngôi làng được xem là điển hình ở Quảng Nam như Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước), Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, Duy Xuyên), Tam Thanh (Tam Kỳ), thậm chí các làng truyền thống Cơ Tu như Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang), Zara (xã Tà Bhing, Nam Giang)… cũng đang dần biến dạng. Điều đó không chỉ biểu hiện về mặt kiến trúc, cảnh quan mà còn trong văn hóa, ứng xử cộng đồng...
Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch - dịch vụ Hoa Hồng từng bày tỏ lo lắng khi các giá trị văn hóa Cơ Tu tại làng Bhờ Hôồng, nơi ông đầu tư du lịch đang dần mất đi bản sắc. “Thanh niên, thiếu nữ trong làng hầu như không thích bận đồ thổ cẩm, kể cả trong những dịp lễ hội. Họ thay âm nhạc truyền thống bằng karaoke hát những bài nhạc trẻ của người Kinh, thậm chí hát suốt ngày khiến du khách không khỏi lắc đầu thất vọng khi đến tham quan. Làng đã không còn đặc trưng nguyên sơ như vốn có” - ông Dũng chia sẻ.
Không phủ nhận, thay đổi là điều tất yếu trong phát triển xã hội, nhất là về hạ tầng, kiến trúc… bởi không thể níu giữ mãi những giá trị truyền thống khi mà nhu cầu cuộc sống ngày càng thay đổi. Tuy nhiên, biến dạng văn hóa, nếp sống, cảnh quan trong những ngôi làng truyền thống vẫn đáng lo ngại.
Theo ông Lê Ngọc Thuận - chủ hệ thống nhà hàng An Bàng (Hội An), một trong những yếu tố thu hút khách trong phát triển du lịch chính là sự khác biệt dựa trên các giá trị đặc trưng. Năm 2020, ông Thuận đầu tư vào làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn đành rút lui. Nguyên nhân là mâu thuẫn, bất đồng trong kế hoạch phát triển ngôi làng, sản phẩm, quy hoạch không gian…, nhất là việc hợp tác với người dân.
“Phát triển du lịch là hướng đi phù hợp nhưng cũng sẽ mang đến nhiều hệ lụy cho làng. Trong đó, việc nhiều nhà đầu tư bất động sản đổ xô vào mua đất là điều nguy hại. Bởi họ mua đất không phải để làm du lịch mà chỉ bán qua lại kiếm lời. Chưa kể, việc mua bán này sẽ khiến nhiều làng bị biến dạng dần trở thành những đô thị trong tương lai, nhưng khách thì không cần đến đây để xem đô thị. Với người dân, điều đó không quan trọng bằng việc mang lại cái lợi trước mắt cho họ” - ông Thuận phân tích.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá trị cốt lõi của những ngôi làng truyền thống xứ Quảng chính là văn hóa, cảnh quan và nếp sống cộng đồng, đó cũng là điều du khách muốn khám phá chứ không phải là tiện nghi đô thị. Vì thế, bên cạnh nâng cao những tiện ích phù hợp cũng cần gìn giữ những giá trị cốt lõi của làng trong tiến trình phát triển, qua đó sẽ mang đến cơ hội, kể cả biến giá trị làng thành những sản phẩm du lịch bán được giá cao và bền vững.