Cãi trong góc nhìn đa văn hóa

NGUYỄN TRUNG HIẾU 12/02/2021 10:47

(Xuân Tân Sửu) - Phải chăng tính cách “hay cãi” xuất phát từ quá trình tiếp biến văn hóa đa sắc, trên con đường Nam tiến của dân tộc Việt Nam, mà trong đó Quảng Nam đóng vai trò là điểm đón, đưa của vùng đất mở phương Nam?

“Quảng Nam hay cãi” - minh họa của Hoàng Đặng.
“Quảng Nam hay cãi” - minh họa của Hoàng Đặng.

Chuyện cãi

Ở Quảng Nam có giai thoại: Cách đây vài thế kỷ, một khách tha phương đi qua và ghé vào xin nghỉ chân ở một ngôi nhà miệt Nam Bộ. Chủ nhà đon đả, lịch sự mời nghỉ chân trên chiếc ván ngựa rồi chạy lấy nước mời khách. Dáng vẻ lăng xăng của gia chủ không giấu được thái độ lo lắng, bồn chồn khi tai cứ ngóng chừng tiếng rên rỉ liên hồi, cùng tiếng giục giã của một người đàn bà ở buồng trong, mà nghe qua biết là bà mụ: “Rặn, rặn, cố rặn nữa!…”. Gặng hỏi mới biết vợ anh chủ nhà trở dạ, nhưng đến ba ngày rồi, mà đứa bé vẫn chưa chịu ra!

Dường như không quan tâm gì đến nghịch cảnh, ông khách thong thả nhấp ngụm trà, gợi chuyện: “Anh là người Quảng Nam?”; đáp: “Phải, quê tôi ở phủ Điện Bàn”. Nghe vậy khách cười giả lả làm ra vẻ hiểu biết: “À, biết rồi, phủ ấy giáp giới Tàu”. Chủ cãi lại: “Sao lại giáp Trung Hoa, phủ Điện Bàn ở tỉnh Quảng Nam, giáp giới kinh đô Huế mà”. Ông khách lại bồi tiếp: “Lạ gì! Nước Huế ở gần Thăng Long…”. Không nén được cơn bực, chủ đáp liền: “Ông nói lạ! Thăng Long ở Bắc, Huế ở Trung. Mà răng lại gọi kinh đô là nước Huế?”.

Cứ thế, chuyện nọ xọ chuyện kia, hai người đàn ông to tiếng tranh luận, át cả tiếng rên, tiếng bà mụ phòng trong. Đột nhiên nghe tiếng xòa, rồi tiếng bà mụ vui mừng la to: “Sanh rồi, con trai, con trai… Chúc mừng gia chủ!”.

Đến đây người khách mới phát tiếng cười to mà bảo: “Thằng con anh lì lắm. Nhưng nó là thằng hậu duệ dân Quảng Nam, nên tôi phải dùng mẹo dụ nó. Nó đâu có chịu nằm yên khi nghe trận cãi nảy lửa của cha nó bên ngoài…”.

Là câu chuyện mang màu sắc bỡn cợt về tính cách, nhưng khó ai phủ nhận tính cách hay cãi của người Quảng Nam. Họ cãi trong mọi tình huống! Từ cuộc tụ bạ chỉ có dăm ba người trên bàn nhậu, đến giỗ chạp trong gia đình… thậm chí trên cả báo chí, học thuyết, diễn đàn… và “cãi” không kể đối tượng đó là cấp trên, kẻ dưới, anh em, cha con, thầy trò…

Cái lý sự của người Quảng Nam trong lịch sử đã từng ghi câu chuyện Thủy quân vệ Chỉ huy sứ Nguyễn Văn Lang, người Quế Phú, Quế Sơn, thời nhà Lê, thấy chuyện trái tai gai mắt trong triều mà dâng sớ “Bình Trị”. Sớ ông viết có đoạn: “Đời Nghiêu, Thuấn, vua rất thánh minh, nước nhà thạnh trị mà bầy tôi là ông Bá Ích còn khuyên rằng: Đừng vui quá độ, đừng chơi quá mức, đừng xao lãng việc nước, phải phòng ngừa sự suy vong xảy đến. Vua nghe theo lời mà phòng bị, và trở nên bậc đại thánh... Làm tôi có tâu với vua điều gì mà không thành thật, không khích động thì không giúp ích gì cho vua. Còn nhà vua tiếp lời bầy tôi trần cáo mà không lưu ý thì chẳng khác gì chận ngặt con đường trần gián của bầy tôi...”. Rồi ông xin vào Nam để tránh họa sát thân.

Cội nguồn của tính hay cãi

Học giả Nguyễn Văn Xuân cho rằng, tính hay cãi là hậu quả của nhiều mâu thuẫn trong sinh hoạt, trong phát triển do đó mới “bất bình, tất thanh”, chứ không thể không có vấn đề mà nảy ra đối thoại liên tục đến thành tính cách. Ông lập luận, ngay từ buổi sơ khởi, các mâu thuẫn đã rất sâu xa. Quảng Nam khi nhập vào Đại Việt, đã là vùng đất có văn hóa cao của tiên dân (Chiêm Thành), là nơi hội tụ đông đúc của nhân dân kinh đô, thị trấn, có tôn giáo, phong tục, chữ viết riêng. Như thế, những tiền nhân Việt trên đất Quảng Nam ắt vấp phải thái độ phản kháng, bất phục tùng của tiên dân (?). Và chắc chắn, những cuộc cãi vã dù âm ỉ hay công khai kéo dài từ đời này qua đời khác cũng không thể tránh khỏi.

Tiếp theo đó Quảng Nam cũng là vùng đất chịu va đập mạnh nhất trải qua các thời Hồ, Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Pháp thuộc… bằng các cuộc đấu tranh quân sự trong vị trí “tiền đồn”. Và những “chính - tà, trung - nịnh” phải phân định minh bạch gây nên biết bao xô xát. Thứ nữa những tiền nhân Việt từ Thanh, Nghệ, Tĩnh… lần lượt hội tụ ở vùng đất này, hầu hết là những tay lưu lạc giang hồ, lưu dân, lưu đày (cận châu, viễn châu), đa số vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh… thì quả là những xung đột, va chạm xảy ra, không dễ gì sống yên ổn với nhau. Những vụ tranh giành, kiện cáo công điền, tư điền, tiền hiền, hậu hiền kéo dài, có khi cả thế kỷ, ngay từ bước đầu lập làng xã sóng gió đã nổi dậy rồi!

Dở hay chuyện cãi

Khó mà nói cho rõ, tính cách cãi là ưu hay nhược trong đời sống xã hội Việt Nam; trong các mối quan hệ phải - trái, trên - dưới... Thế nhưng Quảng Nam hẳn ai cũng biết câu: “Quảng Nam vô chánh nhất”. Nghĩa là người Quảng Nam không có Cần Chánh điện Đại học sĩ, là tước vị cao bậc nhất của triều Nguyễn, dù lắm người học hành xuất sắc và được trao chức vụ cao. Xét trong lịch sử cận đại, ngoại trừ đất Thừa Thiên Huế, là đất đế đô, đất của triều đình, của quan lại, còn hai tỉnh nhỏ phải phụ thuộc hành chánh vào tỉnh lớn khác là Quảng Trị, Quảng Ngãi, thì tổng đốc thường là người Quảng Ngãi như Trương Đăng Quế, Nguyễn Thân hay Quảng Trị như Nguyễn Văn Tường… mà hiếm có cái tên nào ở Quảng Nam được xướng lên.

Học giả Nguyễn Văn Xuân cho rằng, có thể đoán định, trong lịch sử với tính cách hay lý sự, người Quảng Nam gặp nhiều trắc trở trong thăng quan, tiến chức. Thời thế nào cũng vậy, chỉ cần nghe tiếng “hay cãi” thì kẻ trên, người dưới đều không mấy dễ chịu khi suốt ngày phải nghe cộng sự lý sự, dù việc đúng hay sai. Danh tướng Ông Ích Khiêm, một nhân tài 15 tuổi đậu cử nhân, đích thân vua Thiệu Trị kiểm tra và phê son khen ngợi, cùng những chiến tích lẫy lừng, cuối cùng phải tự chuốc độc trong ngục vì “cãi” vua.

Rồi Phan Châu Trinh, Phạm Phú Thứ, Lê Vĩnh Khanh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi… đều là bậc nhân sĩ, dù được xã hội trọng tài, nhưng không được chế độ đương thời (nhà Nguyễn) trọng dụng cũng vì “tật”… hay cãi! Trong cuốn “Phong trào Duy tân”, học giả Nguyễn Văn Xuân có đoạn viết: “Với những vị thủy tổ có thành tích cãi vua kiểu đó, thì trách chi trong bản chất của người Quảng đã có máu cãi”. Và vì vậy, cũng không trách chi câu chuyện mở đầu, dù là giai thoại, nhưng hàm ý, đã là người Quảng Nam, thì chưa lọt lòng mẹ đã có máu lý sự trong tính cách!

NGUYỄN TRUNG HIẾU