Con trâu trong kiến trúc của người Cơ Tu

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 07/02/2021 06:23

Với người Cơ Tu, con trâu được xem là tài sản quý, vật thiêng liêng trong cúng tế, lễ lạc. Hình ảnh con trâu trong điêu khắc của người Cơ Tu vì thế cũng thường xuất hiện vị trí chủ đạo.

Hình tượng con trâu xuất hiện vị trí chủ đạo trong điêu khắc của người Cơ Tu. Ảnh: N.T.H
Hình tượng con trâu xuất hiện vị trí chủ đạo trong điêu khắc của người Cơ Tu. Ảnh: N.T.H

Yếu tố chủ đạo

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đều dùng con trâu làm vật hiến tế trong các lễ hội lớn quan trọng như cầu mùa, được mùa, đám cưới, đám ma, bỏ mả... Nhưng mô tuýp hình tượng trâu trong  điêu khắc ít được thấy xuất hiện ở các công trình kiến trúc của người Bana Ê Đê… như nhà ở, nhà rông, nhà mồ.

Thế nhưng một số kiến trúc của người Cơ Tu, đặc biệt là nhà rông, gươl, ngay sau bậc cấp bằng gỗ đầu tiên bước lên là hình tượng con trâu được điêu khắc trên tấm gỗ dày của lối vào chính nhà. Chúng còn được xuất hiện ở 3 tấm ván còn lại bao quanh làm vách nhà. Hình tượng con trâu được điêu khắc mà nó đối diện với người nhìn là một cặp sừng cong gờ nổi cao ở hai bên, với cái đầu hơi cúi bên cạnh hai tai được cách điệu quặp xuống.

Người nghệ nhân Cơ Tu đã khéo léo bố trí bằng hai tấm phù điêu đầu trâu nhìn chính diện và cả ở đầu cột, đế cột như là vật biểu tượng của ngôi nhà. Nhà gươl có nhiều mô tuýp điêu khắc trên gỗ như chim, rồng, rắn, các con vật loài bò sát... Nhưng những hình tượng này chỉ xuất hiện ở những vị trí không quan trọng và chỉ là những chi tiết nhỏ vui mắt trong nội thất nhà.

Đi xa hơn, chúng ta đến thăm nhà mồ của người Cơ Tu nằm phía tây của làng. Nơi đây, hình ảnh rõ nhất là hai đầu trâu ở hai đầu quan tài và ở một phía đầu hồi nóc của nhà mồ. Ở hình tượng này, con trâu được mô phỏng rõ nét và tự nhiên hơn bằng khối tròn của thân cây y hệt  sừng, đầu, tai và đôi mắt gắn bằng miếng thủy tinh trông giống thật, chỉ khác thân của nó là thân của quan tài.

Ở nhà mồ cũng vậy, tượng tròn người phụ nữ, người đánh trống cùng các con vật như chim, gà, sơn dương, loài bò sát... cũng chỉ được điêu khắc với kích thước nhỏ hơn và bố trí ở trụ chống, bờ nóc, diềm mái ở thân quan tài và cũng chỉ là những chi tiết nhỏ mà thôi.

Trở lại gươl, đầu trâu được điêu khắc dính liền trên một tấm ván dày và tấm ván này là vách tựa của ngôi nhà thay cho vách đan bằng tre, kích thước dài từ 700cm trở lên, rộng 50cm và dày đến 15cm. Bề dày của tấm ván có thể mỏng hơn nếu họ dùng cách điêu khắc đầu trâu riêng biệt rồi sau đó liên kết bằng mấu chốt gỗ như thường làm ở các cấu kiện khác. Nhưng vì nó có ý nghĩa quan trọng nên phổ biến vẫn là liền khối.

Với kích cỡ ấy, người Cơ Tu đã tốn rất nhiều công sức để vào rừng chọn những cây gỗ lớn cho phù hợp với ý đồ, trang trí của mình sao cho không bị chắp nối. Còn ở nhà mồ, quan tài cũng là một thân cây lớn nguyên vẹn được xẻ làm đôi, phần nắp và phần thân với hai đầu trâu dính chặt vào thân không có mộng nối.

Quý giá và thiêng liêng

Thử đặt câu hỏi vì sao người Cơ Tu dùng hình tượng con trâu để làm những đồ ấn chính điêu khắc ở những vị trí quan trọng nêu trên. Với người Việt chúng ta hay các dân tộc Đông Nam Á nói chung, con trâu có ý nghĩa quan trọng trong nông nghiệp. Trong tiếng Cơ Tu, con trâu được gọi là “Tơ-ri” nhưng con bò thì họ lại mượn tiếng “bò” của người Kinh để gọi.

Con trâu là con vật hiền, dễ thuần phục và có lẽ người Cơ Tu đã thuần phục được nó trước khi có con bò của người miền xuôi mang đến. Người Cơ Tu mới biết làm ruộng nước do kinh nghiệm của người Kinh mang lại. Nhưng trước đó, với địa bàn canh tác chỉ là đồi núi, không có ruộng sâu, ruộng nước thì việc dùng trâu là không phù hợp,

Với người Cơ Tu, con trâu được xem là tài sản quý, dùng để trao đổi và được tính bằng đơn vị 1 trâu, 2 trâu. Hoặc có người nào đó có việc mắc tội, bị lỗi với làng, thì làng cũng phạt vạ 1 trâu, 2 trâu. Trâu còn làm vật trung gian, là một sứ giả được con người gửi lên gặp gỡ thần linh trong các buổi lễ: cầu xin (cầu mùa, cầu mưa...), dâng cúng (được mùa lúa mới), cùng vui (đám cưới), tiễn biệt (đám ma, bỏ mả).

Người Cơ Tu còn sâu sắc hơn khi họ có điệu hát lý khóc trâu. Trong dân vũ (Tâng tung da dá) và trong nhạc chiêng cũng dành riêng cho việc khóc tế trâu. Nếu quan sát lễ hiến tế trâu, người ta không phải đâm trâu cốt để ăn thịt hay đâm lung tung trên người nó để đùa vui, nhảy múa... Nếu có con trâu bạc để hiến tế thì thiêng hơn.

Trước khi đâm, người chủ lễ sẽ dùng than vẽ đúng vị trí quả tim của con trâu và khi con trâu ngã xuống, người chủ lễ hoặc người già làng sẽ cẩn trọng rót nước nóng đúng vị trí quả tim bị đâm, rồi trịnh trọng phủ tấm khố đẹp nhất của làng lên mình trâu, không quên những lời cầu nguyện tốt đẹp nhất cho sự ra đi của nó. Cái đuôi cũng được cắt lấy ném lên cột lễ như sự cầu may hay bói quẻ.

Con vật thiêng liêng như thế, nên người Cơ Tu rất quý nó và còn gì hơn là khắc hình ảnh nó lên những nơi trang trọng nhất trong những kiến trúc của họ như nhà chung, gươl với hy vọng cho mọi thành viên trong làng được của cải, vật lộc dồi dào. Và một lần nữa lại xuất hiện quan tài ở nhà mồ như là vật dâng cúng làm quà cho người chết mang theo để tiếp tục đời sống ấm no ở thế giới bên kia.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ