Chiêm ngưỡng biểu tượng trên đài thờ Khương Mỹ

TRẦN KỲ PHƯƠNG - NGUYỄN TÚ ANH 31/01/2021 06:41

Đài thờ Khương Mỹ là một tác phẩm đầy thách thức với giới nghiên cứu nghệ thuật Chămpa trong hơn một thế kỷ qua kể từ khi được phát hiện. Thoạt nhìn, các hình tượng hoa lá và động vật như đơn thuần mang tính trang trí, tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu đã lý giải đây là một trong những tác phẩm hiếm hoi nhất của nghệ thuật Đông Nam Á thể hiện cô đọng nội dung cốt tủy của triết học Ấn Độ trong thánh thư Chí Tôn Ca, hay Bhagavad Gita gọi tắt là Gita. 

Đài thờ Khương Mỹ thể hiện cỗ chiến xa bốn bánh do thần Krisna điều khiển.
Đài thờ Khương Mỹ thể hiện cỗ chiến xa bốn bánh do thần Krisna điều khiển.

Ý nghĩa triết học

Chí Tôn Ca được hình thành từ cuộc đối thoại giữa hoàng tử Arjuna của dòng họ Pandava và thần Krisna là người điều khiển cỗ chiến xa của hoàng tử, Krisna cũng là một hóa thân của thần Visnu. Ngay khởi điểm của trận thánh chiến Dharma Yuddha giữa hai dòng họ Pandavas và Kauravas, Arjuna xuất hiện với tâm tư đầy phân vân về đạo đức và thất vọng, sự giằng xé giữa bạo lực và cái chết, vì trận chiến này là một cuộc huynh đệ tương tàn. Để tìm câu trả lời cho việc “nên hay không” tham gia cuộc chiến, hoàng tử đã tìm kiếm từ những lời khuyên từ Krisna, vì những câu trả lời và giảng giải của thần Krisna chính là tư tưởng triết học xuyên suốt Chí Tôn Ca. Trong đó, Krisna khuyên Arjuna hãy làm tròn phận sự của một chiến binh (Kshatriya) để bảo vệ chân lý thông qua hành vi vô ngã. Cuộc đối thoại giữa Krisna và Arjuna đã đặt ra những vấn đề rộng lớn bao gồm những chủ đề tâm linh phức tạp, những phân vân về mặt đạo đức và sự truy vấn các phạm trù triết học vượt xa hẳn giới hạn của trận chiến mà Arjuna đang phải đối mặt.

Cỗ chiến xa thể hiện trên đài thờ Khương Mỹ là một khối vuông chạm trổ bốn mặt, được giới chuyên môn phỏng định niên đại vào thế kỷ 10. Đài thờ này đặt trước cửa chính của ngôi đền để dâng lễ vật cho chư thần trước khi mở cửa tiến hành nghi lễ chính trong chánh điện. Mặt chính của đài thờ điêu khắc tinh tế một đóa sen nở kèm với lá và nụ sen; dưới cuốn sen là hai con rùa nhỏ như đang bơi trong nước. Hai bên hông đài thờ chạm hai chiến binh cưỡi ngựa kẹp giữa hai bánh xe lớn mỗi bánh có 16 hoa nan. Mặt trước đài thờ chạm hình đầu ngựa biểu tượng cho chính con bạch mã kéo cỗ chiến xa của Arjuna. 

Đầu ngựa tượng trưng con bạch mã kéo cỗ chiến xa.
Đầu ngựa tượng trưng con bạch mã kéo cỗ chiến xa.

Cỗ xe gợi đến hình ảnh của ngôi đền bằng gạch hoặc đá thể hiện dưới dạng thức một cỗ chiến xa xuất trận phổ biến trong nghệ thuật cổ Ấn Độ. Ngày nay, tại quốc gia này, trong lễ tế Krisna cỗ chiến xa bằng gỗ được diễu hành suốt thời gian lễ hội.

Luận giải

Chương một của Chí Tôn Ca, tiêu đề “Đối diện kẻ thù trên chiến địa Kurukshetra”, phản ảnh cuộc đối thoại giữa Krisna và Arjuna ngay trước trận chiến. Trong đó, Arjuna của dòng Pandavas yêu cầu người điều khiển cỗ chiến xa, là thần Krisna, chạy thẳng vào trung tâm của chiến địa, giữa hai đội quân. Chàng muốn chạm trán với những chiến binh oai dũng của kẻ thù đang sẵn sàng chiến đấu; Arjuna phải đối mặt với anh em thân thuộc, bạn bè và những bậc tôn kính tụ tập trong đội quân của dòng Kauvaras. Những lời giải thích và khuyên nhủ của Krisna dựa trên nền tảng cốt yếu của triết học Bà-la-môn, vì vậy mà cuộc đối thoại giữa Krisna và Arjuna đã trở thành thông điệp chính của Chí Tôn Ca. 

Trở lại với các hình ảnh được thể hiện trên đài thờ Khương Mỹ, cỗ chiến xa được nghệ thuật hóa thành hai cặp bánh xe, hai kỵ mã chạm hai bên hông đài thờ tượng trưng cho hai đội quân của Pandavas và Kauravas. Và hình ảnh chiếc đầu ngựa tượng trưng cho con bạch mã Swetavahana kéo cỗ chiến xa do Krisna cầm cương.

Theo chi tiết diễn đạt, con rùa bên trái có đuôi dài nên là rùa đực, còn con bên phải có đuôi ngắn hơn nên là rùa cái. Theo kinh thư Vệ Đà, rùa gắn liền với thần Visnu, cho nên hai con rùa chạm trên đài thờ có thể xem là biểu tượng cho tín ngưỡng Visnu. Chúa tể Rùa hay chúa tể Sáng tạo, tên là Kasyapa, là một hóa thân của thần Visnu; cùng với cá, rùa tượng trưng cho mặt trời và nước, trợ giúp thần cứu chuộc thế gian. 

Đóa sen nở tượng trưng cho thế trận Hoa sen (Padmavyuha) của phe Pandavas; và hai con rùa tượng trưng cho thế trận con Rùa (Kurmavyuha) của phe Kauravas.
Đóa sen nở tượng trưng cho thế trận Hoa sen (Padmavyuha) của phe Pandavas; và hai con rùa tượng trưng cho thế trận con Rùa (Kurmavyuha) của phe Kauravas.

Trong sử thi Mahabharata, hình tượng con rùa được ghi nhận như sau: thế trận con Rùa có tên là Kurmavyuha, đã được thủ lĩnh Bhishma của phe Kauravas sử dụng vào ngày thứ Tám trên chiến trường Kurukshetra. Trong khi đó, dũng sĩ Bhima của phe Pandavas đã dàn quân theo thế trận Mũi đinh ba hay Trisulavyuha. Hình tượng rùa chạm trên đài thờ Khương Mỹ là tượng trưng cho thế trận Rùa của phe Kauravas chống lại thế trận Mũi đinh ba của phe Pandavas do dũng sĩ Bhima lãnh đạo dưới sự tư vấn của Krisna, nhờ vậy Bhima đã chiến thắng phe Kauravas.

Đóa sen nở chạm trên đài thờ Khương Mỹ cũng được hình tượng hóa trong Gita như sau:  Abhimanyu là kẻ đã nhiều lần lập mưu ám hại Krisna nhưng thất bại, là kẻ thù truyền kiếp của thần Krisna. Trong ngày thứ Mười Ba, thế trận Hoa sen, còn gọi là Padmavyuha, đã được Krisna sử dụng để triệt hạ Abhimanyu của phe Kauravas. Trên chiến trường Kurukshetra, Abhimanyu đã bị thế trận Hoa sen vây hãm cho đến chết. Như vậy hình tượng rùa, đóa sen cùng được thể hiện trên đài thờ Khương Mỹ diễn tả hai thế trận lừng lẫy nhất trên chiến trường Kurukshetra đem lại chiến thắng cho quân đội của hoàng tử Arjuna dưới sự khuyên nhủ và tư vấn của thần Krisna.     

Lưu ý khi trùng tu

Việc sử dụng các hình ảnh biểu tượng được nghệ thuật hóa trên một đài thờ nhỏ, bộc lộ sự am tường về triết học và các văn bản Phạn ngữ của giới tu sĩ và nghệ sĩ Chămpa đương thời. Tác phẩm này là một trong những minh họa hiếm hoi về Chí Tôn Ca của nghệ thuật Đông Nam Á; nó nổi bật trong nền điêu khắc Chàm như một minh chứng độc đáo cho tài năng nghệ thuật thiên phú của dân tộc này.  

Nhóm Khương Mỹ thuộc hệ phái Visnu, gồm ba ngôi đền chính thờ Visnu, Krisna và Rama. Trong đó ngôi đền phía nam thờ Rama được minh họa các hoạt cảnh của sử thi Ramayana; ngôi đền giữa thờ Krisna với trang trí cái mũ kirita-mukuta tượng trưng của thần; và ngôi đền phía bắc thờ thần Visnu nơi tìm thấy pho tượng thần Visnu đứng bằng sa thạch.

Nhóm đền - tháp Khương Mỹ mang những giá trị tôn giáo đặc thù của các vương triều Chămpa từ thế kỷ 10 đến 12, vì vậy trong thời kỳ trùng tu cần lưu ý bảo quản hiện trạng nguyên gốc. Bao gồm những chi tiết điêu khắc hình người hoặc động vật cũng như họa tiết hoa lá. Tất cả chi tiết nêu trên hỗ trợ làm sáng tỏ ý nghĩa biểu tượng của những ngôi đền, chúng là chứng cứ thiết thực góp phần tìm hiểu các giai đoạn phát triển tư tưởng và nghệ thuật của Vương quốc cổ Chămpa.

TRẦN KỲ PHƯƠNG - NGUYỄN TÚ ANH