Khắc họa dấu ấn làng nghề

HOÀNG LIÊN 04/01/2021 06:10

Công trình nghiên cứu, biên soạn “Từ điển các nghề, làng nghề truyền thống ở Quảng Nam”, do PGS-TS. Phạm Văn Hảo (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) và các cộng sự triển khai góp phần bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, tôn vinh giá trị, tinh hoa văn hóa của nghề, làng nghề Quảng Nam - “xứ trăm nghề”. 

Nghề mộc ngày càng phát triển tại Quảng Nam. Ảnh: K.L
Nghề mộc ngày càng phát triển tại Quảng Nam. Ảnh: K.L

Nhóm nghiên cứu, biên soạn kỳ vọng, cuốn “Từ điển các nghề, làng nghề truyền thống ở Quảng Nam” có vai trò, ý nghĩa như cuốn bách khoa toàn thư về nghề, làng nghề xứ Quảng. Đề tài đề ra kế hoạch thu thập, điền dã, nghiên cứu hơn 30 làng nghề đặc trưng, có những nghề nằm trong khuôn khổ 10 nhóm nghề, làng nghề truyền thống để đưa vào từ điển (gồm các nhóm nghề: đúc đồng, gốm, mộc, dệt vải, dệt chiếu, đan lát, trồng rau, chế biến hải sản, chế biến thực phẩm, làm hương).

PGS-TS. Nguyễn Văn Hảo cho hay, “Từ điển về nghề và các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam” dự kiến có 600 mục từ ngữ, dày 500 trang. Công trình hướng tới giới thiệu tinh hoa của các làng nghề theo lối từ điển bách khoa đầu tiên ở Việt Nam.

TS. Nguyễn Minh Phương (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) cho rằng, cùng với cuốn từ điển, nhóm cũng chuẩn bị sản xuất phim tư liệu về nghề và làng nghề truyền thống ở Quảng Nam. Đây sẽ là công trình sống cùng thời gian, thể hiện giá trị khoa học và thực tiễn, là kênh tham khảo giá trị. Phim sẽ khái quát về địa phương hình thành nghề, nguồn gốc của nghề, nghệ nhân truyền nghề, nguồn nguyên liệu, công cụ sản xuất, kỹ thuật, bí quyết nghề nghiệp, sản phẩm, thị trường tiêu thụ, vai trò kinh tế - văn hóa - xã hội.

Đề cập việc biên soạn “Từ điển về nghề và các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam”, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các nội dung đã nêu, nhóm nghiên cứu cần có sự hoàn thiện, bổ sung một số nghề, làng nghề truyền thống đặc trưng xứ Quảng, tạo sự phong phú, sinh động cho cuốn từ điển.

Ông Nguyễn Chí Trung - nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, cái hay của công trình là từ ngữ, thuật ngữ dùng trong dân gian nơi các nhóm nghề truyền thống. Qua đó góp phần bảo tồn, bảo lưu các yếu tố, giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, gắn với tri thức bản địa. Song cần phân biệt rõ ràng các khái niệm: nghề, làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống theo các tiêu chí của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ VH-TT&DL. 

Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Kỹ thuật (Sở NN&PTNT) góp ý, công trình phải khai thác các yếu tố ngôn ngữ của nghề truyền thống, làng nghề truyền thống (hơn 50 năm). Phải khai thác được yếu tố nghiên cứu khái quát về tính đặc thù, những định nghĩa, giải thích về nghề, làng nghề truyền thống, đưa vào danh mục tra cứu... Cần gắn với chương trình OCOP, câu chuyện làng nghề; gắn với nghệ nhân, cơ sở sản xuất. Nhất là cuối năm 2020, Quảng Nam có gần 200 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, riêng đèn lồng Hội An đạt 5 sao...

HOÀNG LIÊN