Chuyển động cùng mỹ thuật xứ Quảng
Mỹ thuật Quảng Nam đang có nhiều hơn những chuyển động tích cực, dù trải qua một năm khá im ắng vì các tác động khách quan.
Tin vui mới đây tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 (diễn ra từ ngày 1 - 10.12) Quảng Nam có 5 tác phẩm được chọn để trưng bày và xét giải trong số 497 tác phẩm tiêu biểu của 483 tác giả ở 3 chuyên ngành: điêu khắc, hội họa, đồ họa; nghệ thuật sắp đặt; video art để trưng bày và xét chọn giải thưởng.
Góp tiếng nói bằng sắc màu
Mỗi nghệ sĩ Quảng Nam góp một câu chuyện khắc họa góc nhìn cuộc sống một cách sinh động. Một Hà Châu với tác phẩm “Những đóa hoa hướng dương”, Đoàn Minh Thuần với tác phẩm “Những trái tim hồng” đều gợi lại những xúc cảm đặc biệt của một miền Trung trong mùa dịch Covid-19. Hai tác phẩm này cùng đoạt giải Nhì tại Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật “Đà Nẵng trên tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19”.
Ông Nguyễn Dũng - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam chia sẻ, mỗi văn nghệ sĩ Quảng Nam trong những ngày giãn cách xã hội rất muốn bộc lộ, giãi bày sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn những chiến sĩ, chiến binh áo trắng, nên các sáng tác của họ đều xuất phát từ thực tế; những câu chuyện họ kể, theo đó cũng nhận được sự đồng cảm.
Một lớp nghệ sĩ trẻ Quảng Nam đã làm nên dòng chảy góp phần tạo “bản sắc” riêng của mỹ thuật Quảng Nam với gam màu rất riêng. Lê Đình Chinh bền bỉ chọn cho mình con đường đi riêng biệt với hội họa bằng chất liệu sơn mài và những giá trị văn hóa truyền thống quê xứ.
Tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020, họa sĩ Lê Đình Chinh đoạt giải thưởng Đồng hạng của Hội Mỹ thuật Việt Nam với tác phẩm “Ngày xuân đầu tiên” - một tác phẩm đậm chất văn hóa xứ Quảng. Nhà điêu khắc Trần Đức với tác phẩm “Ấn tượng Côn Đảo” khắc họa hình ảnh một phần của hệ thống nhà tù Côn Đảo, mà ở đó, ý chí cách mạng, lòng kiên trung của người tù cộng sản luôn ở phía bên ngoài của lao ngục. “Tôi muốn gợi nhắc về sự gian khổ, hy sinh của người chiến sĩ nói chung, tấm gương anh dũng hy sinh của người con Quảng Nam nói riêng vì độc lập, tự do của dân tộc” - nhà điêu khắc Trần Đức nói.
Những thể nghiệm
Đại diện Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam chia sẻ, ngoài những tác giả là hội viên Trung ương luôn có những tác phẩm chất lượng được Hội đồng mỹ thuật khu vực và Hội MTVN đánh giá cao thì số lượng hội viên địa phương cũng là lực lượng sáng tác rất đáng kể. Đội ngũ ấy luôn tìm tòi thể nghiệm trong ngôn ngữ biểu đạt, chất liệu, trong kỹ thuật và phong cách. Từ Hà Châu, Vũ Trọng Anh, Lê Bùi Cung Vũ, Trương Bách Tường... bằng những thể nghiệm khác nhau đã chuyển tải một phần đặc trưng Văn hóa Quảng Nam đến với công chúng yêu nghệ thuật toàn quốc. Những triển lãm cá nhân của lực lượng sáng tác này đã góp thêm một mảnh ghép vào bức tranh phong phú của văn hóa nghệ thuật đất Quảng.
Theo nhà điêu khắc Trần Đức, hoạt động mỹ thuật Quảng Nam từ khi tái lập tỉnh, và nhất là 5 năm trở lại đây có những bước chuyển tích cực. Số lượng hội viên được kết nạp nhiều hơn, phần lớn là trẻ, đào tạo bài bản, nhiệt huyết và có quan điểm, dần tiệm cận với khuynh hướng sáng tác mới với nội dung, đề tài phong phú. Nhiều tác phẩm có tìm tòi trong ngôn ngữ tạo hình, kỹ thuật thể hiện. Hầu hết tác giả trẻ khẳng định bản sắc riêng của mình dựa trên trải nghiệm cá nhân, nhiều tác phẩm cho thấy được sự tự tin, táo bạo trong sáng tạo.
Tuy nhiên, thị trường tranh nghệ thuật tại Quảng Nam vẫn cực kỳ hạn chế. Trước đây, nếu Hội An là nơi có thị trường tranh rất sôi động vì sự phát triển của du lịch thì trong khoảng hơn một năm trở lại đây có phần chựng lại. Nhưng may mắn, theo họa sĩ Nguyễn Dũng, vài năm trở lại đây, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã lưu giữ, tôn vinh các tác phẩm mỹ thuật của Đà Nẵng và khu vực, trong đó có nhiều tác phẩm của hội viên Chi hội mỹ thuật Quảng Nam. Đây chính là động lực để các tác giả đầu tư hơn cho tác phẩm của mình.
Bằng nhiều cách khác nhau, dù trong mọi hoàn cảnh, những nghệ sĩ xứ Quảng vẫn đủ bền bỉ trong cuộc chơi với nghệ thuật, luôn làm mới mình và làm nên diện mạo mỹ thuật Quảng Nam đa sắc màu, đầy ấn tượng.