Di sản và câu chuyện hồi sinh
Tròn 21 năm Quảng Nam được vinh danh hai Di sản Văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn (4.12). Cùng những thành tựu có được, điều đáng suy ngẫm về con đường phát triển ở tương lai trên nền phát huy giá trị của hai di sản này vẫn luôn thôi thúc những người yêu các giá trị di sản…
1. Trong quá khứ, sự hồi sinh của những vùng đất di sản đã được ghi nhận. Hơn 20 năm trước, Mỹ Sơn giống như “lò gạch” đổ; còn tại Hội An, không ít người lần lượt bỏ xứ ra đi khi nhà muốn bán cũng chẳng ai mua. Việc định danh để Quảng Nam khi đó vừa mới tách tỉnh cùng lúc có 2 Di sản văn hóa thế giới không phải tự nhiên mà thành. Lần giở lại buổi đầu của di sản cho đến những phát triển vượt bậc của ngày hôm nay, đã thấy cuộc hồi sinh mạnh mẽ của những vùng đất tinh hoa.
“Phố cổ Hội An đã được quản lý và bảo tồn tốt hơn trước, cùng với đó là sự tái hiện, phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể, hoạt động lễ hội hằng năm làm cho Hội An càng nổi bật với những nét đặc trưng của một trung tâm văn hóa của xứ Quảng và khu vực miền Trung. Một số tháp ở Khu đền tháp Mỹ Sơn được tu bổ, nhà trưng bày bổ sung được xây dựng, hạ tầng cơ sở được nâng cấp. Bằng những nỗ lực như thế, chúng tôi đã tạo lập ở hai khu di sản những sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn và đáp ứng yêu cầu phục vụ khách tham quan” - chia sẻ của lãnh đạo Quảng Nam trong Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam hồi năm 2019.
Với các chuyên gia UNESCO, Hội An đã trở thành thương hiệu, một “bài học” cho sự quản lý và bảo tồn di sản ở mức độ tốt nhất. Trong khi đó, với những người làm du lịch, vùng đất này trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Còn tại Mỹ Sơn, việc xác định du lịch cộng đồng là một trong ba trụ cột chính trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Lượng khách tham quan tăng đều hằng năm, năm sau cao hơn năm trước. Đối tượng khách ngày càng đa dạng, thị trường khách ngày càng mở rộng. Lượng khách du lịch đến với Hội An và Mỹ Sơn luôn vượt so với chỉ tiêu hằng năm.
Trong 21 năm với hàng loạt thành tựu đạt được, Hội An và Mỹ Sơn đang chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế cũng như người dân cả nước biết được những giá trị vô giá của mình. Đó cũng là những giá trị làm nên bản sắc văn hóa xứ Quảng. Sứ mệnh của di sản trong vòng quay phát triển của giai đoạn cũ, đã hoàn thành.
2. Tuy vậy, trong giai mới, Hội An phải đối diện với câu chuyện nguồn vật liệu gỗ tu bổ di tích bị thu hẹp, vùng đệm di sản ngày càng bị thu hẹp; còn tại Mỹ Sơn, những tháp cổ vẫn đang phải đối diện với tình trạng mủn mục gạch cổ… Ông Hồ Xuân Tịnh - nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, việc bảo tồn di sản của vùng đất chịu tác động không nhỏ từ biến đổi khí hậu. “Từ lụt bão đến độ ẩm không khí đều là yếu tố ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc cổ. Lụt gây xói lở, ảnh hưởng đến nền móng kiến trúc, trong khi đó, bão gây hư hại có thể không đong đếm được” - ông Tịnh nói.
Đại dịch Covid-19 đã thay đổi cách đi du lịch của người dân, và thay đổi cả những phát triển của hai khu di sản tại Quảng Nam. Nhìn rộng hơn, đại dịch này tác động đến tất cả hoạt động trên toàn cầu.
Ông Michael Croft - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, ngoài việc giảm mạnh số lượng du khách và suy thoái toàn cầu ngăn cản sự phục hồi nhanh chóng, đây có lẽ nên xem xét là thời điểm để các địa phương nhìn lại, cần cẩn trọng trong việc phụ thuộc quá nhiều vào du lịch đại chúng như một hình thức phát triển.
Theo ông, trong bối cảnh mới, thói quen thị hiếu của du khách đã thay đổi rất nhiều, người ta không muốn đi đến những nơi du lịch đông đúc nữa, mà tận hưởng các dịch vụ về với thiên nhiên, mang tính riêng tư cao. Cân bằng là con đường mà các địa phương phải tính đến bằng cách phát triển thêm những điểm đến vệ tinh, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách trong nước cũng như quốc tế. Điều này giúp giảm áp lực cho những điểm đến quen thuộc, đồng thời mang lại nhiều cơ hội hơn cho các địa phương khác. Nhưng điều quan trọng là các địa phương phải có sự hỗ trợ phát triển du lịch từng bước, tôn trọng môi trường và di sản văn hóa bản địa.
Xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên việc gìn giữ văn hóa bản địa, di sản là cách phát triển bền vững. Đây là nguyên tắc đầu tiên trong tất cả câu chuyện về bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong một năm khó khăn chung của toàn cầu, những thách thức đặt ra cho di sản ngày một lớn hơn. Với Hội An, ngoài việc sụt giảm hơn 70% lượng khách, còn kéo theo các hoạt động, sự kiện văn hóa phải tạm dừng. Nguồn thu giảm, dẫn đến câu chuyện tái đầu tư cho bảo tồn sẽ buộc phải cắt giảm. Bây giờ, đã đến lúc để chờ một câu chuyện hồi sinh với một tư duy phát triển mới, buộc phải khác đi.
“Chúng tôi mong muốn du lịch thúc đẩy sang một hướng mới, lấy giá trị di sản, văn hóa cộng đồng làm giá trị cốt lõi để phát triển du lịch bền vững. Chúng ta có thể xây dựng các mô hình phát triển hướng đến giá trị di sản văn hóa, di sản văn hóa coi trọng vai trò cộng đồng” - gợi ý từ ông Michael Croft.