Miếu Tam vị và thần tích về Tam vị thủy tướng

PHẠM PHƯỚC TỊNH 25/10/2020 07:53

Trong lịch sử, vùng đất Hội An có mối quan hệ mật thiết với các địa phương ở tỉnh Quảng Nam. Tại huyện Đại Lộc còn lưu giữ nhiều dấu tích, di tích… liên quan đến lịch sử - văn hóa Hội An như di tích Miếu Tam vị/dinh Ông nơi thờ tam vị thủy tướng gắn với sự tích 3 ông rắn được thờ tại làng Ái Nghĩa (Đại Lộc) và làng Thanh Hà, Tân Hiệp (Hội An)...

Vùng đất Hội An có mối giao thoa, liên kết văn hóa với Đại Lộc qua thần tích Tam vị thủy tướng (ảnh minh họa). Ảnh: NGUYỄN HỮU KHIÊM
Vùng đất Hội An có mối giao thoa, liên kết văn hóa với Đại Lộc qua thần tích Tam vị thủy tướng (ảnh minh họa). Ảnh: NGUYỄN HỮU KHIÊM
 Trong quá trình điều tra, khảo sát và thông qua các nguồn tư liệu sưu tầm được, có thể nhận thấy tam vị thủy tướng không chỉ được đề cập trong chính sử của triều Nguyễn mà còn lưu truyền trong dân gian bằng các câu chuyện kể hoặc những sự tích, thần tích.

Về sắc phong cho Tam vị thủy tướng

Theo thần tích của làng Ái Nghĩa (Quảng Nam xã chí, ký hiệu AJ.23.6, ghi chép về làng Ái Nghĩa, tổng Đức Hạ, huyện Đại Lộc) cho biết, tam vị thủy tướng được sắc thần vào ngày 12 tháng 9 năm Tự Đức thứ 21 (1868). Tuy nhiên lại không ghi chép nội dung của sắc phong.

Năm 1924, vua Khải Định cấp sắc phong thần và gia tặng danh hiệu “Dực bảo Trung hưng Linh phù Trừng trạm tam vị Thủy tướng tôn thần” (theo sách Nơi hai dòng sông chảy qua, tr.275).

Theo thần tích ghi chép về ba vị thần này tại làng Thanh Hà cho biết, trong ba vị thần, thì ông Tứ được sắc phong 3 lần vào năm Tự Đức thứ 5 (1852), Tự Đức thứ 33 (1880) và Đồng Khánh thứ 2 (1887).

Về nội dung sắc phong năm Tự Đức thứ 5 như sau (Lê Thị Lưu phiên âm và dịch nghĩa): Sắc cho thần Tứ Dương thánh quốc nguyên được tặng Chiêu linh Cảm ứng Hoành mô Khuông hựu trung đẳng thần, xưa nay giúp nước cứu dân, công đức thể hiện rõ ràng. Nay nhớ đến ơn nên gia tặng thêm mỹ tự là Chiêu linh Cảm ứng Hoành mô Khuông hựu Quang ý trung đẳng thần. Chuẩn cho xã Thanh Hà huyện Diên Phước y theo lệ cũ thờ thần, để thần che chở cho dân. Khâm tai. Ngày 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (tạm dịch nghĩa).

Về nơi thờ tự Tam vị thủy tướng

Miếu Tam vị (thờ tam vị thủy tướng) hiện tọa lạc tại khu Nghĩa Trung, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Hiện chưa rõ nguồn tư liệu xác định thời gian xây dựng ngôi miếu, tuy nhiên căn cứ vào những ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí và thời điểm sắc phong cho các vị thần này, bước đầu có thể đoán định ngôi miếu được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX.

Đặc biệt căn cứ vào những dấu tích, hiện vật còn tại miếu (xà cò), cho biết Miếu Tam vị trải qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa. Lần thứ nhất vào năm 1936 (Bảo Đại thứ 10), lần thứ hai vào năm 1974 (Giáp Dần) và lần đại trùng tu lớn vào năm Ất Dậu (2005 – Bia gắn tại miếu). Nội dung xà cò thứ nhất ghi “Bảo Đại thập niên nhị nguyệt sơ thập nhật, Sửu khắc bổn xã đồng tạo”. Xà cò thứ hai ghi “Tuế thứ Giáp Dần niên nhị nguyệt nhị thập nhật, Sửu khắc Ái Nghĩa bổn xã đồng tu bổ”.

Miếu Tam vị quay mặt theo hướng nam, phía trước miếu là sông Ái Nghĩa. Các hạng mục của miếu gồm hai trụ biểu, tường rào, bình phong, miếu chính. Hai trụ biểu trước miếu xây bằng gạch, trên trụ đắp hình con nghê. Bình phong được xây dựng theo lối cuốn thư, mặt trước đắp nổi hình “con hổ”, mặt sau đắp nổi hình “con phụng”. Bình phong mặt trước có đắp hai câu đối, phiên âm là “Tiền giang minh cảnh tại, Hậu miếu phụng thần linh”. Bên trong miếu là không gian thờ tự, chính giữa là án thờ thần, có khám thờ được đắp nổi, ở giữa đắp nổi đại tự chữ Hán: 神 (thần) và hai câu đối hai bên viết bằng chữ Hán, phiên âm là “Tam quan tinh nhật chiếu đồng nhân, Vị chúc quý nhâm bằng mặc tương”.

Ngoài địa điểm thờ tự tại Miếu Tam vị, tam vị thủy tướng còn được thờ tại Dinh Ông – Bàu Ông, địa điểm gắn liền với câu chuyện lưu truyền trong dân gian ở làng Ái Nghĩa xưa. Dinh Ông là ngôi miếu cổ nằm ở thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa. Theo sách Nơi hai dòng sông chảy qua, dinh Ông được dân làng Ái Nghĩa cũ lập. Năm 1968, dinh bị Mỹ ném bom sập, sau đó nhân dân tạm phục dựng. Đến năm 2002, xã Đại Nghĩa tổ chức phục dựng 2 điểm chính là Đài Nghiên và Tháp Bút. Năm 2005, xã xây dựng thêm 1 dinh lớn thờ chung.

Hiện vẫn còn án thờ đề “Thủy tướng tôn thần” trong Tháp Bút - Đài Nghiên. Tại dinh lớn bên trong chính giữa có án thờ khắc 4 chữ Hán, phiên âm là “Cam Lâm Đại Đế” và hai câu đối chữ Hán hai bên, phiên âm là: “Tam tôn thánh chủ giáng điện tiền phong điều vũ thuận, Cửu giang hầu bá chứng đàm diên quốc thái dân an”.

Ngoài ra, dinh Ông còn là nơi ghi dấu những hoạt động cách mạng của quân dân xã Ái Nghĩa. Theo nội dung ghi trên bia di tích, do nằm ở vị thế hiểm trở, nên suốt trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, dinh Ông là nơi ẩn nấu an toàn cho cán bộ chiến sĩ cách mạng của địa phương. Vào những năm 1959 đến 1966, chi bộ xã Đại Nghĩa thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn cho cơ sở cách mạng. Nơi đây còn xảy ra những trận đánh mìn tiêu diệt quân địch gây cho chúng những tổn thất lớn.

Tại làng Thanh Hà, thần tích làng Thanh Hà cho biết các vị thần được thờ ở trên cái khám vôi, ở giữa khám có một cái ngai, không có tạc tượng cũng không có áo mão. Thờ ba vị thần này tại một sở miếu riêng gọi là miếu Tam vị. Quang cảnh nơi thờ trang nghiêm và sạch sẽ. Trong miếu có 2 cặp câu đối, phiên âm là: “Thánh tất dị thường hoa chử thiệu môn trưng ưng tích, Thần bất khả độ vân sơn chiêm hải trĩ lưu gian”, do Tri huyện Nguyễn Điển tặng và “Phân cao hậu vi tam hải tú sơn anh đản thánh, Đản thông minh nhi nhất vân căn thủy quốc thông thần”, do Xã trưởng Võ Đình Cẩn tặng (Lê Thị Lưu phiên âm).

Tại làng Tân Hiệp, theo địa bạ làng Tân Hiệp (sao chụp lại vào năm Bảo Đại thứ 2 - Bản sao hiện lưu trữ tại Trung tâm QLBT Di sản văn hóa Hội An) cho biết, tại xứ Bãi Hương có một sở thổ miếu 6 thước thờ tam vị thủy tướng (ông Tứ, ông Bích, ông Cụt). Rất tiếc dấu tích Miếu Tam vị tại làng Thanh Hà và Tân Hiệp ở Hội An đã không còn.

Về việc tế lễ và cấm kỵ

Theo thần tích làng Thanh Hà (năm 1939) cho biết, hàng năm đến mùa Xuân và mùa Thu thì làng Thanh Hà tổ chức tế lễ 3 vị thần này. Mùa Xuân tế vào ngày rằm tháng 3, mùa Thu tế vào ngày rằm tháng 8. Không tế theo húy sinh thời của ba vị thần. Năm nào có bệnh dịch hay hạn hán thì làng sắm lễ cúng ở Miếu Tam vị thường có hiệu nghiệm. Khi người trong làng thi đậu hay được thăng chức thì cũng tổ chức cúng tế tại miếu. Lễ vật cúng tế gồm trầu, rượu, hương, đèn và heo, xôi... Làng trích ruộng công đặt làm tế điền, đấu giá lấy bạc giao cho Lý trưởng mua lễ vật cúng tế. Khi cúng xong, dành một phần kính biếu cho những người dự lễ, còn lại bày tiệc cho dân làng hưởng.

Về thành phần tham gia lễ tế gồm 9 người, trong đó có 1 người chánh tế, 2 người tả hữu phân hiến, 1 người xướng, 1 người đọc văn tế và 4 người giúp lễ. Những người dự tế trước khi cúng tế phải trai giới và tắm gội sạch sẽ. Chánh tế và bồi tế đều mặc áo rộng màu xanh, người giúp lễ thì mặc đồ lễ phục.

Trong khi cúng tế cấm không được la to, say sưa. Ngày thường không được nói tiếng “cụt” như áo cụt thì nói trái là “áo qua” (vì liên quan đến sự tích 1 trong 3 vị thần rắn bị cụt đuôi). Những người vi phạm quy ước phải chịu phạt một mâm trầu, cau, rượu và phải đem đến cho làng ngay sau khi buổi tế lễ kết thúc. Nếu người nào bất tuân thì giao Lý trưởng trình quan địa phương nghiêm trị. Nếu tái phạm, người vi phạm chịu lỗi rồi thì được tha bổng (nếu lỗi nhẹ), bị lỗi nặng thì có giấy lưu chiếu tại làng.

Hiện nay, tại Miếu Tam vị và Dinh Ông thuộc huyện Đại Lộc, hằng năm bà con nhân dân tổ chức lễ tế tam vị thủy tướng vào ngày mùng 8 tháng Giêng. Lễ tế rất linh đình và có tổ chức đua thuyền cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Có thể tại huyện Đại Lộc đang hiện hữu nhiều dấu tích, di tích... liên quan đến lịch sử - văn hóa vùng đất và con người Hội An. Miếu Tam vị và sự tích về tam vị thủy tướng được thờ và lưu truyền tại Đại Lộc phản ánh đời sống văn hóa tín ngưỡng phong phú, đa dạng của cộng đồng cư dân địa phương,  đồng thời tạo nên mối liên kết, giao thoa văn hóa đậm nét giữa Đại Lộc và Hội An.

PHẠM PHƯỚC TỊNH