Yêu quê hương qua từng trang viết
Mảnh đất “chưa mưa đà thấm” đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao văn nhân thi sĩ sinh sống ở quê xứ hoặc xa quê, cho cả những người từng sống, chiến đấu hoặc làm việc nơi đây. Điểm qua một số tác giả, tác phẩm để thấy rằng “đất hóa tâm hồn” ẩn sâu từng trang viết...
Với hơn 10 tập sách, chủ yếu thuộc thể loại ký bút ký, ký sự, hồi ký…, trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Hồ Duy Lệ dành hết tình cảm cho quê nhà yêu dấu, từ bút ký “Cát xanh” xuất bản năm 1994 đến tập ký sử “Trụ lại” - tập hợp 44 câu chuyện về con người và vùng đất trung dũng, kiên cường Quảng Nam - Đà Nẵng (phát hành tháng 7.2019). Nhà văn Hồ Duy Lệ viết về quê mẹ Thăng Bình, quê cha Duy Xuyên, quê của những anh hùng hay nơi xảy ra trận chiến, trong “Mười Chấp và một thời”, “Không có gì trôi đi mất”, “Lửa Núi Thành”, “Dặm trường gian truân”… “Tôi viết về quê hương bằng tình cảm thiêng liêng và sự níu kéo không thể chối từ” - nhà văn Hồ Duy Lệ có lần chia sẻ.
Các nhà văn từng sống, chiến đấu ở Quảng Nam viết về mảnh đất sâu nặng nghĩa tình này như là niềm tri ân nơi đã cưu mang họ. Giai đoạn 1954 - 1975 có Phan Tứ, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Vũ Hạnh, Chu Cẩm Phong, Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Nguyễn Bảo, Đỗ Viết Nghiệm, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Thị Bắc Hà, Nguyễn Khắc Phục… sống, chiến đấu và viết về vùng đất Quảng Nam.
Cách đây 5 năm, trong chuyến về thăm chiến trường xưa, nhà văn quê Bắc Ninh Vũ Thị Hồng (bút danh khác là Nguyễn Thị Bắc Hà) kể, trong ngày cuối cùng của chuyến thăm tại nơi từng chiến đấu: Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên…, đoàn của chị dừng chân rất lâu nơi nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ huyện Duy Xuyên. Khi chị vừa thắp nén nhang thành kính dâng lên các anh, chợt nghe ai đó thỉnh hồi chuông vang vọng tưởng chừng không dứt. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về, sống dậy trong chị và đồng đội, dù đã hơn 40 năm trôi qua. Và rồi, sau hồi chuông ngân vang đó, ngay trong năm 2015, chị cho ra đời tác phẩm “Có ai thỉnh một hồi chuông”... “Một số sáng tác tôi viết chủ yếu trên đất Quảng. Con người và xứ sở này là quê hương thứ hai của tôi. Chiến tranh đã qua đi nhưng những năm tháng sống chết cùng đồng đội và nhân dân đất Quảng vẫn mãi mãi còn trong ký ức của tôi. Lâu lâu không về đất Quảng lại thấy hoang hoải, vắng lặng trong lòng”.
Phải yêu thương đất và người xứ Quảng đến cỡ nào, nhà văn xứ Thanh - Nguyễn Bảo mới có thể trải lòng như thế trong bài viết “Quảng Nam, miền ký ức của tôi” (in trong tập “Quảng Nam, miền ký ức”, nhiều tác giả, NXB Hội Nhà văn 2017) như vậy. “Với Quảng Nam, các nhà văn đã sống, chia sẻ ngọt bùi cay đắng với nhân dân, cùng nhân dân bám trụ chiến đấu ngoan cường và sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị. Họ luôn biết ơn mảnh đất, con người đã nuôi dưỡng nguồn cảm xúc và những ký ức thiêng liêng ấy” (Quảng Nam, miền ký ức của tôi - Nguyễn Bảo). Riêng với người đọc xứ Quảng và rộng ra là cả nước, họ vẫn nhớ về ông với 2 cuốn tiểu thuyết đậm chất sử thi về xứ Quảng: “Thượng Đức” và “Đỉnh máu”.
Đau đáu quê nhà
Xa xứ Quảng đã lâu, hiện sống và làm việc tại Khánh Hòa, nhưng với nhà văn Hoàng Nhật Tuyên, Quảng Nam không hề mờ phai trong lòng anh. Trong ký sự “Ăn tô mỳ Quảng, nói chuyện bao đồng”, Hoàng Nhật Tuyên viết: “Nói cho được thế nào là linh hồn quê hương xem ra không dễ dàng gì, bởi vì một vùng đất, có bao nhiêu thứ để người đời tôn thành yếu tố linh hồn. Một sản vật. Một địa danh. Thậm chí có khi chỉ là một truyền thuyết”.
Hiện sinh sống tại TP.Đà Nẵng, cách xa quê nhà cỡ ba chục cây số, có thể dễ dàng chạy ào về quê bất cứ lúc nào, nhưng với nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên (quê Đại Lộc), điều ấy dường như chưa thỏa. Anh gửi tình quê trong hầu hết tác phẩm. Đọc tập bút ký “Đi tìm huyền thoại cho đất” của anh, sẽ thấy anh không hề ngoa ngôn. Qua từng trang sách, ngày xưa tấp nập quay về nhưng anh vẫn băn khoăn, day dứt, đau đáu: “Người ta có những giờ phút hồi niệm quay về như thế hay không, hay là rồi quê quán xứ sở quá khứ đã sa mạc trắng xóa trên mọi cánh đồng ký ức”.
Với những người viết trẻ hơn, dù sinh sau ngày quê hương giải phóng, họ cũng kịp viết về quê xứ với những hoài niệm, kỷ niệm ngọt ngào. Nói như tác giả trẻ trong số này, “nếu không biên kịp những cảm xúc, những hình ảnh tư lự đẹp đẽ về quê xứ, có thể sẽ là một ký ức khó hình dung với lớp trẻ tân thời”. Nguyễn Lãm Thắng, sống ở Huế gần 30 năm nay, không cần giãi bày nhiều, quê nhà trong anh là giọng điệu “thuần Quảng” đầy ăm ắp trong tập thơ “Thương hoài thương hủy”. “Bữa hởm mưa về ngang Ái Nghĩa/Hòa Đông gió thổi rát sông Yên/ai còn một chút chùn chun nhớ/trong mớ ngày xưa lủ khủ quên” (Giọng Quảng). “Mi nhẩm thử bốn mươi năm có lẻ/thằng bất nhơn mi có nhớ quê nhà/đi và ở rồi về bao nhiêu bận/nghe giọng quê có nhớ mẹ cha già” (Tau hỏi mi)...