Tục lệ cưới xin của tộc người thiểu số Quảng Nam

PHẠM VĂN BÍNH 04/10/2020 06:38

Các huyện miền núi dọc dài dãy Trường Sơn của Quảng Nam hội tụ rất nhiều tộc người thiểu số sinh sống, nhưng đông đảo và định cư lâu đời nhất phải kể đến các tộc người: Cơ Tu, Gié - Triêng (Ve, Triêng, Bh’noong), Co và Ca Dong (Xê Đăng). Mỗi tộc người đều có văn hóa riêng, trong đó tục lệ cưới xin là nét đẹp truyền thống được gìn giữ.  

Những người già Cơ Tu thực hiện nghi thức ném bông lúa trong đám cưới. Ảnh: P.V.B
Những người già Cơ Tu thực hiện nghi thức ném bông lúa trong đám cưới. Ảnh: P.V.B

Cùng với những phong tục, lễ hội đặc sắc như: lễ hội mừng lúa mới, lễ Peng Chu-Pi, lễ cúng máng nước, lễ hội ăn trâu, lễ dựng cây nêu…, tục lệ cưới xin của mỗi tộc người thiểu số miền núi Quảng Nam cũng tạo nên dấu ấn mang đậm nét đẹp văn hóa riêng cần được bảo lưu (ngoại trừ những hủ tục lạc hậu xa xưa cần được loại bỏ).

Người Cơ Tu có dân số khá đông so với các tộc người thiểu số đang sinh sống trên miền núi ở Quảng Nam; sống chủ yếu tại các bản làng trên khắp các huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Về hôn nhân, khi nam nữ đến tuổi trưởng thành có quyền tìm hiểu nhau thông qua việc đi sim (poọc su), hay qua các dịp lễ hội, lên nương. Trong quá trình đó, nam giới thường tỏ tình với nữ giới thông qua quà tặng gọi là vật kỷ niệm.

Dịp hôn lễ, đôi bên gia đình thường tổ chức hát lý đối đáp, nội dung có thể là những câu hò truyền thống hoặc đan xen những câu sáng tác phù hợp với hoàn cảnh cụ thể mà thời điểm và khung cảnh nơi hôn lễ đang diễn ra. Hôn nhân và gia đình của người Cơ Tu cũng có những tập tục rất đáng chú ý là vấn đề quan hệ dòng tộc, phải tuân theo nguyên tắc ngoại tộc, dây chuyền và thuận chiều, được hiểu nôm na là con chú con bác, con dì con cậu không được lấy nhau.

Với người Gié - Triêng, gồm những nhóm người Ve (Gié, Lave), Tà Riềng (Triêng, Tà Liêng), Bh’noong sống chủ yếu ở các bản làng vùng cao của huyện Nam Giang và Phước Sơn. Mỗi nhóm người của Gié - Triêng tuy có nhiều điểm tương đồng trong các phong tục, tập quán nhưng cũng có những nét văn hóa riêng.

Hôn nhân của nhóm người Ve: nam từ lúc nhỏ đến trưởng thành thường ra ngủ ở nhà Ơơng; nữ đến tuổi trưởng thành mới ra ngủ ở Ơơng. Nam nữ Ve khi tỏ tình với nhau bằng tiếng kèn (nam) và lời hát (nữ); trong tiếng hát nói lên quyền tự do yêu đương. Ví như: “Tal nú sang boo hêi tự do đêê; Tal nú sang boo hêi tình yêu đêê”. Tạm dịch: Đến lúc lúa trổ bông hai đứa mình tự do quyết định; Đến lúc bắp trổ cờ hai đứa mình tự quyết tình yêu (Theo Những sự kiện lịch sử huyện Giằng, trang 38).

Nhóm người Bh’noong sống chủ yếu ở huyện Phước Sơn, với luật tục một vợ, một chồng, không thách cưới, trai gái yêu thương và đến với nhau trên tinh thần tự nguyện, nhưng với điều kiện: con trai phải biết đan đát, làm rẫy, săn bắn, chài lưới, làm nhà…; con gái phải biết làm rẫy, tuốt lúa, hái rau, dệt vải…

Khi trai gái yêu nhau, họ thường tặng nhau những vật kỷ niệm: nam tặng cho nữ khuyên tai, vòng cườm, sợi chỉ đỏ thắt thành vòng đeo tay bằng bạc hoặc đồng…, nữ tặng cho nam túi xách do mình tự làm. Tuy là những vật dụng không nặng về kinh tế nhưng rất có ý nghĩa về tinh thần, tượng trưng cho cầu nối về tình cảm của lứa đôi, khẳng định với nhau là mình đã có chủ.

Đặc biệt, nhóm người Bh’noong thường có luật tục củi hứa hôn và lễ chuyển củi. Đây là tín vật về cuộc hôn nhân được nhà gái mang đến nhà trai trước khi lễ cưới được tiến hành, mang ý nghĩa rất quan trọng đối với đồng bào Bh’noong, được xem như cuộc dạm hỏi đầu tiên theo phong tục truyền thống.

Tộc người Xê Đăng hiện cư trú ở vùng Nam Trà My. Theo truyền thống tộc người Xê Đăng (Ca Dong cũng vậy), khi trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng, nhà trai phải cậy nhờ mai mối (già làng có uy tín) đến nhà gái hỏi dặm (thăm dò), nếu bên nhà gái ưng ý, hai bên sắp xếp thời gian cho đôi trai gái gặp mặt nhau.

Dịp này, người con trai chuẩn bị sẵn tặng vật như: cườm, vòng đeo tay, đeo cổ trao cho cô gái để làm tin; bên gái lấy một con gà trống tơ cắt tiết gà cho vào chén, sau đó lấy que nhỏ chia chén huyết gà ra làm đôi và đưa cho chàng trai đem về một nửa. Khi đêm về, họ mơ thấy nước, trồng cây (chuối) là báo điềm lành, mơ thấy bị bắt cóc, cây ngã là điềm xấu, chưa tiến đến hôn nhân được. Hoặc khi tiến hành cưới xin, trong đêm tân hôn thì cắt tiết một con gà trống tơ hòa với rượu, luộc gà đem vào buồng cho đôi vợ chồng trẻ uống tiết và ăn gà; trao cho nhau 9 miếng trầu và 9 miếng cau, ý muốn là chúc cho nhau luôn dồi dào sức khỏe và luôn hạnh phúc bên nhau.

Điều cấm kỵ là trước khi tiến hành hôn nhân, nam nữ không được quan hệ tính giao trước và sau khi tiến hành hôn nhân không được bỏ nhau hoặc ngoại tình; vì nếu phạm phải sẽ bị hình phạt rất nghiêm khắc.

Với tộc người Co (Bắc Trà My) thì hôn nhân là một trong những lễ thức quan trọng đối với đời sống của họ. Trước đây, lễ cưới được tổ chức trong nhiều ngày, hai bên gia đình đều phải sắm cho cô dâu, chú rể những trang phục và trang sức mới. Cô dâu đội nón bằng nan do chú rể đan tặng, vai đeo chiếc gùi, tay cầm rựa và chiếc khăn tay gói mấy miếng trầu; chú rể mặc khố và choàng khăn, vai mang gùi ba ngăn đựng ít gạo, chai rượu trắng, vai vác thanh kiếm tượng trưng bằng gỗ, đầu chít mũ lễ, tai đeo mấu tai bằng gỗ... tạo diện mạo của một nam nhi tuấn tú và khỏe mạnh.

Trong ngày cưới, tiết mục được chờ đợi nhất là đấu chiêng, với ba người tham gia: một người dùng chiêng vợ, một người dùng chiêng chồng để đấu với nhau, người thứ ba đánh trống để giữ nhịp và cổ vũ trận đấu. Đây được xem là một nghệ thuật độc đáo và đặc sắc của họ.

PHẠM VĂN BÍNH