Bắt nhịp bảo tồn văn hóa bản địa

XUÂN HIỀN 30/09/2020 10:30

Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ được UBND tỉnh đưa vào thực hiện theo Nghị quyết 88 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây chính là cơ hội để thêm lần nữa nhận chân vốn liếng quý báu của đồng bào vùng cao, từ đó có những phương cách bảo tồn hợp lý.

Văn hóa miền núi cần được bảo tồn và đặt ngang hàng giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Văn hóa miền núi cần được bảo tồn và đặt ngang hàng giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
 Các sản phẩm thủ công được mang đi khắp năm châu, không ngoài mục đích giới thiệu những tinh hoa văn hóa độc đáo của mỗi vùng miền đến với số đông. Sau những gùi mây, những vật phẩm lưu niệm, những dải thổ cẩm sặc sỡ sắc màu… là mỗi câu chuyện văn hóa riêng có của vùng đất. Đây chính là những chỉ dấu dẫn đường để bắt đầu câu chuyện bảo tồn không gian sống của đồng bào các DTTS Quảng Nam, từ việc phát triển sinh kế cộng đồng dựa vào bản sắc.

Phục sinh

Trong gần 3 năm trở lại đây, những sản phẩm truyền thống của đồng bào miền núi, đặc biệt là dòng sản phẩm của đồng bào Cơ Tu được thị trường đón nhận nhiệt thành. Các cơ hội được mở ra từ chính sự nỗ lực gìn giữ của họ. Nghệ nhân Bling Thị Treng, nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Lan cùng nhiều phụ nữ Cơ Tu khác, biết rằng tài sản quý nhất của họ là khung dệt truyền thống, là vuông thổ cẩm mỗi ngày nên hình dáng từ đôi tay của mình. Đó không chỉ đơn thuần là văn hóa của đồng bào mình, mà còn là... sứ mệnh của đàn bà Cơ Tu.

Văn hóa miền núi cần được bảo tồn và đặt ngang hàng giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Trọng Khang
Văn hóa miền núi cần được bảo tồn và đặt ngang hàng giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Trọng Khang

Trong câu chuyện của “dải thổ cẩm” vừa được hình thành từ năm 2019 do Tổ chức Cứu trợ/Phát triển quốc tế (FIDR) hỗ trợ, tiếng nói của những phụ nữ Cơ Tu được lắng nghe, và sản phẩm của họ được ở đúng chỗ đáng lý ra phải được đặt từ nhiều năm trước. Bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ/Phát triển quốc tế cho rằng, trên tất cả việc bảo tồn một nghề nghiệp truyền thống, sẽ giúp cho phụ nữ DTTS cất lên tiếng nói của mình, nhận thức được vị trí của mình trong xã hội. Bảo tồn văn hóa truyền thống, đặc biệt với văn hóa vùng cao, cũng đồng thời là cách để người dân ở đây giữ lấy niềm tự hào và nhận thức được sự vô giá của văn hóa làng bản mình. Người ta sẽ thấy mình sống được với chính sản phẩm bản địa, cũng là sống hạnh phúc với chính những tập tục truyền thống đã có tự ngàn đời của tộc người mình.

Thổ cẩm cất lên tiếng nói của mình và có được vị trí xứng đáng, thì cũng đồng thời thị trường hàng thủ công mỹ nghệ nhận thấy sự độc đáo từ những sản phẩm đan lát của người miền núi. Nhiều cuộc đi từ trong nước lẫn quốc tế của nhiều sản phẩm thủ công truyền thống với tư cách gian hàng trong các phiên chợ, triển lãm được thị trường đón nhận như một sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Những câu chuyện văn hóa được chuyển tải ý nhị sau mỗi một chiếc gùi, mỗi vuông thổ cẩm. Bảo tồn và phát triển nghề dệt, nghề đan lát... là câu chuyện văn hóa của từng bản làng, từng dân tộc, và của chính đồng bào nơi đó. Biến những tấm vải truyền thống, những gùi mây, những vật dụng hằng ngày thành những món đồ nội thất, thời trang hiện đại và đưa vào sản xuất tại chỗ đã gắn kết tinh thần văn hóa, giá trị cổ truyền vào đời sống hôm nay.

 

Mặc dù có những thay đổi, xáo trộn và đứt gãy trong đời sống văn hóa đồng bào miền núi, nhưng vẫn còn đó nhiều tri thức bản địa có giá trị bền vững và rất hữu ích cho cộng đồng. TS.Mai Thanh Sơn – Viện Nghiên cứu hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS miền núi phải gắn với rừng, với quyền điều hành và sử dụng rừng. Sự sáng tạo, thụ hưởng và trao truyền các giá trị văn hóa của cộng đồng các DTTS vốn dựa trên 3 điểm tựa căn bản: tự nhiên, cộng đồng thôn làng, ngưỡng hành vi. Thử nhìn lại tổng thể phát triển các địa phương miền núi từ nhiều năm nay cho thấy, đời sống kinh tế của đồng bào đã đi lên. Có nhiều người khá lên từ việc biết tận dụng thế mạnh ở rừng, biết kinh doanh cây dược liệu, biết giá trị của hội lễ và cảnh sắc bản làng mình để tạo nên sinh kế. Những ngôi làng được lựa chọn phát triển du lịch cộng đồng trở thành hình mẫu để nhiều nơi khác vin vào “dựng lại” làng mình. 

Những kết nối

Thổ cẩm hay sản phẩm từ nghề đan lát truyền thống chỉ là một trong rất nhiều yếu tố cấu thành nên văn hóa bản địa của đồng bào vùng cao. Kiến trúc nhà ở, ngôn ngữ, chữ viết, các hội lễ, nề nếp sống… là những thành tố làm nên đặc sắc của văn hóa truyền thống. Khuyết đi một phần nào cũng đồng nghĩa với giá trị văn hóa đó đã mai một từng ngày. Nhiều lần dự phần vào những cuộc họp bàn để giữ vốn liếng văn hóa vùng cao, người viết cũng từng nghe những tiếc nuối, hụt hẫng của rất nhiều người làm văn hóa các thời kỳ. Nhạc sĩ Hoàng Bích nói, ông từng bao lần kêu gọi chính quyền các địa phương miền núi hãy tìm ra giải pháp thích hợp, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa bản địa của mình. Ngày còn làm quản lý văn hóa cơ sở, ông nói, khi ấy mỗi hoạt động xây dựng phong trào đều phải triển khai và đánh giá dựa trên đặc thù của mỗi vùng đất.

Nhìn nhận từ Sở VH-TT&DL khi xây dựng đề án bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS cho rằng, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, cộng với sự giao lưu, tiếp biến văn hóa đã làm cho nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào đứng trước nguy cơ bị biến đổi, mai một. Sự phát triển không đồng đều về quy mô dân số cũng như địa bàn sống, điều kiện sống, trình độ dân trí; nhiều cộng đồng dân tộc vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ cấp trên... đã trở thành rào cản, gây khó khăn đối với việc bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Đây cũng chính là điều được các nhà nghiên cứu đưa ra, khi cho rằng, việc suy giảm bản sắc văn hóa có phần do sự áp đặt của các chương trình, dự án. Nhìn thấy những căn nguyên để có phương án bảo tồn đi từ gốc, mới mong giữ lại đúng tinh thần của văn hóa bản địa.

Sẽ có nhiều hy vọng mở ra cho các địa phương miền núi, không chỉ với câu chuyện bảo tồn văn hóa vùng miền được đặt lên một cách nghiêm túc từ việc xây dựng đề án bảo tồn. Các nhóm mục tiêu được đặt ra, trong đó ưu tiên đầu tư cho việc giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, sưu tầm, phục hồi, phát triển một số nghề thủ công và một số loại hình nghệ thuật có nguy cơ thất truyền; bảo tồn một số làng truyền thống từ không gian, kiến trúc làng, các giá trị văn hóa, nghề thủ công truyền thống... để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực văn hóa cho miền núi được quan tâm, trong đó trọng tâm là đào tạo đồng bào DTTS làm việc tại các thiết chế văn hóa ở địa phương. 

Phải làm gì để những vốn liếng của đồng bào vùng cao thật sự trở thành “kho báu” của chính họ? Cần sự nỗ lực của cộng đồng, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân thì mới phát huy hết được những giá trị quý báu mà đồng bào sở hữu. Sự liên kết này hiển thị trong bản thân cộng đồng miền núi, giữa tư nhân và cộng đồng, giữa Nhà nước và cộng đồng. Có như vậy mới khiến cho những hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào vùng cao không gặp phải những “cú sốc”...

XUÂN HIỀN