Lan tỏa văn hóa đọc từ mạng xã hội
(QNO) - Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp giải trí, đặc biệt là mạng xã hội đã dấy lên nhiều tranh cãi về tương lai của việc đọc sách cũng như văn hóa đọc. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tiêu cực về thái độ thờ ơ, hời hợt với sách của thế hệ trẻ, bằng việc sử dụng chính mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã và đang cố gắng lan tỏa văn hóa đọc một cách đầy tâm huyết và hứng thú.
Lan tỏa văn hóa đọc
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “sách” trên một trong những trang mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất Việt Nam - Facebook, đã cho vô số kết quả, với nhiều thể loại đối tượng, từ trang (page), nhóm (group) đến trang cá nhân (people), tất cả đều hướng đến mục đích chung: lan tỏa văn hóa đọc đến với mọi người.
Cùng với các cộng đồng đọc và review sách giấy truyền thống như Người đọc sách, Mọt sách giấy với số lượng thành viên lên đến hàng trăm nghìn người, các group đọc sách điện tử (ebook) cũng phát triển không hề kém cạnh.
Bên cạnh đó, thuật toán của Facebook còn lọc ra những thông tin liên quan đến người sử dụng như nơi ở, trường học, công việc để đề xuất các đối tượng phù hợp. Từ đó, người sử dụng có thể tham gia các group tuy có quy mô không lớn nhưng lại có nhiều tiêu chí phù hợp với “gu” đọc của bản thân, như group Đọc sách uống trà, Dậy sớm và đọc sách hay thậm chí là group Review tiểu thuyết trinh thám, ngôn tình.
Bên cạnh các “mọt sách” không chuyên, ngay cả các nhà xuất bản cũng nhận thấy mạng xã hội là môi trường mà văn hóa đọc có thể lan tỏa. Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng sở hữu một trang có gần chín trăm nghìn lượt thích (like), thường xuyên tổ chức các sự kiện, live stream với chủ đề về sách và đọc.
NXB Nhã Nam ngoài việc sở hữu một trang đại diện cho NXB (Nhã Nam), còn có một trang review sách (Nhã Nam thư quán) và một nhóm dành cho các bạn đọc yêu thích sách Nhã Nam (Nhã Nam reading club).
Không chỉ là đọc sách
Dạo một vòng quanh các group đọc sách trên Facebook, không khó để nhận thấy rằng, ngoài việc xuất hiện những bài review sách tâm đắc, công phu, thì hình ảnh của những cuốn sách được chụp với góc máy đẹp, hay các tủ sách đồ sộ vẫn nhận được rất nhiều lượt tương tác của các thành viên.
Bạn Nhã Quỳnh - thành viên group Người đọc sách chia sẻ: “Mặc dù gần đây có nhiều ý kiến tranh cãi về việc có nên hay không việc “khoe” sách trên mạng xã hội, nhưng mình không quan tâm nhiều về vấn đề này. Mỗi cá nhân trên mạng xã hội có thể tự quyết định mình làm gì và không làm gì. Với mình, chụp ảnh sách thật đẹp cũng là một cách để lan tỏa tinh thần yêu sách”.
Không chỉ dừng lại ở việc chụp ảnh, review sách, nhiều hội, nhóm còn tổ chức các cuộc thi review sách hay, các đợt give away (trao/tặng sách miễn phí) dành cho thành viên. Hơn thế nữa, các NXB còn thể hiện sự tương tác giữa NXB, tác phẩm với độc giả khi tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế bìa sách mà trong trong thời gian gần đây là cuộc thi thiết kế bìa “Giết chỉ huy đội kỵ sĩ” của tác giả nổi tiếng người Nhật Haruki Murakami ở fanpage Nhã Nam.
Bên cạnh mạng xã hội Facebook, Instagram cũng là nơi để thể hiện niềm yêu thích đối với sách của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, khác với Facebook, là một mạng xã hội hình ảnh, Instagram không cho phép người sử dụng đăng bài có số lượng chữ quá lớn. Điều này không hẳn là trở ngại, bởi nhiều “mọt sách” sử dụng Instagram để trao đổi về sách và đọc đúng như tiêu chí của trang mạng xã hội này.
Quản trị viên của tài khoản Instagram Chúng mình đọc gì bây giờ nhỉ? (chungminhdocgibaygionhi) chia sẻ: “Tụi mình hoạt động với tiêu chí rất đơn giản, chỉ là chia sẻ những mình thích, là chụp ảnh cùng đọc sách, đến với mọi người xung quanh. Và tình cờ là mọi người lại thích những điều đấy”. Theo nhiều chủ tài khoản, hoạt động trên Instagram có phần đơn giản hơn trên Facebook.
“Instagram có nhiều bộ lọc rất phù hợp để chỉnh sửa ảnh. Bên cạnh đó, bố cục trên trang cá nhân cũng được thiết kế để dễ theo dõi từng bài viết hơn nhiều. Đôi khi, mình chỉ cần chụp một trang sách, chỉnh sửa một chút, rồi chú thích bằng một câu trích dẫn trong sách là đã đủ cho một bài đăng ổn rồi” - một “mọt sách” chia sẻ.
Bên cạnh những trang mạng xã hội về sách đã quá quen thuộc với những “mọt sách” như GoodReads, LibraryThing, giới trẻ yêu sách Việt cũng đã có thể tìm được những bến đỗ mới để có thể đắm mình trong văn hóa đọc. Tuy nhiên hiện nay không thiếu những trang, nhóm về sách được sử dụng sai mục đích và có quan điểm lệch lạc; còn nhiều những đối tượng lợi dụng tinh thần yêu sách để trục lợi. Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo để giữ được đúng tinh thần của việc đọc sách, vì tinh thần sách cần nhiều hơn là một tài khoản Facebook và vài dòng tìm kiếm đơn giản.