Đô thị thương cảng và những kết nối

XUÂN HIỀN 13/09/2020 06:18

Tiếp cận lịch sử từ góc nhìn của những phát triển về hệ thống thương cảng miền Trung cả trong quá khứ lẫn hiện tại sẽ thấy có rất nhiều điều mới mẻ.

Đô thị thương cảng Hội An. Ảnh: L.T.K
Đô thị thương cảng Hội An. Ảnh: Hữu Khiêm

Cảng thị Hội An

Giáo sĩ người Ý Cristoforo Borri, đến Đàng Trong năm 1618 - 1621 từng ngạc nhiên về điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng duyên hải miền Trung. Theo ông, ở vùng ven biển Đàng Trong chỉ khoảng hơn 100 dặm, nhưng có đến 60 hải cảng, “tất cả đều thuận tiện để cập bến và lên đất liền. Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam” (Xứ Đàng Trong năm 1621).

GS-TS. Nguyễn Văn Kim (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong nhiều nghiên cứu từ sử sách cho thấy, trong suốt nhiều thế kỷ, Chiêm cảng của Chămpa đã là một thương cảng mang tính quốc tế. Đến thế kỷ XV - XVI, do những tác động của lịch sử, Chiêm cảng đã có sự chuyển hóa để trở thành Faifo - Hội An, thương cảng quốc tế chính yếu của Đàng Trong và tạo nên vị thế chính trị cho các chúa Nguyễn.  

Ông Nguyễn Chí Trung - Nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An chia sẻ, từ trong thời tiền sơ sử đến cổ trung, cận đại, Cửa Đại (Đại Chiêm Hải khẩu) luôn đóng vai trò đặc biệt đối với Hội An và xứ Quảng. Độ rộng và sâu của cửa biển này rất thích ứng với thời kỳ thuyền buồm cả ở phương Đông và phương Tây. Đến thế kỷ XIX theo “Đại Nam nhất thống chí” mô tả: “Cửa Đại rộng 160 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống 4 thước 5 tấc”. Nhiều chứng cứ về khảo cổ học và lịch sử cho biết rằng lưu vực sông Thu Bồn đã phát triển toàn diện về mặt kinh tế - xã hội từ những thế kỷ trước và sau công nguyên. Một “hệ thống trao đổi ven sông” giữa miền ngược và miền xuôi được hình thành từ rất sớm qua hệ thống di tích khảo cổ học tiền sơ sử dọc sông Thu Bồn. “Cảng thị Hội An cũng là một mẫu hình tiêu biểu về một kiểu thức hình thành đô thị ở Đông Nam Á” - ông Nguyễn Chí Trung nói.

Điều này đã nhận được sự thống nhất của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Theo đó, đô thị - phố cảng quốc tế Hội An được ra đời vào cuối thế kỷ XIV trên nền của mảnh đất mà hàng nghìn năm trước là cảng thị sơ khai của cư dân văn hóa Sa Huỳnh điển hình ở miền Trung Việt Nam, tiếp nối bởi Chiêm cảng - Lâm ấp phố thế kỷ thứ II - XV.

Sự ra đời của đô thị - phố cảng Hội An không do yếu tố kinh đô - Trung tâm hành chính, chính trị của cả nước, thậm chí tỉnh lỵ quyết định như nhiều đô thị khác ở Việt Nam, ở phương Đông, không phải do sự tách khỏi lãnh địa phong kiến hay là kết quả khai phá thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Đô thị này được hình thành từ vai trò trung tâm, vị thế địa lý lịch sử là kết quả của sự gắn kết độc đáo, trên con đường “tơ lụa - hương liệu - gốm sứ” trên biển giữa phương Đông và phương Tây theo xu hướng hội nhập dân cư, hội nhập kinh tế, văn hóa tiếp biến và phát triển bằng con đường biển giao lưu quốc tế.

Bài học từ cứ liệu lịch sử

Trải qua bao biến đổi khắc nghiệt từ cả thiên nhiên lẫn những tàn khốc của chiến tranh, nhưng đô thị thương cảng Hội An vẫn cơ bản được bảo tồn. Một nhà văn, nhà nghiên cứu khá sắc sảo đã từng nói câu chuyện về bản lĩnh Hội An. “Bản lĩnh văn hóa này có được không phải bằng đóng cửa lại để khư khư phòng ngự và giữ gìn, mà bằng chủ động mở, vừa khôn khéo, vừa đầy tự tin, táo bạo. Đó chính là cách giữ mình hiệu quả nhất, bởi giữ mình bao giờ cũng bằng cách tự làm giàu mình lên bằng những gì tốt đẹp nhất thu hút được của bốn phương”. Đây cũng chính là bài học về sự phát triển trong suốt quá trình lịch sử của cảng thị này.  

“Để những thương cảng Việt Nam “bừng tỉnh” đồng thời vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa riêng, cần sự quan tâm đúng mực từ nhiều cấp, nhiều phía. Hội An cùng các thương cảng dọc miền Trung từng là những viên ngọc của khu vực. Đây là những thương cảng rất nổi tiếng trên tuyến hàng hải thế giới với sự kết nối về vị trí địa lý thuận lợi đã đem lại vị thế, lợi ích rất to lớn đưa đất nước phát triển. Những tư liệu lịch sử đó cho chúng ta bài học quý giá về vai trò của Việt Nam, vị thế của kinh tế biển đối với sự phát triển kinh tế, quốc phòng của quốc gia” - PGS-TS. Nguyễn Ngọc Thơ (Đại học Harvard, Mỹ) từng chia sẻ trong cuộc hội thảo hồi năm 2019 tại Hội An về vai trò của những thương cảng.

Theo ông, một quốc gia muốn phát triển, muốn làm chủ, điều tiên quyết là phải mở biển, mở cảng biển để chào đón người bên ngoài đến giao lưu, khuyến khích người trong nước ra giao lưu với bên ngoài. Đồng thời bám biển để giữ được ngư trường, đưa ngư dân vươn khơi. Chính việc này cũng giúp lưu thông được hàng hóa với thế giới bên ngoài chứ không thụ động ngồi đợi thế giới đến với mình.

Những tư liệu lịch sử về hệ thống thương cảng miền Trung - không chỉ với riêng cảng thị Hội An đã và sẽ tiếp tục mở ra những góc nhìn mới để kịp thời có chiến lược phát triển phù hợp. Những hình ảnh cảng biển sầm uất đã lùi sâu vào quá vãng. Nhưng chính những cứ liệu lịch sử còn lại, đủ sức để làm nên bài học cho công cuộc phát triển sau này. Đặc biệt, khi có lẽ mỗi vùng đất sẽ là một thời đoạn phát triển mới cần những tính toán chỉn chu, có chiều sâu, có kịch bản phòng vệ trước những biến đổi khó lường của đời sống.

XUÂN HIỀN