Phong tục thờ cúng cá Ông

PHẠM PHƯỚC TỊNH 06/09/2020 06:42

Cá Voi hay còn gọi là cá Ông được những người làm nghề biển từ vùng Bắc Trung Bộ đến Nam Bộ thành kính và thờ cúng. Họ xem cá Ông như vị thần bảo hộ tính mạng và tài sản trong quá trình đi biển và làm nghề biển. Tại Hội An và Quảng Nam, phong tục này để lại dấu ấn rất sâu đậm ở vùng biển. Ở góc độ bài viết này, tác giả xử lý thông tin nghiên cứu về cá Ông và tục thờ cá Ông dựa vào tư liệu tiếp cận và khảo sát được.

Bài vị sắc phong cho cá Ông tại lăng Ông ngư - Cù Lao Chàm.Ảnh: HOÀNG PHÚC
Bài vị sắc phong cho cá Ông tại lăng Ông ngư - Cù Lao Chàm.Ảnh: HOÀNG PHÚC

TIẾNG THƠM TRUYỀN LẠI

Dưới thời nhà Nguyễn, các vua đã phong thần cho cá Ông với rất nhiều mỹ danh: Nam Hải cự tộc ngọc lân chi thần; từ chế chương linh trợ tín Nam Hải cự tộc ngọc lân chi thần; từ tế chương linh trợ tín trừng trạm Nam Hải cự tộc ngọc lân chi thần; từ tế chương linh trợ tín trừng trạm dực bảo trung hưng thượng đẳng thần...

Từ tư liệu cổ

Tác phẩm Ô Châu cận lục của Dương Văn An, ấn hành năm 1555 (Trần Đại Vinh hiệu đính và dịch chú, Nxb Thuận Hóa, Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Bình, 2015, tr.29), trong mục cửa Việt An có ghi: “ở huyện Võ Xương, do hai nguồn Cảo Cảo, Viên Kiều đổ xuống. Thời triều trước, khoảng năm Quang Thiệu (tức niên hiệu vua Lê Chiêu Thống 1516 - 1522), có các loài cá voi lạc vào, khi thủy triều rút, dân làng biển đã bắt được. Có kẻ đã dùng xương sườn cá để cất nhà”.

Tuy nhiên, tư liệu sớm nhất nhắc đến tục thờ cúng cá Ông là tác phẩm Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định (Phan Đăng dịch và chú giải, Nxb Thuận Hóa - Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, tr.277 - 278), trong phần ghi chép về dinh Bình Thuận có đoạn viết: “…1.780 tầm, phía nam dọc theo bãi biển, phía bắc dọc theo động cát, đến miếu Thần Hải, miếu thờ thần Nam Hải cự tộc ngọc lân, tượng thần bằng đất, áo mũ rất trang nghiêm, hai bên có bày đao kiếm, chiêng trống và tàn lọng, đằng sau tượng có hòm gỗ sơn màu đỏ…

Hằng năm vào ngày mùng 2 tháng 2, dân trong thôn dùng lễ tam sinh để cúng tế, lâu ngày đã thành lệ, có khách đi đường làm thơ rằng (bản dịch nghĩa): “Vốn đời vùng vẫy chốn thủy cung/ Làm chúa muôn loài xứng tôn sùng/ Há miệng ra vào miền sông bãi/ Quẫy đuôi ngang dọc chốn khơi đông/ Đứng đầu hết thảy ngoài biển rộng/ Cứu độ bao người đã nên công/ Miếu vũ mãi còn bên bờ biển/ Ngàn thu truyền tụng tiếng đức ông…”.

Ngoài ra, cá Ông và tục thờ cá Ông còn được nhắc đến trong tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức biên soạn, sách Đại Nam thực lục và Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, sách Thối (Thoái) thực ký văn của Trương Quốc Dụng biên soạn.

Phong thần

Tại Hội An, địa phương có nhiều xã phường tiếp giáp với biển như Cẩm An, Cửa Đại, Tân Hiệp với đa số cư dân làm nghề biển, vì vậy việc thờ cúng và các hình thức tín ngưỡng liên quan đến cá Ông được người dân thành kính, tổ chức trang trọng.

Ở Hội An hiện có 5 di tích liên quan đến tục thờ cúng cá Ông: lăng Ông Ngư ở Tân Hiệp, lăng Ông An Bàng ở Cẩm An, lăng Ông ở Cẩm Nam, lăng Ông ở Cẩm Thanh và lăng Tiêu Diện ở Cửa Đại. Những di tích này đã được đưa vào danh mục bảo vệ của thành phố, và một số đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Ngoài ra còn một số di tích liên quan đến tục thờ cá Ông chưa được đưa vào danh mục bảo vệ như lăng Vạn Thanh Thuận ở Cẩm Nam, lăng Ông Nam Hải ở Cửa Đại, lăng Ông Tân Thành ở Cẩm An.

Về sắc thần cho cá Ông, trong Quảng Nam xã chí, tập điều tra về các làng xã ở Hội An đã cho biết, một số làng xã xưa ở Hội An có người dân làm nghề biển và nơi thờ cúng cá Ông lưu giữ nhiều sắc thần phong tặng cá Ông.

Làng Cẩm Phô có 2 đạo sắc thần: Vị Ngọc Lân trước phong Trừng Trạm ngày 8 tháng 6 nhuận năm Duy Tân 5; Vị Nam Hải Ngọc Lân gia tặng Thành Hoàng Tịnh Hậu trung đẳng thần ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9.

Làng Tân Hiệp có 2 đạo sắc thần: Vị Nam Hải Ngọc Lân được trước phong Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm Dực Bảo trung hưng ngày 8 tháng 6 nhuận năm Duy Tân 5; Vị Ngọc Lân gia tặng Uông Nhuận trung đẳng thần ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9.

Làng Thanh Nam có 2 đạo sắc thần: Vị Đông Hải Ngọc Lân gia tặng Trừng trạm Dực bảo trung hưng hạ đẳng thần ngày 18 tháng 3 Khải Định thứ 2; Vị Ngọc Lân gia tặng Uông nhuận ngày 25 tháng 7 Khải Định 9.

Làng Thanh Đông có 8 đạo sắc thần: Vị Ngọc Lân năm đức Thế tổ thống nhất gia tặng Từ tế ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7; Vị Ngọc Lân năm Minh Mạng thứ 21 ngũ tuần đức Thánh tổ nhơn hoàng gia tặng Chương linh ngày 12 tháng 4 Thiệu Trị 3; Vị Ngọc lân gia tặng Trợ tín ngày 14 tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 3; Vị Ngọc Lân gia tặng Trừng trạm ngày 25 tháng 9 năm Tự Đức thứ 3; Vị Ngọc Lân, năm Tự Đức 31 ngũ tuần tiết đăng trật ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33; Vị Ngọc Lân gia tặng Dực bảo trung hưng ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh 2; Vị Ngọc Lân năm Duy Tân nguyên niên đại lễ đăng trật ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3;  Vị Ngọc Lân gia tặng Uông nhuận ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9.

Làng Thanh Hà có 5 đạo sắc thần: Vị Ngọc Lân năm đức Thế tổ cao hoàng thống nhứt gia tặng Từ tế ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7; Vị Ngọc Lân năm Minh Mạng thứ 21 ngũ tuần đức Thánh tổ nhơn hoàng gia tặng Chương linh ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3; Vị Ngọc Lân gia tặng Trợ tín ngày 14 tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 3; Vị Nam Hải Ngọc Lân gia tặng Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm ngày 25 tháng 9 năm Tự Đức thứ 3; Vị Ngọc Lân gia tặng Uông nhuận ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9.

VỊ THẦN CỨU HỘ

Có thể nói, cá Ông được thờ cúng ở hầu hết địa phương ở Hội An có cư dân làm nghề biển và được các vua nhà Nguyễn ban sắc tặng.

Lễ cầu ngư (cúng cá Ông), hát bả trạo ở làng chài Bình Minh (Thăng Bình). Ảnh: H.QUANG
Lễ cầu ngư (cúng cá Ông), hát bả trạo ở làng chài Bình Minh (Thăng Bình). Ảnh: H.QUANG

Tại làng Phước Trạch (nay thuộc phường Cửa Đại), dân gian lưu truyền thần tích về cá Ông và tục thờ cúng cá Ông như sau (theo điều tra của Viện Viễn Đông Bác cổ vào năm 1939):

“Làng Phước Trạch thường gọi là làng Câu (vì ở đây người ta thường hay đánh cá, câu cá), thuộc tổng Thanh Châu, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong làng có lăng thờ cá Ông. Cư dân làng Phước Trạch ở miệt biển thường hay bị sóng tố, rủi ro, đắm trôi. Người sống sót lại là nhờ có phước lớn vậy, chẳng qua đó nhờ “cá Ông” độ đưa vào. Cá đưa vào có khi một vài người, hay là với một cái ghe hư hỏng nhỏ. Lúc ban sơ những người đưa vào được sống, chưa hiểu rõ là nhờ ai.

Dần dần họ mới hiểu rõ, vị cá (cá Ông) đã cứu vớt con dân miệt biển chẳng phải là ít. Cho nên muốn tỏ lòng biết ơn, kính trọng, hễ khi nào có cá ấy bị chết (thường gọi là lụy) tấp vào bờ, người thấy được tin báo làng xã cho đem vào gói chôn ở bãi cát nào, chờ trong một kỳ hạng thịt mục, xương rời thì lại bỏ cả xương vào hòm nhỏ có sẵn ở lăng mà thờ, sau khi được nhà vua phong thần sắc. Lúc chôn xác, khi cất xương họ đều làm lễ tử tế.

Cá Voi thờ ở lăng, trong có khám, có tam sự, 10 cái hòm gỗ nhỏ, 2 chiếc ghe nhỏ, 2 hàng lão bộ, chứ không mũ, hia, áo gì... Mỗi năm cúng 2 lễ chính vào ngày 6 tháng 2 và ngày 6 tháng 8. Lễ vật cúng gồm cơm, xôi, heo, rượu, hoa quả do làng và những lái ghe đóng góp kinh phí tổ chức”.

Làng Phước Trạch có đến 4 sắc phong của vua cho cá Ông: Vua Minh Mạng  vào năm thứ 7 ngày 17 tháng 9 và vua Thiệu Trị vào năm thứ 3 ngày 12 tháng 4 phong tặng là Từ tế Chương linh thần; Vua Tự Đức năm thứ 33 ngày 24 tháng 11 phong tặng là Từ tế Chương linh Trợ tín đăng trạm Nam Hải cự tộc Ngọc Lân thần; Vua Duy Tân năm thứ 3 ngày 11 tháng 8 phong tặng là Từ tín Chương linh Trợ tín đăng trạm Dực bảo trung Nam Hải cự tộc Ngọc Lân thần.

Về nơi thờ tự cá Ông, tư liệu sớm nhất nhắc đến địa điểm thờ cá Ông ở Hội An là tác phẩm Đại Nam nhất thống chí (Bản dịch của Hoàng Văn Lâu năm 2012), trong phần tỉnh Quảng Nam, mục Hòn Đại Chiêm có ghi: “Có tên là ngọn Tiêm Bút, xưa có tên là núi Chiêm Bất Lao, tục gọi là Cù Lao, ở trong biển, phía Đông huyện Diên Phước, xưa gọi là đảo Ngoạ Long, là ngọn núi trấn ở cửa biển Đại Chiêm, có dân phường Tân Hiệp ở dọc theo bên núi... Trên đảo có ba đền thờ: Đền Phục Ba Tướng quân, đền Tứ Dương hầu và đền Bích Tiên. Lại có thuyết nói: Đó là đền thần Cao Các, đền Phục Ba Tướng quân và đền thần Bô Bô. Lại có các đền Ngọc Lân, Thành Hoàng, Chúa Lồi, Bạch Mã và Ngũ Hành”.

 Như vậy căn cứ vào nội dung trên và căn cứ thời điểm biên soạn cuốn sách, bước đầu đoán định ở Cù Lao Chàm vào cuối thế kỷ 19 đã có nơi thờ cúng cá Ông.

NGHI LỄ THỜ CÚNG

Vào năm 1962, trong chương trình phối hợp giữa Viện Hành chính quốc gia (Việt Nam Cộng hòa) và Nhóm cố vấn Trường Đại học Bang Michigan (Mỹ), khi nghiên cứu về các làng xã miền Trung, đã đề cập tục thờ cá Ông tại làng cá Cẩm An (nay là phường Cẩm An, Cửa Đại, xã Tân Hiệp).

Nghi lễ rước thần Nam Hải (cá Ông) nhập lăng trong lễ cầu ngư của làng chài Tam Hải (Núi Thành). Ảnh: H.QUANG
Nghi lễ rước thần Nam Hải (cá Ông) nhập lăng trong lễ cầu ngư của làng chài Tam Hải (Núi Thành). Ảnh: H.QUANG

Việc chuẩn bị

Đối với ngư dân Cẩm An, cá Ông là một vị thần bảo hộ cuộc sống của ngư dân. Trước đây, mỗi thôn ở Cẩm An đều có một miếu thờ cá Ông và một nghĩa địa gần kề để án táng cá Ông. Tuy nhiên, hai ngôi miếu thờ đã bị hủy hoại và một ngôi trong thôn 1 vẫn chưa được đặt lại. Nếu xác cá Ông trôi dạt vào bờ hoặc khi ngư dân thình lình bắt gặp ngoài biển thì họ sẽ mang đến nghĩa địa để thực hiện nghi lễ an táng.

Ngôi miếu thờ cá Ông lớn nhất ở làng Phước Trạch (thôn 3) có một khung cảnh tôn nghiêm và quay mặt ra biển. Đây là một công trình thờ tự lớn với một ngôi mộ lớn trên mặt đất và một cổng vào bằng đá. Ngôi miếu này được xây dựng từ 30 năm trước đã bị phá hủy và được xây lại vào năm 1958 với sự hỗ trợ kinh phí từ tổ chức Vạn. Vì tục thờ cá Ông là một nghi lễ quan trọng ở xã nên ngư dân không ngần ngại đóng góp vào việc sửa sang các ngôi miếu thờ và thực hiện các nghi lễ.

Lễ cúng cá Ông được tổ chức 2 lần trong năm. Lễ cúng đầu tiên diễn ra vào tháng Giêng sau Tết Âm lịch đánh dấu sự khởi đầu một mùa đánh bắt xa bờ. Lễ cúng lần hai thường vào tháng Bảy hoặc tháng Tám âm lịch để kết thúc mùa lênh đênh trên biển. Việc tế lễ tổ chức tại 3 thôn, tuy nhiên tại thôn 3 được tổ chức mang những đặc trưng tiêu biểu riêng.

Về nguyên tắc, việc tổ chức lễ hội này là đóng góp của người dân thôn 2 và thôn 3, nhưng người dân thôn 3 lại đóng vai trò chính trong việc lên kế hoạch, vận động đóng góp và tham gia thực hiện.

Khi buổi lễ đã được lên kế hoạch, vị trưởng Vạn ở thôn 3 triệu tập một cuộc họp các trưởng Vạn của 2 thôn để quyết định ngày cử hành và khoản tiền đóng góp bắt buộc từ các thành viên của Vạn. Khoản tiền này phụ thuộc vào việc đánh bắt cá ở các năm trước; nếu việc đánh bắt là tốt thì các hoạt động sẽ được tổ chức. Thông thường khoản đóng góp từ 20 - 30 đồng cho mỗi hộ gia đình. Có năm số tiền này cao hơn vì có tổ chức hát bội: 200 đồng đối với các chủ tàu lớn, 150 đồng cho tàu trung bình, 50 đồng và 30 đồng cho các chủ tàu nhỏ và ngư dân. Những người không liên quan nghề đánh bắt có thể đóng góp nếu họ muốn. Cuối cùng, việc đóng góp đạt 15.000 đồng, trong đó có 7.200 đồng được dùng để trả cho 15 thành viên đoàn hát ở gần Hội An. Lễ cúng đã được thiết lập vào ngày 21 tháng Giêng âm lịch.

Mặc dù trưởng Vạn là nhân vật chính trong việc tổ chức và tiến hành các lễ lệ và lễ hội, nhưng các thành viên Vạn mỗi năm bầu ra một chủ tế và hai phân hiến. Chủ tế phải là đàn ông có gia đình được mọi người kính trọng,  là người thành thạo về các lễ nghi và có số tuổi tương thích với năm mà ông được bầu chọn. Người góa vợ hoặc ly dị không được chọn vì điều này có thể mang lại xui xẻo cho ngư dân. Chủ tế là đại diện của các thành viên Vạn và người dân trong việc “ứng xử” với cá Ông.

Tế lễ và hội

Buổi lễ tại ngôi miếu có một đám rước đi trước, bắt đầu lúc 10 giờ sáng gồm 20 thành viên mặc trang phục truyền thống và một người chủ tế (còn gọi là chánh bái). Bốn người đàn ông khiêng một chiếc kiệu có chứa sắc lệnh hoàng gia (thực ra sắc lệnh đã bị phá hủy trong chiến tranh nên ngôi đền chỉ còn lại bát nhang). Hai người nhắc xướng mang lọng quan, sáu người chơi nhạc cụ cổ truyền và tám người cầm cờ. Một trong số những người cầm cờ dẫn đầu đoàn rước và người chủ tế đi theo sau.

Nhóm này đi khoảng vài cây số về phía bắc dọc theo bãi biển và sau đó quay trở lại ngôi miếu chính để nghỉ ngơi và ăn nhẹ. Sau đó, ban nhạc nổi lên một lần nữa và đi dọc theo bãi biển về phía nam. Trong cuộc diễu hành này, các thành viên khẩn cầu cá Ông và những vị thần biển cùng tham gia nghi lễ và lễ hội với các ngư dân và các linh hồn cá Ông đã chết.

Vào khoảng 3 giờ chiều, sau khi đám rước đã xong, một buổi lễ tương tự như mô tả ở thôn 1 được tổ chức tại miếu Ông ngư. Một gian lều được dựng lên cạnh ngôi miếu, những người bán rong và các nhà buôn địa phương ngay lập tức đã thiết lập các quầy hàng giải khát tại khu vực này. Phần trình diễn hát bội bắt đầu lúc 10 giờ và hàng ngàn người đã tụ tập để ăn uống, đánh bài và vui chơi giải trí cho đến 4 giờ sáng hôm sau. Lúc 10 giờ sáng ngày 22 mọi người lại tập trung và xem hát cho đến 6 giờ chiều. Chủ đề các vở tuồng đề cập các câu chuyện cổ tích, các truyền thuyết và những vị anh hùng dân tộc.

 Sau khi lễ hội kết thúc, hoạt động đánh bắt xa bờ bắt đầu. Vào cuối mùa đánh bắt, một buổi lễ đơn giản hơn được tổ chức để cảm tạ cá Ông vì đã che chở trong mùa vừa qua và khẩn cầu cho một mùa đánh bắt xa bờ thuận lợi.

Qua những thông tin trên cho thấy, cư dân làm nghề biển ở Hội An từ sớm trong lịch sử khi gặp nạn trên biển đã được cá Ông cứu giúp, từ đó người dân tỏ lòng tôn kính, sùng bái và lập miếu/đền thờ để cầu mong thần độ trì, phù hộ. Ngày nay, họ vẫn còn lưu giữ những tục lệ thờ cúng tại các di tích tín ngưỡng có thờ cá Ông gắn với các nghi lễ, hoạt động diễn xướng, tiêu biểu là lễ Cầu ngư và hình thức hát Bả trạo, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống, làm đa dạng thêm đời sống tinh thần.

PHẠM PHƯỚC TỊNH