Tau - mi có từ khi mô?

NGUYỄN DỊ CỔ 09/08/2020 04:08

Lời ăn tiếng nói hằng ngày, đặc biệt là những đại từ nhân xưng quen thuộc, nhiều khi người ta cũng không để ý đến gốc gác của nó. Riêng người Quảng dùng phổ biến cặp đại từ nhân xưng tau - mi, nhưng không hẳn ai cũng biết cặp từ này xuất hiện từ khi nào.

Bìa Từ điển Việt - Bồ - La in năm 1651. Ảnh minh họa
Bìa Từ điển Việt - Bồ - La in năm 1651. Ảnh minh họa

Lần tra chữ Quốc ngữ

Cặp từ tau - mi lưu bằng âm thanh (thoại) chắc chắn xuất hiện rất muộn khi có máy ghi âm/thu thanh. Do vậy chúng ta không thể dựa vào dữ liệu “âm thanh” đó mà phải truy tìm thời gian xuất hiện sớm nhất văn bản ghi lại vỏ âm thanh của nó. Hay nói cách khác là tìm vào các văn bản chữ Quốc ngữ có ghi 2 từ tau - mi này.

Văn bản có chữ Quốc ngữ sớm nhất ở Việt Nam có lẽ là Từ điển Việt - Bồ - La, do A.de Rhodes biên soạn, xuất bản tại Roma năm 1651. Trong từ điển này, đại từ ngôi thứ nhất có các từ: tạo (ego-tôi, tao, tức là khi người trên nói với những người rất thấp, như cha nói với con, người quyền quý nói với tiện dân; cả con nít cũng nói như vậy khi chúng nói chuyện với nhau hay cãi nhau: nói mầy tạo), tạu (vide tạo: giống tạo), tôi (ego-tôi, nói cách khiêm hạ: chúng tôi, mớ tôi, của tôi), tớ (ego-tôi, dùng để nói trong khi giận dữ: tớ làm chi ngươi), tui (ego-tôi, nói theo cách quê mùa). Đại từ ngôi thứ hai chỉ có từ “mầy” (để nói với những người dưới, hay nói cách quê mùa), không thấy từ “mày”, “mi”.

Dictionarium Anamitico-Latinum hay còn gọi là Nam Việt - Dương Hiệp Tự vị in năm 1838 do AJ.L.Taberd biên tập (editum) dựa trên toàn bộ thủ bản soạn thảo của giám mục Pierre Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc) năm 1772 - 1773. Từ điển này có các mục từ về ngôi thứ nhất: tao (ego); tau: ego (vide Tao); tôi (ego), tớ (tu et ego: ngươi tớ). Cả hai từ “tao” và “tau” đều sử dụng chữ Hán là “tảo: côn trùng” để ghi âm. Mục từ ngôi thứ hai là: mầy giải thích bằng tiếng Pháp là “tu”, tức ngôi 2 (pater tuus: cha mầy; quid ad te: mắc chi mầy); mi: cũng giải thích bằng tiếng Pháp là “tu”. Cả hai từ “mầy” và “mi” đều được sử dụng chữ Hán “mi: lông mày” để ghi âm. Từ điển này không có mục từ “mày”.

Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của (NV ghi đúng nguyên văn tên từ điển và tác giả) in năm 1896 và Dictionnaire Vietnamien - Francais (Từ điển Việt - Pháp) của J.F.M. Genibrel in năm 1898 cũng có các mục từ nhân xưng như từ điển của Taberd. Những văn bản hay từ điển chữ Quốc ngữ từ đầu thế kỷ 20 trở về sau thì đã có đầy đủ các mục từ ngôi nhất và ngôi thứ hai như nói ở trên. Tuy nhiên toàn bộ những văn bản vừa nêu đều không cho biết vì sao cặp từ tau - mi được dùng phổ biến ở xứ Quảng và thời gian xuất hiện muộn nhất có từ bao giờ.

Đãi tìm trong chữ Hán

Do vị thế đặc biệt của xứ Quảng mà từ rất sớm tại vùng đất này đã diễn ra sự giao lưu quốc tế mạnh mẽ. Theo đó, một số người nước ngoài đã đến và ghi chép về vùng đất này. Tuy nhiên, tác phẩm bằng chữ Hán của người Á Đông là sớm hơn cả. Trong đó, có 3 tác phẩm An Nam cung dịch kỷ sự (1657) của Chu Thuấn Thủy, Hải ngoại kỷ sự (1695) của Thích Đại Sán, Hải Nam tạp trứ (1835) của Thái Đình Lan.

Cả 3 tác giả này đã có sự giao tiếp với người đang ở xứ Quảng (bao gồm người Việt bản địa, Hoa kiều, người Nhật) bằng các phương thức thông ngôn, bút đàm, hay tiếng mẹ đẻ của họ. Trong tác phẩm của mình, họ dùng một số chữ Hán để ký âm tiếng Việt (chứ không phải phiên dịch thành Hán ngữ). Địa danh Đò Ván (tức Bến Ván) được Thái Đình Lan ký âm bằng chữ Hán là “lật vạn” (âm Mân ngữ là “lò wan”); Chợ Vạn thì dùng chữ Hán “tọa vạn” (âm Mân ngữ gần giống “chụa wan”). Đối với địa danh Dinh Cát, Chu Thuấn Thủy nhận thấy “giọng đọc tiếng An Nam” từ này giống lăng giáp (âm Hoa Nam của Chu Thuấn Thủy đọc lăng giáp là ying chá). Thích Đại Sán nghe âm “cơm” ở vùng Thuận Hóa, Hội An và ký âm bằng chữ Hán là “cam”. Chu Thuấn Thủy ký âm “chẳng biết” thành chữ Hán là “chương mật” (đọc theo giọng của Chu là “chang béc”; “xấu hổ” ghi thành chữ Hán là “xú hóa”. Những tiếng trả lời “Phải, phải, phải” thì ông nghe âm và ghi bằng chữ Hán là “phái, phái, phái” (chữ “phái” trong “chi phái”).

Trong tác phẩm An Nam cung dịch kỷ sự, Chu Thuấn Thủy nhận xét đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất mà người Quảng dùng đương thời là, “tiếng An Nam có âm giống như chữ “đảo: hòn đảo” trong tiếng Hoa” (đọc theo giọng của Chu là “tảu”) và chú thích “đại vương cập tôn giả tự xưng chi từ”, tức là từ tự xưng của đại vương (chúa Nguyễn) và những người tôn kính. Đại từ nhân xưng ngôi thứ hai của người Quảng có âm đọc là “mê” (đọc theo giọng của Chu là “mi”/ “mí”) và chú thích “hô tối tiện giả chi từ”, có nghĩa là tiếng gọi những người thấp nhất trong xã hội. Nhận xét về ngữ nghĩa và phong cách cặp đại từ nhân xưng tau - mi của Chu Thuấn Thủy giống với nhận xét của A. de Rhodes trong Từ điển Việt - Bồ - La. Thêm nữa, Chu Thuấn Thủy dùng chữ Hán “đảo” ghi âm “tau” của tiếng Quảng thì A. de Rhodes cũng có ghi mục từ “táu” có nghĩa là “đến” (tức là “đáo”). Điều này cho thấy sự phản ánh đúng thực trạng ngôn ngữ của xứ Quảng vào giữa thế kỷ 17. Ngoài ra, địa danh “Hòn Tàu” của Quảng Nam thì thư tịch chữ Hán trước đây ghi là “Tào Sơn”. “Mã Tào” trong sách của Thích Đại Sán là “tàu ngựa”. “Cai tào” trong sách của Chu Thuấn Thủy là “cai tàu”. Tiếng Chăm ngôi thứ nhất đọc là kou.

Chu Thuấn Thủy là người đến Hội An rất nhiều lần và lưu trú tương đối lâu, vào các năm 1646, 1651, 1652, 1653, 1654 - 1658. Do vậy, ông rất am hiểu văn hóa của xứ Quảng, thậm chí trong ngôn ngữ hội thoại ông sử dụng các đại từ nhân xưng khác nhau trong mỗi hoàn cảnh giao tiếp. Nhờ đó mà chúng ta ngày nay tìm được dấu vết cặp từ xưng hô tau - mi của xứ Quảng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần vào giữa thế kỷ 17. Như vậy, cặp từ nhân xưng tau - mi được xứ Quảng sử dụng rộng rãi trong mọi giai tầng xã hội, ít nhất ngót nghét 4 thế kỷ. Và giờ đây, nó đã trở thành một đặc sản thổ ngữ hằn in trong mỗi người con xứ Quảng.

NGUYỄN DỊ CỔ