Sính lễ của người Quảng

NGÔ TƯỜNG VÂN 02/08/2020 06:37

Trong quá trình điều tra điền dã nghiên cứu về văn hóa Quảng Nam chúng tôi đã gặp một số tài liệu ghi chép về hôn lễ của người Quảng; qua nội dung các tờ sính cho thấy nét tương đồng về văn hóa này của nhóm người Hoa và người Việt.

Tờ sính lễ.
Tờ sính lễ.

Sính lễ và tờ sính

Sính lễ sẽ được chuẩn bị kèm theo một tờ sính, tờ sính này được viết tay trên một mặt giấy Tuyên chỉ đỏ và xếp lại thành những nếp bằng nhau như hình thức xếp quạt, các bản sính lễ có số lượng nếp gấp không giống nhau. Văn tự được sử dụng là Hán Nôm, trong đó, phần lớn là Hán tự, chữ Nôm chỉ được sử dụng để ghi một số danh từ Nôm như địa danh, tên người... Kích thước của các văn bản không cố định, trong 8 tờ sính chúng tôi phát hiện trên địa bàn Quảng Nam, tờ có kích thước lớn nhất là 110cm x 22cm, tờ nhỏ nhất có kích thước 42cm x 19cm. Trang đầu tiên ghi hai chữ Hán (có trường hợp không ghi) 鸞書Loan Thư, trang sau cùng ghi (có trường hợp không ghi) hai chữ Hán 鳯帖Phụng Thiếp. Thể chữ viết trên văn bản là Khải thư.

Nội dung của tờ sính được kết cấu làm ba phần. Phần 1: xưng danh của nhà trai, gồm họ tên, quê quán; phần 2: phần nội dung chính, nói lên lý do của sính lễ này và sau đó là liệt kê các lễ vật; phần 3: ghi ngày tháng năm và tên chủ hôn. Văn phong của tờ sính biên soạn theo lối cổ văn, lời lẽ khiêm cung và hết sức trang nhã. Dưới đây chúng tôi sẽ tuyển dịch giới thiệu 3 bản sính lễ tiêu biểu trong 8 bản sính lễ được phát hiện tại Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên; trong đó, 1 bản của người Hoa và 3 bản của người Việt.

Bản ở xã Thanh Quýt

Sính lễ của Nguyễn Văn Luân ở xã Thanh Quýt, Phủ Điện Bàn vào năm Thành Thái thứ 10 (1898):

Bồi bái thông gia Nguyễn Văn Luân, xã Thanh Quýt, tổng Thanh Quýt Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn.

Kính thưa quý tộc Phan trong xã, Cúi nghĩ, chẳng chê nghèo hèn, cùng nghĩ việc hôn, gả thứ nữ là Phan Thị Ngôn cho con trai kẻ hèn này là Nguyễn Văn Duy làm vợ chính. Nay tuân [theo ý nhà gái] chuẩn bị lễ vật, chọn được ngày tốt vào giờ Thìn tháng này hôm nay, kính cần cử hành lễ hỏi để thỏa lòng ý nguyện của nhà gái, các lễ vật đều liệt kê dưới đây: trầu cau thành bàn, rượu ngon thành vò, hoa tai bạc thành đôi, vòng bạc thành đôi, y phục thành đôi, heo tơ thành rọ, sính lễ ruộng tư 2 sào, [có ghi] trong địa bạ của xã, thuộc xứ Thạch Não, 3 khoảnh liên tiếp, đều là ruộng loại 3, phía đông gần ruộng tư của Trương Công Nhưng, phía tây gần ruộng tư của Lê Tự Linh, phía nam gần ruộng công của xã, bắc gần ruộng tư của Nguyễn Bá Lại, lại gần ruộng tư của Nguyễn Hữu Chấn, [phía bắc] gần ruộng tư của Nguyễn Hữu Điển. Đông tây tứ cận như trong địa bạ.

Cúi mong tôn từ xem xét thu nhận lễ mọn. Ngày 11 tháng 12 năm Thành Thái thứ 10 (1898). Nhân nghị Nguyễn Văn Luân trang nhã tiến nạp.

Bản ở xã Minh Hương

Sính lễ của Lưu Thừa Lan (người Hoa), xã Minh Hương, Hội An, năm Bảo Đại thứ 20 (1945):

Loan thư: Xã Minh Hương, kẻ nhỏ mọn này cúi chào hôn gia bào thúc Lưu Thừa Lan. Kính ngỏ lời: Nhà trai Trần Quý Đài vọng tộc bang Phước Kiến, cúi vâng! Gia mệnh chẳng xét hàn vi, theo lời mai mối tính dắt, lấy trọng nữ là Trần Thị Hòa với cháu của kẻ hèn này là Lưu Phước Lạc. Lấy làm phối thất, nay kinh tuân phép cũ, chọn ngày giờ tốt lấy giờ Hợi ngày 6 tháng 2 năm này làm lễ sính hỏi cùng với nghênh hôn, lấy làm điều ước trăm năm, để lưu duyên hài thái, vốn có ít đồ sơ sài đều liệt ở lễ mục: Cẩn thận bày đầy đủ đèn phượng một cặp, đàn hương thành gói, trầu cau thành mâm, rượu ngon thành bình, cung hoa thành đôi, hoa tai thành đôi, [trang phục] màu thành bộ, đầu heo đóng thành hộp (thay bằng trăm đồng), sính lễ hai trăm đồng chẵn, thiếp thư thành đôi, kính dâng! cung kính nạp sính lễ, cúi vâng! Tôn từ đoái ban, xem xét thu nhận [lễ vật], kính chúc “Bách niên giai lão, Ngũ thế kỳ xương, Phượng mao tế mỹ, Lân chỉ trình tường”. Kính chúc!

Ngày 6 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 20 (1945).

Kẻ hèn mọn Lưu Thừa Lan khom lưng chào.

Bản ở xã Thanh Trường

Sính lễ của Trương Thị Chiến xã Thanh Trường, quận Điện Bàn, năm 1966:

Việt Nam Cộng Hòa dương lịch ngày 8 tháng 6 năm 1966. Bà thông gia Trương Thị Giới, thôn Thanh Quýt, xã Thanh Trường, quận Điện Bàn kính thưa tôn từ gia tộc họ Phan cùng thôn [Thanh Quýt].

Xin kính cẩn thưa chuyện, gia mệnh nghĩ đến chuyện tương lai [của con cái], theo [bàn bạc của] mai mối [với nhà gái] thuận gả trưởng nữ của lệnh ái là Phan Thị Miên cho con trai thứ họ [chúng tôi] là Nguyễn Hữu Thôi làm vợ cả, duyên hòa cầm sắt, nghĩa hợp tất giao. Nay vâng theo phép tắc, kính cẩn chọn được ngày lành vào ngày 20 tháng 6 năm nay, đã [chuẩn bị được] lễ hỏi cùng đính lễ thân nghênh, để hai họ được vui vẻ hòa hợp, ước định trăm năm. Có lễ mọn đều liệt kê dưới đây: trầu cau thành bàn, rượu ngon thành vò, heo tơ thành rọ (quy đổi bằng tiền [miền] Nam 3.000 đồng), y phục thành tập (quy đổi bằng tiền [miền] Nam 2.000 đồng), hoa tai vàng thành đôi, nhẫn vàng thành chiếc, dây vàng thành sợi, đất tư lễ hỏi hai sào ở trong địa bạ xứ Bàu Đưng thôn ta, đông tây tứ cận cụ thể có ghi trong giấy tờ đất, hiện nay trích lục thuộc phòng A... số hiệu. Cúi mong tôn từ xem xét thu nhận lễ mọn. Ngày 16 tháng 4 năm Bính Ngọ. Bà thông gia Trương Thị Chiến cẩn trọng [viết] thiếp.

Qua các tài liệu thành văn như đã dẫn trên chúng ta thấy rõ sính lễ của người Hoa và người Việt ở Quảng Nam giai đoạn cận, hiện đại cơ bản giống nhau từ hình thức đến nội dung. Lễ vật tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà sắm nhiều hay ít, quý trọng hay bình dân. Trong đó, hầu hết là các sản vật địa phương được sử dụng trong ẩm thực như trầu cau, rượu, heo..., các kim loại quý như vàng, bạc hoặc tiền mặt và một lễ vật thường được xếp sau cùng nhưng có vai trò hết sức quan trọng đó là đất đai, ruộng vườn dùng để làm sinh kế cho vợ chồng trẻ sau này.

Một điều khá thú vị là thể thức sính lễ và tờ sính còn được nhiều gia tộc duy trì, sử dụng đến thập niên 60, 70 của thế kỷ 20, khi mà chữ Quốc ngữ đã trở thành chữ viết chính thống ở miền Nam thì văn tự Hán Nôm vẫn còn được sử dụng để viết tờ sính. Điều này còn góp phần nhấn mạnh sự ảnh hưởng lâu dài và liên tục của lễ tục của người Hoa đến người Việt trên địa bàn Quảng Nam. Hiện nay, sính lễ được chuẩn bị dựa theo trí nhớ của của các bậc trưởng lão trong gia tộc, chúng tôi chưa ghi nhận được trường hợp nào còn sử dụng tờ sính đi kèm sính lễ nữa.

NGÔ TƯỜNG VÂN