Hát bội Quảng Nam
Ngày trước, Quảng Nam là một trong 4 trung tâm “hát bội” của cả nước: Huế, Bình Định, Gia Định và Quảng Nam. Các đoàn hát bội Quảng Nam thường được gọi ra kinh đô để “diễn chầu”. Đức Giáo (Quế Sơn) và Khánh Thọ (Phú Ninh) là hai cái nôi của hát bội Quảng Nam, nhiều lần được triều Nguyễn sắc phong là làng Nhị ca, chỉ đứng sau một số đoàn Nhứt ca của cung đình!
Hát bội Quảng Nam
Nghệ thuật hát bội/hát bộ hay tuồng cổ chỉ là một. Miền Nam gọi là hát bội, miền Bắc gọi là tuồng. GS. Hoàng Châu Ký cho rằng: “Hát bội là từ riêng chỉ nghệ thuật tuồng” (Sơ thảo Lịch sử Nghệ thuật Tuồng, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1973, tr. 55).
Trong ba cách gọi có lẽ chữ tuồng có trước. Tuồng vốn gốc từ chữ liên trường, nghĩa là kéo dài liên tiếp theo lớp lang, có khởi đầu và kết cuộc. Liên trường dần biến thành luông tuồng, gọi tắt là tuồng.
Chữ hát bội có sau, có lẽ nằm trong chủ trương “ly khai” của Đàng Trong. Nên nhớ hát bội là chữ dùng ở phía Nam, mà tổ nghề là Đào Duy Từ, một trong những “kiến trúc sư” cho sự ly khai của xứ Đàng Trong, vốn xuất thân từ giới “xướng ca”. Chữ “bội” trong hát bội có nghĩa là thêm vào, nhiều lên vốn là đặc điểm của nghệ thuật hóa trang trong hát bội, diễn viên phải bôi mặt, dắt thêm cờ phướn, lông công lông trĩ… Hát bội có thời kỳ biến thể thể thành hát bộ vì nghệ thật này đi liền giữa “hát” và “diễn” bằng điệu bộ. Sự biến thể này do có thời chữ bội được xem là chữ “khiếm trang” (thiếu sự trang nghiêm: bội bạc, phản bội), khi đứng gần những chữ tượng trưng cho uy quyền như quân, vương, đế…
Không có tài liệu nào cho biết cụ thể hát bội Quảng Nam ra đời vào thời điểm nào. Nhiều người vẫn nghĩ rằng từ thế kỷ 16 - 17 với việc “ly khai” của các chúa Nguyễn và với sự có mặt của Đào Duy Từ. Nhưng chắc chắn đến đầu thế kỷ 19 thì loại hình này đã phát triển. Hai chứng cứ xác định điều này:
Thứ nhất, làng Đức Giáo, được cho là có gốc từ kinh đô Phú Xuân. Năm 1805, vua Gia Long giải tỏa làng để xây kinh thành Huế. Nhiều người Đức Giáo lưu tán vào Quảng Nam, định cư ngay giữa làng Khánh Đức. Làng không có đất ruộng nên làm nghề ca xướng để sinh sống. Dân gian vẫn còn truyền hai câu: “Đức Giáo vô địa lập chùy dĩ xướng ca vi nghệ” (Đức Giáo không mảnh đất cắm dùi, lấy xướng ca làm nghề) và “Hữu đinh vô điền, xuất ca chi các huyện hạt, dĩ thu ngân sung nạp ngân đinh” (có đinh mà không có ruộng, đi hát khắp các huyện để lấy tiền nạp thuế đinh). Làng này cũng có 4 tộc, thay phiên nhau làm Lý trưởng. Lý trưởng lại kiêm luôn chức “Bầu” gánh hát!
Thứ hai, trong một tấm bia ở làng Khánh Thọ có ghi lại rằng khi khánh thành đình làng vào thời Thiệu Trị, có tổ chức “hát bội”. Điều đó chứng tỏ “nghệ thuật này có ở đây từ trước rất lâu đến lúc ấy đã hoàn chỉnh ở mức độ nhất định” (Hoàng Châu Ký).
Hát bội Quảng Nam gồm hai nhánh tuồng, nhánh Đường bộ và nhánh Đường nước. Nhánh Đường bộ diễn chơn chất, giữ truyền thống, thường được mời diễn vào những dịp lễ lạt cần sự nghiêm trang. Nhánh Đường nước phát triển mạnh ở vùng phía bắc tỉnh, do giao lưu nhiều nên có nhiều cải cách, hát hay, trang phục đẹp, thường được mời diễn trong các dịp vui. Các nhà nghiên cứu cho rằng nhánh tuồng Đường nước phát triển đúng quy luật khách quan của nghệ thuật, luôn thay đổi để thích ứng với cuộc sống.
Tam Kỳ là nơi nghệ thuật hát bội phát triển sớm và mạnh, vị “Quản ca” và rạp hát cố định đầu tiên đều ở Tam Kỳ. Ông Quản Lan là Quản ca đầu tiên vốn xuất thân từ đoàn hát bội của làng Khánh Thọ cũng là người đứng ra xây rạp hát cố định đầu tiên.
Trần Hàn, ở làng Xuân Quê, nay là xã Quế Long, huyện Quế Sơn là người đã nâng nghệ thuật hát bội lên một bước với việc đưa các tuồng hát là những câu chuyện về người thực, việc thực của đời sống xã hội lên sân khấu thay cho những tuồng tích của Tàu.
Sinh thời, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cho rằng tuy hát hay nhưng người Quảng ít được chọn vào các đoàn hát cung đình vì hai nhược điểm là tiếng “dạ” không “ngọt” như những người vùng khác và hay “sáng tạo tùy tiện” nên rất dễ bị “phạm tội”. Các quan phụ trách đoàn hát cũng rất dễ bị “vạ” lây!
Vua Thành Thái và hai nghệ nhânhát bội Quảng Nam
Vua Thành Thái là người rất “sành” hát bội, nhà vua rất tự hào về tiếng trống chầu của mình. Ông vua này đã nhiều lần gọi các đoàn tuồng của Quảng Nam ra Huế để diễn cho triều đình xem.
GS. Hoàng Châu Ký trong bài “Vài nét về nghệ thuật hát bội Quảng Nam - Đà Nẵng” (Quảng Nam - Đà Nẵng, Xưa&Nay, Nxb Đà Nẵng, 1996) có kể một giai thoại nói về tài năng và tính hay sáng tạo tùy tiện của nghệ nhân hát bội người Quảng.
Một lần vua Thành Thái gọi đoàn hát Quảng Nam ra Huế diễn chầu. Đích thân nhà vua cầm chầu để bình phẩm. Một đêm diễn tuồng Sơn Hậu, Nhun Đá đóng vai Đổng Kim Lân còn Nhun Nguyên đóng vai Khương Linh Tá. Hai nghệ nhân này được nhà vua hết lời khen ngợi. Để thử tài hôm sau nhà vua bắt hai ông đổi vai cho nhau để diễn. Khi ra sân khấu Nhun Đá quên mất, cứ nghĩ mình Kim Lân nên gặp Nhun Nguyên (Linh Tá) liền xưng chúc: “Chúc phong hầu ngự mã”.
Nhun Đá nói xong biết sai liền chữa ngay: “Yêng tôi Đổng Kim Lân quyền bảo giả sắc phong lộc là Khương Linh Tá”. Khen tài quyền biến của Nhun Đá nhà vua liền thưởng ba tiếng chầu. Nhun Nguyên biết Nhun Đá nhầm liền cất tiếng cười và khen: “Yêng giỏi lắm!”. Tiếng cười và lời khen của Nhun Nguyên rất đúng bài bản của vai diễn. Nhun Nguyên cũng được nhà vua thưởng hai tiếng trống chầu. Đó là sự sáng tạo tùy tiện được khen.
Nhun Đá lớn tuổi và người gầy gò nhưng khi vào vai tướng thì rất oai phong và mạnh như hổ. Khi diễn cho nhà vua xem trong vai Tiêu Tán đánh nhau với kẻ thù là Kim Ngô. Thể hiện sự căm thù kẻ ác cao độ khi giết xong kẻ thù Tiêu Tán liền lấy gan uống rượu. Khi diễn đoạn ăn gan kẻ thù ông làm cho khán giả tức giận hợp lý mà không thấy sự dã man. Diễn như vậy đã thể hiện được cái đẹp của nghệ thuật. Nhun Đá diễn đoạn này được nhà vua thưởng chầu liên hồi lại còn quay sang viên quan ở Bộ Lễ ngồi hầu bên cạnh bảo: “Thưởng ngay bát phẩm ca công!”.
Nhun Đá khoái chí diễn tiếp, cố đẩy cao trào lên bằng sáng tạo: khi ăn gan, ăn nhầm luôn đoạn ruột già nên phun ra và lấy tay quạt quạt vào mũi để xua mùi xú uế. Thấy cảnh này nhà vua liền gõ “cắc, cắc” vào tang trống để phê bình và quay sang viên quan Bộ Lễ ra lệnh: “Xóa bát phẩm!”.
Viên quan Bộ Lễ mồ hôi đầm đìa. Nhun Đá đã phạm trọng tội. Dám diễn cảnh ăn nhầm phân, hôi thối trước mặt nhà vua. Gặp ông vua khác thì có thể bị chém, ít ra cũng bị đánh trượng. Người phụ trách dễ bị mất chức hay chí ít cũng bị giáng vài ba bậc… Thành Thái là ông vua nhân hậu lại mê hát bội nên bỏ qua, chỉ quở trách nhẹ nhàng mà thôi.
Quả là sự sáng tạo tùy tiện đến chết người!