Khoảng lặng nguồn nhân lực

THƯ QUÂN 20/06/2020 10:55

Theo tiến sĩ người Ý Patricia Zolese, dù tổ chức của bà đã đào tạo được nhiều lớp công nhân di sản, nhưng vẫn không ngừng tìm kiếm những lớp người kế cận có kiến thức chuyên môn sâu hơn để tiếp tục câu chuyện trùng tu tại Mỹ Sơn. Không chỉ tại khu đền tháp cổ, hay thậm chí ở phố cổ Hội An, việc tìm nhân lực cho ngành văn hóa gần như rơi vào khoảng lặng, ngay cả ở các địa phương đang phát triển khác. 

Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng VHTT huyện Thăng Bình chia sẻ, địa phương đang gặp phải khó khăn khi không có người làm công tác điền dã, nghiên cứu văn hóa ở góc độ chuyên sâu.

“Hiện tại chúng tôi rất thiếu cán bộ văn hóa, chủ yếu vẫn kiêm nhiệm. Nhưng khó nhất là đội ngũ nghiên cứu, làm công tác sưu tập, kiểm kê văn hóa tại địa phương. Trong khi văn hóa làng biển tại Thăng Bình rất dày dặn, đa dạng và có lẽ vốn liếng này đang từng ngày mai một. Thế nhưng địa phương vẫn chưa có điều kiện để tổ chức sưu tầm, lưu giữ” - ông Trương Công Hùng nói.

Trong lúc vùng ven biển Thăng Bình đang triển khai nhiều dự án về du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, nếu không muốn phát triển “nóng”, cần phải nghĩ đến câu chuyện nhân lực chuyên môn về văn hóa tại địa phương. 

Nhân lực ngành văn hóa đã khó, tìm người chuyên tâm với đủ kiến thức chuyên môn và đam mê để tập trung nghiên cứu sâu lại càng khó hơn. Ông Nguyễn Chí Trung – nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An vẫn thường trầm tư với câu chuyện về nghiên cứu văn hóa Hội An. Bởi lẽ lớp người như Nguyễn Chí Trung, Trần Văn An hay một số người bản địa đang bắt đầu có tuổi, việc tìm kiếm một lớp người trẻ thay thế gần như rơi vào ngõ cụt.

Ông Trung nói, trong khi để phát triển thì phải có những tầng vỉa của đô thị cổ làm nền móng, nhưng gần như nhân lực ngành văn hóa lại tỷ lệ nghịch với ngành du lịch - một trong những ngành “thời thượng” tại nhiều nơi. Lý do được đưa ra, do thu nhập trong công tác nghiên cứu không hấp dẫn như nhiều ngành nghề khác. Bên cạnh đó, việc quan tâm đào tạo, đãi ngộ cho đội ngũ chuyên môn nghiên cứu văn hóa vẫn còn thờ ơ, chưa thật sự tạo hứng khởi để đội ngũ này tiếp tục gắn bó với những chuyến điền dã, nghiên cứu. Thêm một điều khá nan giải khác, không chỉ gặp phải tại Hội An.

Hiện trên toàn tỉnh, đội ngũ bảo tồn di tích hầu như địa phương nào cũng thiếu. Không phải nơi nào cũng gặp may khi có được đội “công nhân trùng tu” tại chỗ như Mỹ Sơn. Nhiều địa phương vẫn chủ yếu tận dụng đội ngũ kiêm nhiệm, phần việc họ làm vẫn chủ yếu nghiêng về văn hóa cơ sở, còn các kiến thức nền tảng về bảo tồn bảo tàng vẫn chưa đủ để đáp ứng công việc. 

Tương tự, ở nhóm văn hóa phi vật thể, một lớp thế hệ kế cận cho các bộ môn truyền thống đang bị thiếu hụt. Và không chỉ thiếu diễn viên, đất diễn. Những người đứng sau các lớp lang điệu bộ, tuồng tích tại Quảng Nam cũng đang thưa vắng dần. Trong khi đó, việc tuyển sinh các nhóm ngành văn hóa nghệ thuật hay ngành văn hóa học tại một số trường cao đẳng, đại học Quảng Nam hay TP.Đà Nẵng lại ngày càng khó, vì thiếu người ghi danh...

THƯ QUÂN