Mở ra những nghiên cứu mới

SONG ANH - VĨNH LỘC 20/06/2020 06:54

Nhóm khai quật gồm các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một đài thờ sa thạch với Linga - Yoni liền khối còn khá nguyên vẹn tại đền thờ A10 (Khu đền tháp Mỹ Sơn). Điều này tiếp tục khẳng định về tính đa dạng và bề dày văn hóa tại di sản này.

Các chuyên gia Ấn và Việt đang thực hiện khai quật tháp A10. Ảnh: A.V
Các chuyên gia Ấn và Việt đang thực hiện khai quật tháp A10. Ảnh: A.V

Có thể thấy, từ việc phát hiện Mukhalinga (năm 2012) đến việc phát hiện bệ Linga - Yoni liền khối tại tháp A10 đã chuyển tải nội dung về bề dày văn hóa và tôn giáo ở Mỹ Sơn mà đến nay chúng ta mới chỉ biết được từng phần của nó trong lịch sử. 

Phong cách Đồng Dương

PGS-TS. Ngô Văn Doanh - người có nhiều nghiên cứu về văn hóa Chămpa cho biết, đền thờ A10 nằm trong nhóm tháp A tại Mỹ Sơn có rất nhiều mô típ trang trí kiến trúc truyền thống của phong cách Đồng Dương. Nhóm A gồm 13 đền tháp từ A1 đến A13, nằm ở phía đông nam trong thung lũng Mỹ Sơn.

Theo nhiều tài liệu, ngôi đền chính A1 được các nhà nghiên cứu đánh giá là kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc Chămpa, nhưng tiếc thay bị bom đánh sập vào năm 1969. Quanh ngôi đền A1 có 6 tháp nhỏ, ký hiệu từ A2 đến A7, thờ các vị thần phương hướng, các tháp này có niên đại cùng thời với tháp A1 (thế kỷ 10).

Trong khi đó, tháp A10 nằm ở phía bắc tháp A1, là một ngôi đền khá lớn. Ngôi tháp này cũng đã bị sập trong chiến tranh, hiện chỉ còn lại vài mảng tường và phần chân móng. Hoa văn trang trí trên tường tháp theo kiểu hình vết sâu bò - là loại hoa văn đặc trưng của phong cách Đồng Dương (từ giữa đến cuối thế kỷ 9). Dải trang trí có tràng hoa đan chéo nhau xuất hiện lần cuối ở ngôi đền A10 - cũng là ngôi đền cuối cùng của phong cách Đồng Dương. 

Theo nhiều tài liệu, ngôi đền A10 được xây dựng vào thế kỷ 9 dưới triều Indravarman II - cũng là vị vua xây dựng Phật viện Đồng Dương nổi tiếng vào năm 875. Cùng với đền B4, đền A10 là một trong hai ngôi đền tiêu biểu mang phong cách Đồng Dương tại thung lũng Mỹ Sơn.

Được khai quật vào năm 1903 và 1904, khi đó tường phía nam giáp với A1 còn khá cao, tuy nhiên sau khi bị lãng quên và chiến tranh trong các năm 1969 và 1972, công trình này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả khai quật tại di tích Mỹ Sơn của các chuyên gia Pháp (EFEO) trong các năm 1903 - 1904 cho thấy, hầu hết trong lòng các đền thờ đã bị xáo trộn do các cuộc săn lùng báu vật trước khi các chuyên gia Pháp tiếp cận Mỹ Sơn. Tương tự, đền A10 cũng đã bị xáo trộn trong lòng hố thiêng, sự xáo trộn này đã làm đài thờ A10 sập xuống dưới đáy hố.

Trong quá trình khai quật và phát lộ tại đền A10, tháng 5.2020, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một đài thờ sa thạch với Linga - Yoni (sinh thực khí nam, nữ) liền khối còn khá nguyên vẹn, có kích thước rộng 2,24m (bao gồm vòi), cao 1m68. Đây là một bộ Linga - Yoni liền khối lớn nhất tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Với việc phát hiện này, Mỹ Sơn đã có một đài thờ hoàn chỉnh thuộc đền A10. Theo Ban quản lý Khu di tích Mỹ Sơn, cùng với việc phát hiện và phục hồi vị trí nguyên gốc cho đài thờ và 4 trụ đá thuộc ngôi đền này, chức năng thờ thần Shiva qua biểu tượng Linga - Yoni của đền thờ A10 được khẳng định chắc chắn, và điều này đã trả lại không gian thờ tự như xưa cho đền thờ. 

Những dấu hỏi về niên đại

Bệ Linga - Yoni do người Pháp phát hiện năm 1938 và bệ Linga- Yoni vừa được phát hiện năm 2020.
Bệ Linga - Yoni do người Pháp phát hiện năm 1938 và bệ Linga- Yoni vừa được phát hiện năm 2020.

 Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho rằng, việc phát hiện Linga - Yoni lần này không phải là điều mới, bởi các học giả Pháp của Viện Viễn Đông bác cổ đã phát hiện chúng tại Mỹ Sơn từ năm 1938. Chính họ đã có những khảo tả, nghiên cứu nó trước khi cất lại tại hố thiêng tháp A10 để bảo quản.

“Chưa kể, thời gian qua một số nhà nghiên cứu cũng đã viết bài phân tích. Đặc biệt, dù kích thước bệ Linga – Yoni có thể lớn hơn một chút nhưng không thể khẳng định nó lớn nhất trong nền điêu khắc Chăm. Đồng thời cũng chưa thể chắc chắn nó nằm đồng thời với tháp A10 nên phải nghiên cứu kỹ mới có thể khẳng định niên đại chứ không phải tháp A10 thế kỷ thứ 9 thì nói bệ Linga này thế kỷ thứ 9” - ông Trần Kỳ Phương chia sẻ.

Ngoại trưởng Ấn Độ - ông Subrahmanyam Jaishankar cho rằng phát hiện đài thờ Linga - Yoni liền khối này là “ví dụ tuyệt vời trong lĩnh vực văn hóa cho thấy quan hệ hợp tác phát triển của Ấn Độ với Việt Nam”. Ông Subrahmanyam Jaishankar cũng nói bệ Linga – Yoni vừa được nhóm chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam tìm thấy tại một khu bảo tồn khảo cổ ở Mỹ Sơn, Quảng Nam có niên đại vào khoảng thế kỷ 9 đã tái khẳng định “sự kết nối nền văn minh” từ xa xưa giữa Ấn Độ và Việt Nam.

PGS-TS. Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ lại khẳng định: “Linga - Yoni này chắc chắn có niên đại khoảng thế kỷ 9. Theo trình tự phát triển nghệ thuật các Linga trong văn hóa Chămpa, ban đầu Linga chỉ có hình tròn, biểu hiện của thần Siva, tiếp đến là Linga có hình tròn và hình bát giác thể hiện sự kết hợp thần Siva với thần Visnu, sang thế kỷ 10 mới bắt đầu xuất hiện Linga tam vị nhất thể 3 tầng tròn – bát giác – vuông. Về mặt điêu khắc, Linga phát hiện ở tháp A10 là Linga 2 tầng (gồm hình tròn và hình bát giác), mô típ này chỉ xuất hiện ở thế kỷ 9. Do đó, Linga – Yoni phát hiện trong tháp A10 hoàn toàn phù hợp kiến trúc của ngôi đền tháp là thế kỷ thứ 9, cuối phong cách Đồng Dương”.

PGS-TS. Lê Đình Phụng cũng nhận định, việc phát hiện bệ Linga - Yoni này đã minh chứng cho tính liên tục của thánh địa Mỹ Sơn với tư cách là một trung tâm tôn giáo từ thế kỷ thứ 4 – 13. Mặc dù lúc này kinh đô của Vương quốc Chămpa ở Đồng Dương (Thăng Bình) nhưng Mỹ Sơn luôn luôn giữ vai trò thánh địa, trong đó tháp A1 là biểu hiện hội tụ nhiều giá trị, mỹ thuật của thời đại đó.

“Linga - Yoni này nằm khoảng cuối giai đoạn thế kỷ 9 nghĩa là nằm trong thời kỳ phát triển huy hoàng nhất của dân tộc Chăm về mặt văn hóa, khoa học, kỹ thuật. Bởi thời gian này người Chăm buôn bán rất mạnh với nhà Đường (Trung Quốc), một triều đại cực thịnh, nên có nhiều tiền tài của cải. Đặc biệt, tuy thời điểm này Phật giáo phát triển mạnh nhưng tính chất Siva giáo hay Ấn Độ giáo vẫn tồn tại và được duy trì, coi như là một công cụ quản trị xã hội của vương triều” - PGS-TS. Lê Đình Phụng phân tích.

Đây cũng là ý kiến của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ khi ông cho rằng vì Linga - Yoni này có kích thước khá lớn nên nó phải nằm trong A10 ngay khi đền thờ được xây dựng. “Với phong cách này Linga - Yoni có khả năng cùng niện đại với niên đại của tháp A10” - ông Hỷ nói.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cho rằng, Linga - Yoni liền khối này hoàn toàn có thể làm hồ sơ để được công nhận là Bảo vật quốc gia vì rất quý hiếm. Theo ông, với hình dáng và kích thước đó, dù khó thể khẳng định lớn nhất Việt Nam nhưng nó thể hiện được sắc thái riêng trong trang trí và điêu khắc, là tư liệu quý để hậu thế hiểu hơn về Mỹ Sơn. Dù vậy, theo PGS-TS. Lê Đình Phụng việc công nhận hay không công nhận Bảo vật quốc gia cũng không quá cần thiết bởi bệ Linga – Yoni đã là một bộ phận cấu thành di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn nên bản thân nó đã là một bảo vật.

SONG ANH - VĨNH LỘC